Kỹ năng sống

Gieo chữ nơi vùng cao

"Quà 20/11 của học trò vùng cao chỉ có thế này nhưng xúc động nhất là dù chồng tôi đã mất, các em vẫn không quên thầy", cô Hoàng Thị Anh Đào, 36 tuổi, nói trong khi đôi mắt đỏ hoe, chực khóc.

Năm 2007, tốt nghiệp hệ sư phạm Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật và Du lịch Hạ Long (Quảng Ninh), Đào cùng chồng tình nguyện xin lên dạy ở Mường Nhé. Thời ấy, hàng ngày cô giáo trẻ phải đi bộ xuyên rừng, vượt suối hơn 10 km vào tận bản Tà Hàn phổ cập cho học sinh.

"Đi bộ hơn một giờ mới đến nơi, nhưng đâu có được dạy học liền. Tôi phải phụ các em làm hết việc nhà từ cắt cỏ, cho trâu ăn, quét nhà... rồi cô trò mới vào học", Anh Đào nhớ lại. Kết thúc buổi học khi trời tối mịt, cô mới cùng chiếc đèn pin lọ mọ tìm đường trở về khu tập thể.

Hoàng Thị Anh Đào dạy mỹ thuật cho học sinh cấp 2 tại trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Mường Toong, chiều ngày 21/10. Ảnh: Minh Tâm.

Hoàng Thị Anh Đào dạy mỹ thuật cho học sinh cấp 2 tại trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Mường Toong, chiều ngày 21/10. Ảnh: Minh Tâm.

Ngày ấy, tại điểm trường trung tâm của xã Mường Toong cũng chưa có phòng học kiên cố. Học trò ở tạm túp lều bạt, thầy cô ở nhờ trạm y tế, không điện, không nước, không sóng điện thoại và nhà vệ sinh. Ban ngày, các thầy cô tận dụng ánh sáng mặt trời để dạy học, tối đến dùng đèn dầu thắp sáng. Đến giờ nghỉ, người mang can đi xách nước suối về ăn uống, sinh hoạt, người tranh thủ trồng rau xanh cải thiện bữa ăn.

Đào kể, những ngày đầu mới lập điểm trường, cơ sở vật chất gần như không có gì. Mỗi buổi chiều chập choạng, cáccô phải thay phiên nhau ra suối tắm, người nọ đứng canh cho người kia. "Đêm xuống mọi thứ đều tối om, tĩnh lặng, sợ lắm", cô nói. Nhưng sợ nhất là những ngày mưa bão. Năm 2009, một lần túp lều tạm bị cuốn đi, học sinh phải đứng dưới mưa trong đêm, Đào cùng đồng nghiệp phải đi gõ cửa từng nhà dân để các em trú tạm.

"Cực không tả nổi nhưng thương các con, đứa nào cũng chăm học cả, mưa gió cũng không bỏ về. Cứ nghĩ như thế mà níu chân mình ở tới tận bây giờ", cô giáo chia sẻ.

Ngày lên Mường Nhé, Đào khi ấy chỉ mới đôi mươi, cô vẽ ra nhiều ước mơ cho hai vợ chồng. Nhưng kế hoạch của cả hai bị đảo lộn khi anh được phân vào bản Huổi Lếch cách nhà 20 km. Vợ chồng chỉ được gặp nhau vào cuối tuần, điện thoại thì không có. Cô kể, một mình cứ lủi thủi dạy học, nhiều khi áp lực công việc muốn tâm sự với chồng cũng chẳng được. Có những hôm tủi thân, Đào mong gọi điện về gia đình để chia sẻ, nhưng sóng điện thoại chẳng có, phải chạy lên đồi cao mới hứng được tí sóng nhưng vừa mở lời "mẹ có khỏe không?" là mất tín hiệụ. "Hỏi thăm còn không nổi thì mong gì trò chuyện", Đào nói.

Điều kiện khó khăn nhưng các thầy cô ở Mường Toong còn gắng vượt qua được nhưng mỗi lần vào bản vận động các em đi học lại gian nan hơn cả. Nhất là ngày vào vụ, trong bản nhà nào cũng đóng cửa, Đào phải đi bộ lên nương để gọi các em xuống trường.

"Mình không biết tiếng dân tộc, nói gì phụ huynh cũng không hiểu họ cứ xua tay bảo về. Tôi cứ lì ở lại phụ họ làm nương, tủ tê nói chuyện rồi mới thuyết phục được", cô kể.

Cô giáo Hoàng Thị Anh Đào gắn bó với ngôi trường ở xã Mương Toong suốt 15 năm qua. Đào đứng lớp vào chiều ngày 21/10. Ảnh: Minh Tâm.

Cô giáo Hoàng Thị Anh Đào gắn bó với ngôi trường ở xã Mương Toong suốt 15 năm qua. Đào đứng lớp vào chiều ngày 21/10. Ảnh: Minh Tâm.

Ngoài những giờ lên lớp, niềm vui của Đào gói gọn vào những cuối tuần. Đó là ngày vợ chồng quây quần cùng nhau bên mâm cơm. Cô nhớ lần nào trở về anh cũng tay xách nách mang quà của bà con trong bản. "Bao nhiều áp lực tôi giãi bày cùng chồng, anh cứ động viên mình cố gắng", cô nói. Vất vả nhưng thuận vợ, thuận chồng, cả hai đều cả thấy hạnh phúc.

Một chiều tháng 5/2022, anh chồng cô giáo Đào chơi thể thao cùng đồng nghiệp bên trường bỗng nhiên đau ngực và được đưa đi bệnh viện Mường Nhé cấp cứu. Đồng nghiệp báo tin, cô tất tả chạy xuống nhưng nghĩ "chắc chỉ là bệnh xoàng thôi vì lâu nay anh vẫn khỏe, đôi lúc chỉ than đau nhức chân".

Một tiếng sau, bác sĩ thông báo thầy giáo Chiến, chồng cô bị nhồi máu cơ tim không qua khỏi. "Có thật không, làm sao mà anh chết được?", Đào thốt lên rồi ngã quỵ xuống thềm.

Một tuần sau ngày thầy Chiến mất, mâm cơm thiếu bố, đứa con út mới học lớp 1 hỏi Đào: "Mẹ ơi, bố đâu sao không về?". Tay cầm bát cơm lên cao, mặt cúi che đi đôi mắt sắp đỏ của mình, cô nhỏ giọng: "Bố mất rồi, không còn bố nữa đâu".

"Tôi chỉ biết nuốt nước mắt vào trong. Mình không dám nhắc nhiều vì sợ các con đau lòng. Có hai đứa lớn hiểu chuyện hay động viên mẹ, cứ như thế vì con tôi vượt qua", cô giáo Đào cầm vạt áo lau nước mắt, nhớ lại.

Chồng mất, một mình cô nuôi ba con. Cô kể, hai tháng sau khi anh mất, cô có ý định bỏ việc cùng con về quê sống. Nhưng rồi nghĩ đến học sinh vất vả đến trường để học cái chữ, cô không đành lòng.

Thương con, bà Nguyễn Thị Duyên, 58 tuổi từ huyện Thuận Châu (Sơn La) vượt hàng trăm cây số lên thăm. Bà kể, có hôm cô Đào tự dưng vô thức hỏi con: "Bố mày đâu sao vẫn chưa về?", rồi nhìn di ảnh của chồng khóc như đứa trẻ.

"Đêm nào tôi cũng thấy con Đào lặng lẽ khóc một mình. Nhìn con mà mình chảy nước mắt theo. Chỉ biết động viên cháu cố gắng sống tiếp vì các con và vì học trò", bà Duyên kể.

Thầy Nguyễn Văn Tâm, hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Mường Toong cho hay, hoàn cảnh nhà Đào chẳng có của cải gì, một mình nuôi ba con nhỏ ăn học. Hai vợ chồng từ bàn tay trắng, mãi mới dựng được ngôi nhà che mưa nắng. "Chồng mất, nợ ngân hàng 300 triệu để cất nhà cùng ba đứa con, tất cả giờ đè nặng lên vai cô Đào. Nhà trường cũng chỉ biết động viên tinh thần để mẹ con cùng vượt qua nỗi đau này", thầy hiệu trưởng chia sẻ.

Những nhành hoa dại được học trò tặng cô giáo Anh Đào nhân dịp 20/11. Ảnh: Minh Tâm.

Những nhành hoa dại được học trò tặng cô giáo Anh Đào nhân dịp 20/11. Ảnh: Minh Tâm.

Chiều xuống, sau khi cơm nước xong, nhóm học trò ở nội trú kéo nhau đợi trước cổng nhà cô giáo Đào. Mỗi đứa trên tay cầm quyển tập sang nhờ Đào hướng dẫn làm bài. Đào kêu đứa con lớn lấy bàn ghế cho các bạn ngồi học. Cô giáo cứ soạn bài một bên, trò ngồi một bên, ai không hiểu thì chạy tới hỏi. "Cứ như thế cô trò học cùng nhau giúp mình quên đi nỗi buồn", cô nói.

15 năm ở vùng cao, Đào kể, cuộc sống thiếu thốn đủ thứ nhưng có một thứ gia vị luôn đủ đầy, đó là sự lạc quan và hạnh phúc. Gần ngày lễ tụi nhỏ cứ kéo nhau đứng trước cổng nhà gửi cô giáo bó rau, củ khoai, có khi là nhành hoa dại các em hái trong rừng.

"Từ những điều bình dị nhất của các em, mình thấy thương và quý như con của mình. Làm ngơ rời khỏi nơi này tôi sẽ không đành. Tôi sẽ sống vì con, vì học sinh và vì tâm nguyện của anh, tiếp tục gieo chữ trên non", Đào hướng mắt về di ảnh chồng, nở nụ cười, nói.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm