Xứ miền Tây vốn nổi danh là xứ xài vàng nhiều nhất cả nước. Không phải nghiễm nhiên mà người miền Tây yêu thích việc trữ vàng và xem vàng như một phương án đầu tư truyền thống, lâu dài.
Đối với người miền Tây, vàng không chỉ là trang sức mang tính thẩm mỹ mà còn được xem là của cải các thế hệ truyền cho nhau, có giá trị theo thời gian. Thay vì chọn vàng thẻ, họ chọn các sản phẩm vừa đáp ứng đủ 2 tiêu chí: chất lượng và thẩm mỹ.
Nếu mua vàng chỉ mua 3 kiểu vàng này, không mất giá theo thời gian
Nhẫn trơn chính là sản phẩm vàng đầu tiên được đông đảo chị em miền Tây yêu thích và lựa chọn mỗi khi có của muốn để dành cho con cháu sau này.
Vàng nhẫn trơn tròn là loại vàng được chế tác thành hình tròn để đeo lên ngón tay, thường được nhiều người lựa chọn mua bởi ưu điểm không bị mất tiền công và việc bảo quản dễ dàng hơn vàng miếng SJC.
Các thành phẩm nhẫn trơn thường dao động từ 3 phân đến vài chỉ. Người dân có thu nhập ở mức trung bình cũng lựa chọn loại vàng này để tích cóp. Đây là lý do, dẫn đến hành vi mua vàng nhỏ lẻ từ 5 phân đến vài ba chỉ. Với mức tiêu thụ này, nhẫn vàng chính là sự lựa chọn được ưu tiên hơn hết.
Đặc biệt, khi xét về chi phí thì giá, mức chi phí bỏ ra để sở hữu nhẫn vàng thường nhỏ hơn so với mua vàng miếng. Trong vài năm trở lại đây, thị trường vàng miếng cũng dần bị thu hẹp lại. Điều này khiến cho việc mua bán vàng nhẫn trở nên sôi động hơn.
Theo tìm hiểu, một tiệm vàng ở ngoại thành các tỉnh miền Tây mỗi ngày có thể bán được 20 30 chiếc nhẫn trơn là chuyện hoàn toàn bình thường.
Ngoài nhẫn trơn thì lắc tay chính là một trong những lựa chọn của nhiều chị em miền Tây. Lắc tay được chọn thường là loại lắc 9999, kiểu mắt xích đơn giản, không mất nhiều tiền công. Ngày nay, không khó để bắt gặp các chị em miền Tây đeo "cả khúc" lắc tay bằng vàng 24k.
Vì được làm từ vàng nguyên chất nên giá thành của lắc tay thường không hề rẻ như các loại trang sức khác. Thành phẩm của các sản phẩm lắc tay thường dao động từ 5 chỉ trở lên.
Bên cạnh nhẫn trơn, lắc tay, dây chuyền cũng là một trong những sản phẩm được đông đảo người dân miền Tây lựa chọn. Dây chuyền ngoài là sản phẩm có tính thẩm mỹ, còn là một sản phẩm tích trữ được của cải của người miền Tây.
Nhiều người lựa chọn dây chuyện mắt xích, bản tròn hoặc bản dẹp tuỳ sở thích tuy nhiên chất vàng thường là vàng 9999.
Tính giá trị vàng ở thời điểm thực, biết tuổi vàng và tiền công vàng để vàng không bị lỗ
Thay vì chọn phương án nghiên cứu thị trường để đầu tư vàng cho phù hợp, nhiều người miền Tây vẫn quen với việc quan tâm từng thông số khi mua vàng ví dụ như tuổi vàng, giá trị thực của vàng, tiền công vàng,...
Như nhiều người đã biết, tuổi vàng được hiểu nôm na là độ tinh khiết của vàng. Với quy ước vàng 10 tuổi là vàng tinh khiết 99,99%. Theo đó, loại vàng khác nhau có độ tinh khiết khác nhau. Vàng 10K (độ tinh khiết 41,7%), vàng 14K (độ tinh khiết 58,3%), vàng 18K (độ tinh khiết 75%), vàng 24K (độ tinh khiết 99,99%). Trong đó, vàng 18K và 24K là 2 loại vàng phổ biến nhất và trong đó vàng 24K vì có độ tinh khiết cao nhất nên chính là loại đắt nhất. Dân đầu tư vàng thường chỉ chọn vàng 24K. Vàng 18K mặc dù có tính thẩm mỹ hơn tuy nhiên đây là loại vàng thường dễ hao hụt, giá trị không cao.
Dưới đây là công thức xác định được giá của 1 chỉ vàng 10k, 14k, 18k ….Gọi hệ số của 1 chỉ vàng cần tính (10k, 14k, 18k, 24k) là X.
Giá 1 chỉ vàng = Giá vàng vào thời điểm cần tính * (X/24)
Tức là nếu bạn muốn tính giá vàng 14k vào thời điểm ngày 22/2. Ví dụ giá vàng hiện nay là 3.590.000. Giá 1 chỉ vàng 14k = 3590 * (14/24 ) = 2.094.000/chỉ.
Số này thường phải cộng thêm tiền công làm vàng do tiệm vàng đặt ra, dao động từ 100.000 đồng - 500.000 đồng/mẫu. Người dân mua vàng trữ ít ai chọn sản phẩm tiền công cao vì khi bán ra tiền công này có thể sẽ bị hụt, lỗ.
Ngoài ra, một vài chị em còn ngại việc đánh bóng vàng vì sợ vàng sẽ bị hao hụt. Các cách đánh bóng, giữ vàng mới thường là những cách dân gian như dùng kem đánh răng, nước rửa chén,...
Ngoài ra, người miền Tây cũng thường mua vàng ở các tiệm vàng địa phương, họ mua ở đâu, bán ở đó để tránh tình trạng bị lỗ, hụt,...