Tiếp tục giảm lãi suất cho vay, ít nhất 1,5-2 điểm %
Chính phủ ban hành Nghị quyết 105 về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính.
Trong đó, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp với các bộ, cơ quan điều hành các công cụ chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, nới lỏng phù hợp, kịp thời, hiệu quả để tạo điều kiện thanh khoản cho các tổ chức tín dụng.
Hỗ trợ ổn định mặt bằng lãi suất tiền gửi phù hợp với tình hình thị trường, nhất là thời điểm cuối năm khi các khoản huy động vốn với lãi suất cao trong các tháng cuối năm 2022, đầu năm 2023 đến thời hạn thanh toán.
Đồng thời, NHNN cần thực hiện các giải pháp điều hành phù hợp và chỉ đạo hệ thống tổ chức tín dụng thực hiện tiết kiệm chi phí hoạt động, tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, nhất là giảm lãi suất cho vay (phấn đấu giảm ít nhất khoảng 1,5-2%) nghiên cứu, thực hiện áp dụng đối với cả khoản vay mới và đang còn dư nợ.
NHNN cần xác định hạn mức tăng trưởng tín dụng phù hợp với tình hình thực tiễn (cả năm khoảng 13-15%, trường hợp thuận lợi thì có thể tăng cao hơn) và công bố ngay bằng biện pháp, hình thức phù hợp, hiệu quả chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại đến hết năm 2023, bảo đảm đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế.
Đặc biệt chú ý đến tín dụng bất động sản và tín dụng sản xuất kinh doanh nhằm hỗ trợ thị trường, góp phần khôi phục và khơi thông dòng vốn đầu tư và kinh doanh cho nền kinh tế.
Chính phủ giao NHNN tiếp tục rà soát gói tín dụng 120.000 tỷ đồng vay theo Chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ với các điều kiện cho vay kịp thời, thuận lợi, thông thoáng, linh hoạt, khả thi, hợp lý hơn.
NHNN tiếp tục triển khai các giải pháp tập trung tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh và các động lực tăng trưởng, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người dân, doanh nghiệp.
Đồng thời đề xuất gói tín dụng 10.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp ngành sản xuất, chế biến lâm sản, thủy sản và các gói tín dụng hỗ trợ phù hợp các lĩnh vực cần thiết khác.
Giảm 30% tiền thuê đất của năm 2023
Tại Nghị quyết, Chính phủ cũng giao Bộ Tài chính trong tháng 7 trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định giảm 30% tiền thuê đất của năm 2023 cho tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo Quyết định hoặc Hợp đồng hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức thuê đất trả tiền hàng năm.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cần chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan và địa phương thực hiện hiệu quả các chính sách gia hạn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất đã được ban hành; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách, giải pháp hỗ trợ về tài khóa nhưng không ảnh hưởng đến an toàn nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia gắn với sử dụng vốn có hiệu quả.
Vận hành sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong tháng 7; theo dõi chặt chẽ tình hình đáo hạn, việc trả nợ, đàm phán gia hạn thời gian trả nợ của từng doanh nghiệp, có giải pháp kịp thời, phù hợp; tăng cường thông tin, truyền thông kịp thời để giữ vững tâm lý thị trường, nhà đầu tư.
Đến tháng 10, Bộ Tài chính cần báo cáo Chính phủ về tình hình triển khai việc sửa đổi, bổ sung quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu riêng lẻ (nếu cần thiết) để phù hợp với tình hình, yêu cầu thực tiễn.
Đồng thời rà soát các quy định pháp luật để sửa đổi, hướng dẫn trong trường hợp cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi, thủ tục nhanh, gọn cho doanh nghiệp, bảo đảm thời gian hoàn thuế giá trị gia tăng nhanh nhất cho doanh nghiệp.
“Tính toán mức độ, thời hạn, hình thức, phương thức huy động vốn, phát hành trái phiếu chính phủ phù hợp theo tiến độ thu, chi, giải ngân vốn đầu tư công để kích thích tăng trưởng kinh tế, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn vay, khả năng trả nợ vay và ổn định, an toàn, bền vững tài chính quốc gia”, Nghị quyết nêu.
Ngoài ra, Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Công Thương rà soát, hướng dẫn, sớm cấp phép hoạt động điện lực cho các dự án điện năng lượng tái tạo đủ điều kiện để sớm đưa các dự án này vào vận hành.
rà soát, hoàn thiện các quy định về mua, bán điện, chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tăng cường phối hợp, đẩy nhanh tiến độ đàm phán, thống nhất giá điện tạm thời với các dự án năng lượng tái tạo.