Theo Channel News Asia, một trong những trang web bị phát hiện đã lấy danh nghĩa Bộ Tư pháp Mỹ, khẳng định người dùng có thể rút toàn bộ tiền đang bị khóa trên sàn FTX sau khi thanh toán một số chi phí pháp lý, và đề nghị người dùng đăng nhập để điền thông tin số tiền bị mất.
"Nếu bị ảnh hưởng bởi việc FTX phá sản, hãy đăng nhập tài khoản FTX và điền vào biểu mẫu", trang này giới thiệu.
Cảnh sát Singapore là đơn vị đầu tiên cảnh báo về chiêu lừa hôm 19/11. "Trang web có khả năng là một công cụ lừa đảo nhằm thu thập thông tin đăng nhập của người dùng", cảnh sát Singapore khuyến cáo.
Đây không phải lần đầu chiêu lừa dạng này xuất hiện khiến các cơ quan hành pháp phải lên tiếng. Tuy nhiên, với quy mô ảnh hưởng lớn của cú sập FTX, nạn nhân - là các nhà đầu tư - sẽ dễ bị tấn công hơn. "FTX có khoản lỗ ước tính 8 tỷ USD. Các nhà đầu tư tuyệt vọng lấy lại tiền và có thể trở thành mục tiêu của các vụ lừa đảo", Cointelegraph đánh giá.
Trong hồ sơ xin phá sản, FTX nói có khoảng 100.000 chủ nợ nhưng trên thực tế, con số này cao gấp 10 lần. CNBC dẫn lời các luật sư của FTX: "Chiếu theo luật phá sản của Mỹ, sàn tiền số FTX đang có hơn một triệu chủ nợ", nhưng danh sách chi tiết không thể lập được do số lượng quá lớn. Một số tên tuổi như tập đoàn SoftBank, quỹ đầu tư Temasek của chính phủ Singapore, công ty đầu tư mạo hiểm Sequoia... đã đầu tư hàng trăm triệu USD vào công ty của nhà sáng lập FTX Sam Bankman-Fried. Một phần trong số tiền đầu tư đã được Sam dùng để mua căn hộ và các bất động sản xa xỉ.
Ngoài FTX, những người tham gia thị trường tiền điện tử nói chung cũng đang trở thành mục tiêu nhắm đến của nhiều chiêu lừa khác. Báo cáo của Group-IB cho biết số lượng trang web lừa tặng tiền điện tử đã tăng hơn 300% trong nửa đầu năm nay.