“Vietcombank là ngân hàng luôn được định giá khá cao so với các ngân hàng khác tại Việt Nam do nằm ở một đẳng cấp khác hẳn”, vị giám đốc đầu tư của quỹ Dragon Capital nhận xét như vậy về Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam trên tạp chí Forbes hồi năm 2019. Những số liệu thực tế về hoạt động kinh doanh của nhà băng có logo xanh lá này vượt trội so với các ngân hàng khác là minh chứng sống động cho nhận xét này.
Anh cả dẫn đầu
Năm 2019 là năm đáng nhớ với các cổ đông Vietcombank khi sau 10 năm lên sàn, nhà băng này ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế kỷ lục 14.605 tỷ đồng của năm 2018. Mức lợi nhuận này vượt qua cả gương mặt lão làng Vinamilk lẫn cả tổng lợi nhuận cộng gộp của 2 ngân hàng Đầu tư BIDV và Công thương Vietinbank.
Sau 3 năm, con số lợi nhuận của Vietcombank đã vượt qua mốc tỷ đô. Ngày 10/1 nhà băng này công bố con số lợi nhuận riêng lẻ đạt mức 25.000 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng đạt khoảng 963.670 tỷ đồng, tăng 14,99% so với cuối năm 2020. Tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu huy động vốn theo đúng định hướng. Huy động vốn thị trường I đạt khoảng 1.154.000 tỷ đồng, tăng 9,5% so với năm 2020.
Xét về giá trị vốn hóa trên thị trường chứng khoán, tính tại thời điểm ngày 12/1/2022 con số này của Vietcombank đạt mức 378,6 nghìn tỷ đồng. Con số này vượt xa so với mức 213,2 nghìn tỷ đồng của BIDV; 173,6 nghìn tỷ đồng của Techcombank và 164,1 nghìn tỷ đồng của Vietinbank .
Cổ phiếu Vietcombank hiện cũng đứng đầu trong nhóm ngành khi đạt mức 80.000 đồng tại thời điểm chốt phiên giao dịch ngày 12/1/2022.
Giá cổ phiếu phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư đối với hoạt động kinh doanh vượt trội của Vietcombank so với các ngân hàng khác trong cùng hệ thống. Hãy thử so sánh chỉ tiêu thu nhập, lợi nhuận trong quãng thời gian 10 năm giữa Vietcombank và một số ngân hàng có vốn hóa lớn hơn 100 nghìn tỷ đồng trên thị trường chứng khoán hiện nay gồm: BIDV, Vietinbank, Techcombank, VpBank và MBBank.
Năm 2010, 2 nhà băng lớn là BIDV và Vietinbank từng vượt Vietcombank về thu nhập lãi thuần. Tại thời điểm này, chỉ số này của Vietcombank đạt 8.195 tỷ đồng, kém mức 9.191 tỷ đồng của BIDV và 12.089 tỷ đồng của Vietinbank. Thế nhưng 10 năm sau, Vietcombank bứt phá dẫn đầu với mức 36.285 tỷ đồng, gấp 4,4 lần so với trước đó. Trong khi Vietinbank rơi xuống vị trí thứ 3 trong cuộc đua này.
Nổi bật nhất trong nhóm ngân hàng thương mại cổ phần phải nói đến VPBank khi đạt mốc 32.346 tỷ đồng. Cú bứt phá ngoạn mục của ngân hàng tư nhân này có được nhờ tham gia thị trường cho vay tiêu dùng và con gà đẻ trứng vàng FE Credit.
(Xem thêm: Giải mã sự bứt tốc của VPBank: Chỉ hơn 10 năm, nhà băng tầm trung 'lột xác' vươn lên top đầu khối tư nhân, vượt mặt nhiều ngân hàng “đồng trang lứa” như thế nào?)
Nếu xét về lợi nhuận trước thuế, thời điểm năm 2010 cả 3 nhà băng quốc doanh so kè ngang cơ với mức dao động từ 4.600-5.500 tỷ đồng. Thế nhưng sau 1 thập kỷ, Vietcombank bỏ xa 2 “đồng nghiệp” còn lại khi đạt mốc 23.050 tỷ đồng, quy mô nâng lên gấp 4 lần. Dù xếp thứ 2 trong hệ thống nhưng con số 17.085 tỷ đồng của Vietinbank còn cách khá xa so với anh cả. Trong khi đó BIDV có phần hụt hơi khi các ngân hàng tư nhân khác như Techcombank, VPBank, MBBank vượt lên trong cuộc đua về lợi nhuận.
Đứng đầu về chất lượng tài sản
Sở dĩ Vietcombank có lợi nhuận vượt trội so với 2 ngân hàng quốc doanh là Vietinbank, BIDV dù quy mô tín dụng không quá cách biệt là nhờ yếu tố chất lượng tài sản. Trong báo cáo phân tích hồi tháng 11, công ty chứng khoán Bảo Việt đánh giá Vietcombank là ngân hàng hàng đầu trong hệ thống với chất lượng tài sản vượt trội. Với chất lượng tài sản tốt, ngân hàng này sẽ duy trì được tốc độ tốc độ tăng trưởng cao trong nhiều năm (ngoại trừ 2020) cũng như liên tục duy trì hiệu quả hoạt động cao.
Chất lượng tài sản tốt khiến Vietcombank khiến chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của nhà băng này thấp hơn hẳn so với BIDV và Vietinbank.
Kết quả kinh doanh mới đây cũng nhấn mạnh điều này khi Vietcombank công bố tỷ lệ nợ nhóm 2 năm 2021 ở mức 0,34%; Tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,63%. Trích lập đủ 100% dự phòng cụ thể của dư nợ cơ cấu theo Thông tư 03 của nhà băng này sớm trước 2 năm so với thời hạn quy định của NHNN. Tỉ lệ quỹ dự phòng bao nợ xấu nội bảng đạt mức cao nhất hệ thống ngân hàng lên tới mức 424%.
Chi phí trích lập rủi ro tín dụng qua các năm của 3 ngân hàng, đơn vị tỷ đồng.
Trong báo cáo phân tích mới đây, SSI cũng nhận định trong năm 2022, ngành ngân hàng sẽ có sự phân hóa dựa trên chất lượng tài sản và tỷ lệ trích lập dự phòng đối với các khoản vay tái cơ cấu. Những ngân hàng lớn như Vietcombank, Vietinbank, Techcombank, MBBank sẽ có triển vọng lạc quan.
Với uy tín và hiệu quả, Vietcombank trở thành ngân hàng nhà nước đầu tiên được thí điểm cổ phần hóa và niêm yết. Định chế tài chính này cũng là ngân hàng quốc doanh đầu tiên chào bán thành công cổ phần cho đối tác chiến lược nước ngoài.
Uy tín và thương hiệu cũng giúp Vietcombank sở hữu tập khách hàng lớn bao gồm cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Tỷ trọng huy động vốn không kỳ hạn (KKH) bình quân năm 2021 của nhà băng này đạt 32,2% nằm trong top dẫn đầu.
Nâng cao tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn/tổng tiền gửi khách hàng (CASA) - loại tiền gửi có mức lãi suất thấp nhất, thường chỉ từ 0,1-0,8%/năm, được xem là một trong những giải pháp giảm chi phí vốn tối ưu. Tỷ lệ này càng lớn thì ngân hàng càng huy động được nhiều nguồn vốn rẻ, từ đó, giúp cải thiện tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM). Mặt khác, tỷ lệ này cũng gián tiếp phản ánh hiệu quả của chính sách phát triển sản phẩm, dịch vụ tiện ích trong thu hút và tạo nền tảng khách hàng.
Ông vua kinh doanh ngoại hối
Tiền thân của Vietcombank là sở Quản lý Ngoại hối trực thuộc ngân hàng Quốc gia Việt Nam. Chính thức thành lập và đi vào hoạt động năm 1963, trong giai đoạn chiến tranh, ngân hàng đảm đương nhiệm vụ lịch sử trở thành ngân hàng thương mại đối ngoại duy nhất tại Việt Nam để tiếp nhận nguồn viện trợ từ nước ngoài, hỗ trợ chi viện tài chính cho chiến trường miền Nam, đồng thời góp phần xây dựng và phát triển kinh tế miền Bắc. Từ sự tái cơ cấu hệ thống tài chính Việt Nam, năm 1990, Vietcombank trở thành ngân hàng thương mại quốc doanh duy nhất kinh doanh trong lĩnh vực đối ngoại, hoạt động trên thị trường tài chính quốc tế.
Vietcombank ghi dấu ấn tham gia cùng cơ quan nhà nước đàm phán xử lý công nợ Việt Nam tại câu lạc bộ Paris và nợ thương mại tại câu lạc bộ London, góp phần đẩy mạnh quan hệ giao thương với quốc tế.
Nhờ vị thế và khả năng nắm bắt cơ hội, giữa thập niên 1990 Vietcombank nổi lên thành ngân hàng uy tín bậc nhất Việt Nam, tham gia góp vốn thành lập một số tổ chức tín dụng và cũng tái cơ cấu hỗ trợ nhân sự và hoạt động nhiều tổ chức tín dụng yếu kém.
Với vị thế vững chắc về ngoại thương, mảng kinh doanh ngoại hối của Vietcombank đem về nguồn thu lớn mà không ngân hàng nào sánh kịp.