Bất động sản

Bill Gates: Sau biến thể Omicron, COVID-19 có thể được coi như cúm mùa

Đối mặt với tất cả các dịch bệnh trong lịch sử, con người chưa bao giờ thất bại. Bằng chứng là sau khoảng 6 triệu năm, chúng ta hiện vẫn còn ở đây và thống trị hành tinh. Tuy nhiên, cách mà chúng ta chiến thắng các dịch bệnh trong lịch sử có thể được chia thành nhiều cấp độ:

Một chiến thắng hoàn toàn, nghĩa là mầm bệnh sẽ bị xóa sổ khỏi hành tinh, số ca mắc giảm về 0 giống như thế giới đã làm được với bệnh đậu mùa vào năm 1980 và bệnh giun chỉ vào năm 2016.

Một chiến thắng áp đảo, nghĩa là mầm bệnh sẽ bị loại trừ khỏi đại đa số các quốc gia, chỉ có một số ít khu vực ghi nhận số ca mắc ở mức độ thấp, giống như bệnh bại liệt hiện chỉ còn lưu hành ở 3 quốc gia Nigeria, Pakistan và Afghanistan.

Cuối cùng, không hẳn là một chiến thắng nhưng con người có thể giảng hòa với mầm bệnh. Đó là khi chúng ta kiểm soát được dịch bệnh, mầm bệnh vẫn lưu hành nhưng chỉ gây ra mức thiệt hại tối thiểu. Một ví dụ về trường hợp này là những gì mà chúng ta đang đạt được với đại dịch HIV/AIDS hoặc các đợt bùng phát cúm mùa hàng năm.

Câu hỏi lúc này là: Liệu COVID-19 sẽ rơi vào trường hợp nào?

Bill Gates: Sau biến thể Omicron, COVID-19 có thể được coi như cúm mùa - Ảnh 1.

Trong một cuộc trò chuyện mới đây trên Twitter, Devi Sridhar, một giáo sư tại Đại học Edinburg đồng thời là Chủ tịch Y tế Công cộng Toàn cầu đã đặt chính xác câu hỏi đó cho tỷ phú Bill Gates:

"Có một điều mà mọi người đều muốn biết – khi nào thì đại dịch sẽ kết thúc và nó sẽ kết thúc như thế nào? Biến thể Omicron có phải là dấu hiệu cho chúng ta thấy mình có thể "sống chung với COVID"? Hay sẽ có một biến thể nguy hiểm hơn xuất hiện trong năm 2022?".

Trong vai trò là người sáng lập Quỹ Bill & Melinda và đã chi hàng tỷ USD giúp tài trợ các chương trình vắc-xin đẩy lùi dịch bệnh cho các nước đang phát triển, Gates cho biết nhiều khả năng sau biến thể Omicron, con người sẽ kiểm soát được COVID-19 giống như cúm mùa.

"Bây giờ khi các quốc gia đối mặt với làn sóng Omicron, hệ thống y tế của họ sẽ gặp phải thách thức. Sẽ có rất nhiều ca bệnh nặng là những người chưa tiêm vắc-xin. Nhưng một khi biến thể Omicron đã đi qua, phần còn lại của năm sẽ ghi nhận rất ít ca mắc nên COVID có thể được coi giống như bệnh cúm mùa", ông viết.

Theo vị tỷ phú công nghệ nhưng có tầm nhìn và hiểu biết sâu sắc về dịch bệnh, biến thể Omicron sẽ tạo ra mức miễn dịch cộng đồng cao ít nhất cho tới tận sang năm. Không có nhiều khả năng sẽ có một sự xuất hiện của một biến thể mới nào lây nhiễm mạnh hơn nó trong năm 2022. "Nhưng đã có rất nhiều lần chúng ta bị đại dịch này làm cho bất ngờ", Gates nói. Cho nên, rõ ràng các quốc gia, hệ thống y tế và người dân vẫn luôn phải cảnh giác.

Bill Gates: Sau biến thể Omicron, COVID-19 có thể được coi như cúm mùa - Ảnh 2.

Bill Gates nhận định sau biến thể Omicron, COVID-19 có thể được coi như cúm mùa

Trong năm đầu tiên của đại dịch COVID-19, chúng ta đã luôn mong đợi tới một chiến thắng áp đảo với virus SARS-CoV-2, hi vọng càng được thắp lên khi hàng chục loại vắc-xin đã được nghiên cứu thành công và đưa vào sử dụng trong năm 2021.

Vắc-xin được kỳ vọng sẽ đem lại mức miễn dịch cộng đồng cao và đưa số ca mắc COVID-19 về 0, giống như cách chúng ta từng làm được với chiến dịch tiêm chủng bại liệt. Tuy nhiên, hóa ra SARS-CoV-2 là một chủng virus tinh ranh hơn chúng ta nghĩ.

Virus này liên tục biến thể và tạo ra các phiên bản né tránh vắc-xin tốt hơn, cộng với sự suy giảm của kháng thể trung hòa sau vài tháng kể từ mũi vắc-xin cuối cùng mà bạn nhận được, các chuyên gia dịch tễ cho rằng trước mắt thế giới cần nhắm tới mục tiêu kiểm soát thay vì loại trừ hoặc xóa sổ hoàn toàn COVID-19.

Sự xuất hiện của biến thể Omicron với khả năng kháng lại cả hai mũi vắc-xin , dễ lây truyền hơn nhưng gây bệnh ít nghiêm trọng hơn đã củng cố thêm cho mục tiêu đó. Mô hình này tuân theo các đặc điểm tương tự của các chủng virus lưu hành phổ biến trong dân số loài người, chẳng hạn như virus cúm và rhinovirus gây bệnh cảm lạnh thông thường.

Các loại virus này đều tiến hóa theo chiều hướng dễ lây truyền hơn nhưng gây bệnh nhẹ hơn. Bởi nếu virus tiến hóa theo chiều hướng ngược lại, vừa dễ lây truyền vừa gây bệnh nặng, nó sẽ sớm giết chết phần lớn người nhiễm bệnh trước khi có đủ thời gian lây truyền sang người khác.

Khi vật chủ mang virus tử vong, bản thân virus cũng không thể tiếp tục sống. Đó là những gì chúng ta đã chứng kiến trong 2 dịch bệnh gây ra bởi virus corona khác là SARS (với tỷ lệ tử vong lên tới 10%) và MERS (với tỷ lệ tử vong 40%).

Trong so sánh, tỷ lệ tử vong gây ra bởi COVID-19 là 3,4%, của cúm mùa là 1%. Nhưng tỷ lệ tử vong gây ra bởi biến thể Omicron dường như đã giảm tới 91% so với biến thể Delta trước đó. Nếu đi theo chiều hướng này, COVID-19 có thể trở thành một bệnh hô hấp theo mùa khác.

Bill Gates: Sau biến thể Omicron, COVID-19 có thể được coi như cúm mùa - Ảnh 3.

Nhưng để thực sự kết thúc đại dịch COVID-19, Bill Gates cho biết thế giới vẫn cần vắc-xin. "Các loại vắc-xin mà chúng ta đang sử dụng có thể  ngăn ngừa bệnh nặng và tử vong rất tốt , nhưng chúng đang thiếu hai yếu tố quan trọng.

Đầu tiên là chúng vẫn không ngăn được các ca lây nhiễm đột phá và thứ hai thời gian bảo vệ của chúng dường như đang bị giới hạn. Chúng ta sẽ cần các loại vắc-xin ngăn ngừa tái nhiễm và có hiệu lực bảo vệ kéo dài nhiều năm", ông trả lời giáo sư Sridhar.

Ngoài ra, Gates cho biết một thách thức nữa mà thế giới cần giải quyết là vấn đề phân phối vắc-xin. "Năm 2021, nguồn cung vắc-xin đã bị hạn chế, chủ yếu là những nước giàu có mới tiếp cận được những mũi tiêm ấy".

Trong chính các quốc gia phát triển cũng có những làn sóng chống vắc-xin, làm giảm hiệu quả của chiến dịch tiêm chủng. Bản thân Gates cũng bất ngờ khi trở thành một mục tiêu bị nhắm vào:

"Một số người trong số họ nói tôi muốn [sử dụng những mũi vắc-xin] để chắn chip vào cánh tay. Điều đó chẳng hợp lý chút nào – Tại sao tôi lại phải làm điều đó?".

Ngoài vắc-xin, Gates cũng khen ngợi các biện pháp ứng phó với đại dịch mà nhiều quốc gia đã thực hiện được trong giai đoạn 2020/2021: "Một vài quốc gia như Úc đã tiến hành rất nhanh việc chẩn đoán các ca bệnh trên quy mô lớn và cách ly những người bị nhiễm bệnh. Họ đã có thể hạn chế tử vong một cách đáng kể. Bởi một khi để con số trở nên quá lớn trên quy mô quốc gia thì đã quá muộn.

Vì vậy, những tháng đầu tiên đã tạo ra rất nhiều khác biệt. Ngoài ra, một số quốc gia đã làm tốt hơn việc giảm thiểu tiếp xúc, sử dụng khẩu trang và bảo vệ người cao tuổi".

Tham khảo Forbes


Cùng chuyên mục

Đọc thêm