Tài chính

Chỉ trong 6 tháng, Nga có thêm hơn 65 tỷ USD nhờ một mặt hàng

Đó là dầu khí. Bộ Tài chính Nga mới đây cho biết, trong 6 tháng đầu năm, doanh thu từ việc bán dầu khí của Nga đã tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 5.698 tỷ ruble (tương đương với 65,12 tỷ USD. Nguyên nhân được cho là do giá dầu tăng và đồng ruble yếu đi.

Từ lâu, doanh thu từ dầu khí là nguồn thu quan trọng của Chính phủ Nga, chiếm khoảng từ 30 – 50% ngân sách của nước này trong thập kỷ qua.

Chỉ trong 6 tháng, Nga có thêm hơn 65 tỷ USD nhờ một mặt hàng- Ảnh 1.

Nga thu được hơn 65 tỷ USD từ việc bán dầu khí trong 6 tháng đầu năm 2024. Ảnh: iStock

Trong thời gian qua, do chiến sự ở Ukraine đã khiến phương Tây áp đặt nhiều lệnh trừng phạt để hạn chế thu nhập từ dầu khí của Nga. Những biện pháp trừng phạt này bắt đầu được áp dụng vào tháng 12/2022. Sau đó, những hạn chế tương tự đối với việc xuất khẩu những sản phẩm dầu mỏ của Nga được áp dụng vào tháng 2/2023. 

Tuy nhiên, theo các chuyên gia phân tích, cho đến nay, những lệnh trừng phạt này chỉ khiến cho dòng chảy năng lượng của Nga đổi hưởng và chuyển từ phương Tây sang phương Đông.

Trên thực tế, trong 6 tháng qua, giá dầu Urals của Nga đã đạt trung bình 69,1 USD một thùng, cao hơn so với mức trần xuất khẩu mà phương Tây áp là 60 USD. Con số này cũng tăng so với mức giá là 52,5 USD của cùng kỳ năm 2023. Đồng thời, cùng thời gian đó, giá đồng ruble lại giảm xuống còn 90,8 ruble một USD, so với mức 76,9 ruble một USD vào cùng kỳ năm ngoái.

Kính tế Nga tăng trưởng ấn tượng

Chỉ trong 6 tháng, Nga có thêm hơn 65 tỷ USD nhờ một mặt hàng- Ảnh 2.

Bán dầu khí mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách Nga. Ảnh: CNBC

Vào tháng trước, dữ liệu được Bộ Tài chính Nga công bố cho thấy, doanh thu ngân sách của Nga từ dầu khí trong 5 tháng đầu năm đã tăng 73,5% so với cùng kỳ năm 2023. Đặc biệt, tiền thu được từ việc bán dầu khí đã đạt 55,7 tỷ USD chỉ trong 5 tháng đầu năm 2024.

Trong năm 2024, Nga dự kiến thu được tới 10.700 tỷ ruble từ việc bán dầu khí, tăng 21% so với năm 2023.

Đây là tín hiệu tích cực với nền kinh tế Nga. Bởi vì ngân sách của nước này đã bị thâm hụt trông 2 năm liên tiếp ở mức 3.000 tỷ ruble, tương đương với 2% GDP. Nguyên nhân của sự thâm hụt này chủ yếu là do Nga đã chi mạnh tay cho lĩnh vực quốc phòng – an ninh sau chiến sự ở Ukraine.

Chỉ trong 6 tháng, Nga có thêm hơn 65 tỷ USD nhờ một mặt hàng- Ảnh 3.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Reuters

Trên thực tế, GDP của Nga đã tăng 3,6% vào năm 2023, sau khi giảm khoảng 1,2% trong năm 2022. Về việc này, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã nhiều lần đề cập đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của Nga. Ông nhấn mạnh số liệu này vượt trội hơn so với những quốc gia phương Tây.

Kinh tế Nga tăng trưởng nhanh, bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây, đã được Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá cao. Cụ thể, ngày 16/4, IMF công bố báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu. Cơ quan này đánh giá rằng, kinh tế thế giới hiện đang sôi động một cách đáng ngạc nhiên, bất chấp sức ép từ tình trạng lạm phát và việc các quốc ggia thay đổi chính sách tiền tệ. Một trong những điểm sáng của kinh tế toàn cầu năm nay là Nga. 

Theo IMF, GDP của Nga dự báo tăng 3,2%, cao hơn cả các nước như Mỹ (2,7%), Anh (0,5%), Đức (0,2%) và Pháp (0,7%).

Hay mới đây nhất, ngay đầu tuần này, Ngân hàng Thế giới đã đưa Nga quay trở lại danh sách quốc gia "thu nhập cao" lần đầu tiên kể từ năm 2015. Nguyên nhân là tổng thu nhập quốc dân bình quân ở Nga đạt 14.250 USD một người trong năm 2023. Trong khi đó, mốc quy định của Ngân hàng Thế giới là 13.485 USD.

Bài tham khảo nguồn: Reuters, RT, Tass


Cùng chuyên mục

Đọc thêm