Số liệu này của Hội môi giới Bất động sản Việt Nam tính đến tháng 5 năm nay. Việc chỉ có 30.000 người có chứng chỉ hành nghề, chỉ chiếm 10%, theo cơ quan này là tỷ lệ rất thấp.
Đội ngũ môi giới chủ yếu tập trung ở hai trung tâm lớn là TP HCM và Hà Nội. Họ làm việc tại các công ty môi giới, sàn giao dịch, hoặc hoạt động độc lập.
Qua khảo sát thực tế, môi giới không có chứng chỉ hành nghề hầu hết đều là cò đất nghiệp dư, trong đó có những người tay ngang chuyển nghề khi thị trường bất động sản tăng nóng. Những người này không được đào tạo, không được kiểm soát, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho bên mua và bên bán.
Hiện nay lực lượng môi giới bất động sản chưa chịu sự quản lý chặt chẽ từ các tổ chức, hội nghề nghiệp, các cơ quan quản lý cũng chưa có động thái cụ thể nào siết chặt ngành nghề này, nên con số thống kê hoạt động hay vi phạm gặp nhiều khó khăn và không đầy đủ.
Quá trình điều tra dựa trên nhân sự của khoảng 300 công ty là thành viên của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam chưa sâu sát được toàn bộ thị trường. Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Hội Môi giới từng khảo sát sơ bộ tại 15 tỉnh thành phố có thị trường bất động sản phát triển tốt, thời điểm đó xấp xỉ 1.000 doanh nghiệp đang hoạt động.
Trong khi đó, tổng kết 5 năm tổ chức thi chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản khu vực toàn miền Nam của Trường Cao đẳng Xây dựng TP HCM cho biết, 5 tháng đầu năm 2022, lượng người thi chứng chỉ hành nghề phía Nam đang tăng vọt.
Cụ thể, ở giai đoạn 2016-2021 toàn khu vực miền Nam bao gồm TP HCM, 3 tỉnh Đông Nam Bộ: Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa Vũng Tàu cùng với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long ghi nhận khoảng 3.995 người thi lấy chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản.
Riêng năm 2021 trường chỉ tổ chức được duy nhất một kỳ thi vào tháng 4, thời điểm đại dịch chưa bùng phát và lúc này chỉ có 275 người dự thi. Thời gian còn lại của năm 2021 do phong tỏa chống dịch và quý IV vướng kỳ nghỉ Tết nên không có thêm kỳ thi nào.
Trong khi đó, năm 2022, chỉ trong vòng 5 tháng đầu năm, thống kê sơ bộ toàn khu vực miền Nam đã có 2.186 người dự thi lấy chứng chỉ hành nghề, tăng gấp 8 lần so với năm ngoái.
Theo Trường Cao đẳng Xây dựng Trung ương II, dự kiến lượng người dự thi tiếp tục tăng lên do các kỳ thi sẽ liên tục được tổ chức trong những tháng tới để đáp ứng nhu cầu của người thi lấy chứng chỉ môi giới tăng cao trong năm 2022.
Việc lượng người dự thi chứng chỉ hành nghề tăng mạnh được Trường Cao đẳng Xây dựng TP HCM giải thích là do Nghị định 02 hướng dẫn thi hành Luật kinh doanh Bất động sản và Nghị định 16 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng đang từng bước siết lại hoạt động của môi giới bất động sản bằng những mức phạt từ 60 triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng.
Hiện nay các văn bản dưới luật đều đã có hiệu lực, từng bước thúc đẩy hàng nghìn môi giới bất động sản đăng ký thi chứng chỉ hành nghề nhưng các cơ quan quản lý địa phương chưa đẩy mạnh xử phạt. Môi giới bất động sản gia nhập và rút lui nghề bán nhà đất một cách dễ dàng.
Báo cáo vừa công bố của Trường Cao đẳng Xây dựng TP HCM kiến nghị xây dựng cổng thông tin cập nhật số liệu, dữ liệu của người hành nghề môi giới địa ốc thông qua mã số chứng chỉ hành nghề. Cổng thông tin này có thể được quản lý tại cơ quan nhà nước chuyên môn có thẩm quyền cấp trung ương hoặc giao cho Hội nghề nghiệp giám sát, từ đó giúp nâng cao tính minh bạch của thị trường bất động sản hơn.
Theo Trường Cao đẳng Xây dựng TP HCM, từ đầu năm 2022 đến nay có nhiều trường hợp môi giới bất động sản gọi điện xin tư vấn hồ sơ dự thi chứng chỉ hành nghề nhưng không đủ điều kiện dự thi vì chưa tốt nghiệp phổ thông trung học (tốt nghiệp lớp 12). Với các trường hợp này, Trường Cao đẳng Xây dựng TP HCM kiến nghị tạo điều kiện cho môi giới được dự thi nếu đã có Chứng chỉ Sơ cấp nghề đúng chuyên ngành và đủ thời gian từ 12 tháng trở lên. Việc mở rộng điều kiện dự thi nhằm phổ cập kiến thức chuyên ngành và các quy định pháp luật cho lực lượng cò nhà đất đang hoạt động riêng lẻ, hướng họ hành nghề một cách chuyên nghiệp và tuân thủ pháp luật.
Chương trình học để thi chứng chỉ này gồm hệ thống các quy định pháp luật về ngành bất động sản: Luật Nhà ở, Đất đai, Xây dựng, Kinh doanh bất động sản, Thương mại và Bộ Luật Dân sự. Bên cạnh đó còn có nội dung tổng quan về dịch vụ môi giới bất động sản, đạo đức, các quy định về chống rửa tiền, các thủ tục pháp lý trong quá trình giao dịch bất động sản, cách soạn thảo hợp đồng, kỹ năng môi giới (thẩm định giá, bán hàng: quảng cáo, giới thiệu, khuyến mãi, hậu mãi), các yếu tố tác động đến bất động sản như quy hoạch...