Shark Tank Việt Nam đã qua được 14 tập, khẩu vị đầu tư của các Sharks cũng thể hiện ngày càng rõ nét. Tính đến thời điểm này, Shark Phạm Thanh Hưng – Phó Chủ tịch HĐQT CEN Group – là vị Shark có cam kết đầu tư ít nhất, với 4 Startup: VH, Ogami, Phleek, và Farmtech. Cả 4 Startup này đều không liên quan đến bất động sản – mảng cốt lõi của CEN Group.
Shark Hưng đã dành thời gian cho Trí thức trẻ bên thềm năm mới để chia sẻ về khẩu vị đầu tư, lý do ông cam kết đầu tư những Startup không mang tính bổ trợ cho hệ sinh thái của CEN Group và quan niệm xuyên suốt của ông - "Cần cù thôi chưa đủ, làm chủ phải tinh khôn".
* Trước Shark Nguyễn Xuân Phú – Chủ tịch HĐQT Sunhouse - có nói trong vòng 10 giây có thể loại 90% Startup nếu không có tướng thủ lĩnh. Shark Hưng thì sao? Ông có nhìn tướng hay vận dụng kiến thức phong thủy trong BĐS để đưa ra quyết định lựa chọn Startup đầu tư?
Shark Phạm Thanh Hưng – Phó Chủ tịch HĐQT CEN Group: Dù chủ đích hay không, bao giờ chúng ta cũng bị ảnh hưởng bởi cảm nhận với đối tác trong lần gặp đầu tiên. Chúng ta có thiện cảm, cảm thấy tin tưởng, cảm thấy có thể làm được gì đó với nhau.
Cái cảm nhận đó không chỉ thông qua "tướng", có thể do phong thái, cách nói năng, độ tự tin, ngôn ngữ cơ thể… và rất nhiều yếu tố khác mà chỉ thông qua một vài phút tự giới thiệu, các Sharks đã có một vài đánh giá nhất định chứ không chỉ bản thân nội dung câu chuyện các Startup trình bày.
Tôi cũng chỉ một phần chứ không hoàn toàn phụ thuộc vào cảm nhận đầy cảm tính đó. Tôi có những đánh giá về mặt tư duy logic và lý trí xem rằng ý tưởng của các bạn có đúng hay không.
Thực ra mà nói, ý tưởng được hình thành còn tương đối sơ khai, nó giống như một gợi ý, để đến lúc hoàn thiện được và thay đổi được nó thì mới cần sự đồng hành của các Sharks. Còn nếu ý tưởng quá tốt rồi, đã có cơ sở thực tiễn về doanh thu, lợi nhuận, có thể cái đó lại mang tính chất hơi thâu tóm một chút. Nên ở góc độ nào đó, tôi hơi thiên một chút về kiểu đầu tư thiên thần.
* Khẩu vị đầu tư của ông thế nào?
Tôi tôn trọng ý tưởng. Tôi thích những ý tưởng mới mẻ và có hàm lượng công nghệ cao. Vì vậy những cái tôi đầu tư cũng hơi có vẻ sơ khai hơn so với những cái các Sharks khác đầu tư như Shark Phú chẳng hạn, thì rất chắc chắn, thường phải có con số tài chính, thường đã được vận hành, chứng minh được có doanh thu, lợi nhuận, phải có đội ngũ, có hệ thống quản lý…
Đấy là khẩu vị của mỗi người. Tôi thì rất muốn làm sao mình có thể mang lại giá trị làm thay đổi mô hình kinh doanh của các bạn bằng đóng góp của mình, chứ không phải các bạn ấy hình thành rồi, chúng tôi chỉ dùng tiền để thâu tóm hoặc mua lại. Cái đó không thực sự vì một môi trường khởi nghiệp cho các bạn trẻ nhiều lắm.
Đâu đó câu chuyện thâu tóm lẫn nhau, câu chuyện M&A này kia để bổ sung vào hệ sinh thái vốn có của các Sharks thì là tất yếu, một phần vì các Sharks cũng muốn bổ sung các mô hình kinh doanh đó vào hệ sinh thái của mình. Hai là bản thân các Sharks làm trong lĩnh vực nào thì thông hiểu lĩnh vực đó, nên dễ ra quyết định hơn. Chẳng hạn tôi làm trong lĩnh vực bất động sản, Startup nào liên quan đến bất động sản rõ ràng là tôi rất quan tâm, vì nó là lĩnh vực của tôi. Hay Shark Phú làm về cơ khí, phân phối, thực phẩm… sẽ rất quan tâm tới lĩnh vực đó.
Còn việc đánh giá lựa chọn thế nào thì mỗi Shark có khẩu vị khác nhau.
Cam kết rót vốn tại Shark Tank là tiền của CEN Group hay tiền cá nhân?
* Những cam kết rót vốn của ông dường như không có gì liên quan đến hệ sinh thái của CEN Group, như Startup tư vấn và bán hàng thời trang Phleek chẳng hạn?
Phleek gọi vốn thành công 3 tỷ 270 triệu đồng đổi lại 45% cổ phần từ Shark Phú và Shark Hưng.
Thực ra thời trang hay bất cứ thứ gì thì nó cũng dùng công nghệ làm nền tảng. Cái của các bạn Phleek làm được là tự động hóa được phần giao tiếp giữa khách hàng và sản phẩm. Tôi thấy ý tưởng của các bạn tốt.
Bạn có thể hoàn toàn chạy độc lập App của bạn, không phụ thuộc vào những cái mọi người hiện đang làm như Facebook suốt ngày dọa chặn, report, mà Facebook còn có điểm yếu là không tương tác với khách hàng. Tham vọng của bạn ấy còn là dùng cả trí tuệ nhân tạo (AI)…
Cam kết rót vốn đó đúng là gây nhiều thắc mắc và tranh cãi. Tôi thì không thể nói chắc chắn chúng tôi sẽ thành công, nhưng quan diểm của tôi với việc đầu tư là phải tin vào chính bản thân mình, cảm nhận của mình chứ không phải nghe những lời bình luận.
Sau khi phát sóng, tôi đọc khá nhiều bình luận trên Youtube, Facebook. Có những lời bình luận tốt mang tính đóng góp, cũng có những lời bình luận khiếm nhã. Những việc đó là việc của công luận. Tôi thì tin rằng bạn ấy có thể làm ra được sản phẩm gì đó thú vị.
* Những cam kết đầu tư Shark Hưng đã tuyên bố trên Shark Tank sẽ là từ tiền CEN Group hay tiền cá nhân?
Theo thỏa thuận của chương trình đối với các Sharks, các Sharks phải chịu trách nhiệm với các khoản đầu tư đó. Còn Shark có toàn quyền trong việc huy động nguồn đầu tư đó từ đâu, tức các Sharks phải chịu trách nhiệm cá nhân về khoản đầu tư đó, chứ không nhất thiết phải là tiền cá nhân.
Nói nôm na, nếu như không có những nhà đầu tư khác hay các doanh nghiệp đồng hành cùng, các Sharks sẽ bằng cách nào đó huy động được số vốn như đã cam kết đầu tư cho Startup. Tôi xin phép không tiết lộ tỷ lệ tiền cá nhân, tiền công ty, và tiền của các nhà đầu tư khác.
Nhưng tôi có thể tiết lộ là không chỉ cá nhân tôi cũng như CEN Group đứng ra cam kết đầu tư, mà cá nhân tôi cũng như các Sharks khác nhận được lời đề nghị từ rất nhiều nhà đầu tư khác, rằng nếu có gì hay thì sẵn sàng "bơm tiền", và ủy thác cho chúng tôi toàn quyền lựa chọn.
Một yếu tố nữa tôi muốn chia sẻ thêm: Do Startup là một từ mới được nhắc đến trong khoảng 2 - 3 năm trở lại đây, và chúng ta dịch là "Khởi nghiệp" theo một cuốn sách của một tác giả Israel nhan đề "Quốc gia khởi nghiệp". Chúng ta tương đối lẫn lộn giữa khái niệm Startup – Khởi nghiệp với việc Startup một business – Lập nghiệp, hoặc tiếp nhận một business hay kế nghiệp công ty do bố mẹ lập nên, hoặc các bạn bỏ tiền ra mua lại. Khi tiếp nhận, kế nghiệp hay bỏ tiền ra mua lại thì không phải Startup.
Có những Startup trong chương trình không rõ nét lắm yếu tố Start, tức tạo ra một cái gì đó mới, đưa ra một mô hình kinh doanh hoàn toàn mới, có thể là một sản phẩm mới, công nghệ mới. Yếu tố Startup phải thể hiện rõ. Tôi mong rằng trong chương trình Shark Tank mùa tiếp theo, các bạn hãy lưu ý vấn đề này. Nếu thực sự các bạn chú trọng và có hàm lượng Startup cao, tôi tin các bạn sẽ thành công hơn trong việc nhận đầu tư của các Sharks.
* Ông có nói "Cần cù thôi chưa đủ, làm chủ phải tin khôn". Xin ông nói rõ hơn...
Làm chủ phải tinh khôn ở đây câu gốc tiếng Anh là "Don’t work hard, be smart"! Quỹ thời gian của con người trên nhân loại đều giống nhau, ai cũng chỉ có 24 giờ/ngày, 60 phút/giờ, chỉ khác nhau ở việc sử dụng thời gian hiệu quả thế nào.
Nếu chúng ta chỉ cần cù, nỗ lực thôi thì chúng ta không sử dụng một cách có hiệu quả nguồn lực chúng ta có. Nguồn lực này có thể là nguồn lực con người, là quỹ thời gian, có thể là tiền, vì vậy sự tinh khôn tiếng gốc là "Smart".
Nó không phải "Intelligent" - không phải thông minh về logic. Smart ở đây có gì đó mưu mẹo, tinh khôn, có cách làm sáng tạo. Để tinh khôn là phải làm sao người ta trả được tiền cho mình nhiều hơn người khác, làm sao để mình khai thác trên cùng đơn vị tài nguyên một cách hiệu quả hơn với cùng một con người, cùng giờ làm việc, tăng cao được hiệu suất hơn. Chúng ta phải làm sao tốt hơn, nhanh hơn, rẻ hơn người khác, thì cần một tư duy Smart.
Còn chỉ cần cù thuần túy thôi thì chúng ta sẽ bị hạn chế rất nhiều, vì nguồn lực của chúng ta có hạn. Chỉ cần cù, "Work hard" thôi là đang tiêu tốn nguồn lực một cách vô tội vạ.
* Xin cảm ơn ông!