Toạ đàm chiều ngày 25/2 về "Dự án tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân IPSC" thu hút nhiều đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp tham gia tìm hiểu, bày tỏ thắc mắc và đề xuất ý tưởng. Chính thức khởi động từ 18/1, dự án IPSC sẽ có thời gian thực hiện trong 5 năm (từ 12/2020 đến 12/2025), tổng kinh phí 36,3 triệu USD.
Theo ông Nguyễn Đức Chung, Phó Cục trưởng cục Phát triển Doanh nghiệp bộ Kế hoạch và Đầu tư, IPSC là dự án hỗ trợ kỹ thuật lớn nhất từ trước đến nay cho doanh nghiệp tư nhân, mang tính tổng thể. Đơn vị thụ hưởng là các doanh nghiệp Việt Nam nhỏ và đang tăng trưởng (bao gồm doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ sản xuất kinh doanh dưới 500 nhân viên toàn thời gian, các tổ chức, hiệp hội hỗ trợ phát triển doanh nghiệp).
Thông qua xây dựng các gói hỗ trợ kỹ thuật, mục tiêu của IPSC là 5.000 doanh nghiệp nhận gói hỗ trợ kỹ thuật, bao gồm 10% doanh nghiệp do phụ nữ và nhóm yếu thế làm chủ, 240 SGBs tham gia vào thị trường khu vực và quốc tế, 60 doanh nghiệp nhận được gói hỗ trợ tổng thể thiết kế riêng theo như cầu của chính doanh nghiệp nhằm tạo ra các sản phẩm mang thương hiệu "Made by Vietnam" định vị thành công trên thị trường khu vực và quốc tế.
Gỡ nút thắt của doanh nghiệp Việt
Được USAID tài trợ, đơn vị chủ quản là Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngay từ khâu thiết kế, xây dựng các văn kiện, đại diện dự án và các chuyên gia làm việc chặt chẽ với các doanh nghiệp từ Nam ra Bắc để lắng nghe nhu cầu, khó khăn, từ đó xây dựng các giải pháp thực tiễn, sát sườn nhất với thực tế doanh nghiệp.
Có mặt tại toạ đàm, ông ông Bùi Hữu Thêm, Phó Tổng Thư ký Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP HCM (HAWA) cho hay đơn vị sẽ cam kết đồng hành dự án, bởi tính chất "dài hơi khi hỗ trợ trong thời gian 5 năm thay vì ngắn hạn".
Hiện hiệp hội này có hơn 600 doanh nghiệp thành viên, 60% là doanh nghiệp xuất khẩu, trong đó hơn 60% là xuất sang thị trường Mỹ. "Ngành gỗ đang rất phát triển về số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ. Năm 2020-2021, khi nhiều doanh nghiệp lao đao thì kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ luôn trên 15% mỗi năm", vị này cho hay.
Tuy nhiên, theo ông Thêm, các doanh nghiệp ngành gỗ khi muốn mở rộng thị trường, bước ra thế giới thường bỡ ngỡ, thiếu thốn nhiều nguồn lực. "Muốn mở rộng thị trường cần có hai điều quan trọng. Thứ nhất là thông tin về thị trường, hai là khuynh hướng", đại diện hiệp hội nhấn mạnh.
Tiếp theo là cần sự hỗ trợ về số hoá, chuyển đổi số. "Doanh nghiệp vừa và nhỏ thường không biết bắt đầu từ đâu để chuyển đổi số, hoặc làm nhưng mất nhiều chi phí, thời gian mà không hiệu quả, nên rất cần các tổ chức, chuyên gia có kinh nghiệm từ IPSC hỗ trợ", ông bày tỏ.
Về gói nâng cao năng lực tài chính của IPSC, theo ông, sẽ giúp doanh nghiệp giải bài toán tiếp cận, vay vốn ngân hàng. Nhiều doanh nghiệp gỗ nhỏ và vừa thường chỉ tập trung sản xuất, trong khi làm thủ tục vay vốn ngân hàng thì không dễ.
Đại diện cho ngành du lịch, ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) cho rằng, trước thông tin 15/3 mở cửa du lịch quốc tế, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa dám khẳng định là hiểu được hết xu hướng, nhu cầu của khách quốc tế đến Việt Nam. Vị này bày tỏ mong muốn thông qua dự án sẽ có những hỗ trợ khảo sát về thị trường trọng điểm của quốc tế, xu hướng, nhu cầu, là cơ sở để thay đổi, điều chỉnh các sản phẩm dịch vụ thu hút khách quốc tế tốt hơn.
Đại diện từ phía Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA), bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên VEIA thì chia sẻ, hạn chế của hiệp hội này nằm ở kinh phí, nếu chỉ dựa vào hội phí của các thành viên thì không đủ hoạt động theo tầm vóc mà các tổ chức này mong muốn. Trong khi đó, các hiệp hội nước ngoài có nhiều hỗ trợ của Chính phủ về cấp trụ sở, kinh phí. Nguồn lực tài chính cũng dẫn đến vấn đề không đủ kinh phí chi cho nhân tài. Vị này mong muốn từ dự án có những hỗ trợ cơ bản để cho hoạt động như trụ sở, kinh phí nhân viên cho văn phòng.
"Khi dịch bệnh ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, điện tử, Việt Nam được coi là điểm đến an toàn hơn, nhiều doanh nghiệp điện tử hưởng lợi. Nhưng có doanh nghiệp quá yếu, không kịp nắm cơ hội thì đã vụt mất vào tay doanh nghiệp nước ngoài. Mong dự án có thể nâng cao năng lực doanh nghiệp trong quản trị, marketing, đàm phán với đối tác - các kỹ năng mà nhiều đơn vị thiếu sót", đại diện VEIA chia sẻ thêm.
Các doanh nghiệp nữ làm chủ là một trong những đối tượng quan trọng mà dự án hướng tới. Bà Mai Thị Thùy, Chủ tịch Hội nữ doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội mong muốn nhận hỗ trợ của dự án trong đào tạo nâng cao năng lực, bán hàng online trên mạng, kết nối với các nền tảng Alibaba, Amazon, đặc biệt với một hiệp hội đa ngành nghề, số lượng 90% là sản xuất, 10% là dịch vụ. Bên cạnh đó là kết nối giao thương và xúc tiến thương mại.
"Thời gian qua, xuất khẩu gặp khó khi nhiều đơn hàng ra nước ngoài bị huỷ bỏ, không kết nối được thị trường quốc tế, trong khi sức mua trong nước kém, hàng hoá sản xuất nhiều nhưng ko bán được. Mong qua dự án có thể kết nối giao thương, xúc tiến thương mại tập trung các nước trong khu vực trước, mục tiêu bán được càng nhiều hàng càng tốt", đại diện Hội nữ doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội cho hay.
Hỗ trợ kỹ thuật toàn diện cho doanh nghiệp
Năm 2020, một khảo sát trên 10 nghìn doanh nghiệp trong nước và nước ngoài về tác động lớn nhất của Covid-19 cho kết quả ở 4 lĩnh vực ảnh hưởng là tiếp cận khách hàng, dòng tiền, lao động, quản lí chuỗi cung ứng. Dựa trên thực trạng của doanh nghiệp, IPSC sẽ cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật cho các doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng nhưng thiếu kiến thức, tài chính, nguồn nhân lực và năng lực công nghệ, các doanh nghiệp tiên phong hướng đến đổi mới, sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, xây dựng thương hiệu Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Trong đó, các SGBs và PEs được hỗ trợ để tăng cường năng lực quản lý, vận hành, công nghệ và tài chính, áp dụng các thông lệ tiên tiến về quản lý, công nghệ và đổi mới, xuất khẩu thành công ra thị trường khu vực và quốc tế.
Bà Lê Thị Thu Hiền, Trưởng hợp phần về liên kết doanh nghiệp và liên kết ngành của dự án, cho biết IPSC cung cấp các gói hỗ trợ cụ thể:
Gói thích ứng và tăng trưởng hướng đến mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp đuy trì và cải thiện hoạt động trong bối cảnh Covid-19.
Gói mở rộng thị trường nhằm giúp các doanh nghiệp đa dạng kênh phân phối, xây dựng kế hoạch tiếp thị và bán hàng, triển khai và tối ưu hoá trên từng kênh.
Gói nâng tầm giá trị Việt thông qua huấn luyện từ chuyên gia, các sự kiện kết nối, xúc tiến thương mại sẽ góp phần tăng cường giá trị Việt, tính độc đáo, riêng biệt trong từng sản phẩm.
Gói số hoá hoạt động doanh nghiệp sẽ đánh giá nhu cầu, hỗ trợ đào tạo, thực hành, hướng dẫn doanh nghiệp tích hợp và động bộ các giải pháp số hoá từ marketing, quản lý, quản trị từ chuyên gia, nhà cung cấp CNTT.
Gói nâng cao năng lực tài chính nhằm tái cấu trúc tài chính và giúp doanh nghiệp tiếp cận các sản phẩm tài chính đa dạng.
Gói cho doanh nghiệp tiên phong, vươn ra thế giới dành cho các doanh nghiệp tiên phong có sản phẩm "giá trị Việt", thiết kế riêng theo nhu cầu và thách thức của từng doanh nghiệp, với thời gian hỗ trợ, liên tục đánh giá suốt 2 năm.
Dự án cũng đặt mục tiêu kết nối các hiệp hội với mạng lưới 5 nghìn doanh nghiệp nhỏ và đang tăng trưởng, doanh nghiệp tiên phong. Theo đó, các tổ chức, hiệp hội có thể đồng hành cùng dự án đồng thiết kế, hỗ trợ kỹ thuật cho các hiệp hội, thúc đẩy ứng dụng các công cụ kết nối và nâng cao các nền tảng kinh doanh, các mô hình kinh doanh mới, tham gia các sự kiện phát triển mạng lưới và tham vấn về chính sách.
Đặc biệt, gói hỗ trợ các tổ chức hiệp hội sẽ bao gồm khoá đào tạo 8 tuần với các chuyên gia trong nước và quốc tế với giáo trình đã thử nghiệm ở các quốc gia, các chuyên gia hỗ trợ trong 12 tuần triển khai giải pháp kinh tế số. Các hoạt động hỗ trợ gồm đào tạo, thực hành, tư vấn chuyên gia 1-1, hội thảo với các nhà cung cấp dịch vụ công nghệ và tham gia các sự kiện kết nối thị trường.
"Với quy mô và số lượng tiếp cận tương đối lớn, dự án sẽ tạo ra sức lan toả với doanh nghiệp tư nhân và khu vực khác. Thiết kế theo hướng phối hợp Chính phủ và doanh nghiệp, cộng đồng, để triển khai thành công, dự án rất cần cộng đồng doanh nghiệp hưởng ứng và tham gia, đóng góp ý kiến", ông Nguyễn Đức Chung, Phó Cục trưởng cục Phát triển Doanh nghiệp bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.