Tháng đầu năm 2018, Trung Mến, một kỹ sư công nghệ thông tin của một công ty phần mềm Việt Nam sang Nhật công tác trong thời gian ba tháng trong hợp đồng hợp tác giữa công ty của anh và một công ty ô tô của Nhật. Trung Mến sẽ chịu trách nhiệm làm kỹ sư lập trình cho dự án liên kết giữa hai công ty.
Nhận được hướng dẫn của công ty, Trung Mến đến văn phòng công ty bất động sản LeoPalace ở cách ga trung tâm Shinjuku – Tokyo khoảng 40 phút tàu để nhận hướng dẫn vào nhà.
Căn hộ nơi Mến ở cách nhà ga Omiya, một nhà ga trung tâm tỉnh Saitama thuộc vùng Kanto của nước Nhật, khoảng 15 phút đi bộ, diện tích ước chừng khoảng 30 mét vuông, đây là dạng căn hộ khép kín, có đầy đủ đồ đạc và chuyên dùng để cho thuê ngắn hạn. Công ty của Mến thuê cho anh căn hộ này với giá 7 man rưỡi cả điện nước (tương đương khoảng 15 triệu đồng Việt Nam) mỗi tháng.
Trung Mến là một trong số hàng nghìn những kỹ sư Việt Nam sang Nhật theo diện ngắn và dài hạn trong những năm gần đây. Nhà cho những kỹ sư này ở được thuê hoàn toàn qua các công ty bất động sản chuyên nghiệp.
LeoPalace là một trong số ngày một nhiều công ty bất động sản Nhật cung cấp dịch vụ cho người nước ngoài kể cả ngắn hạn và dài hạn. Khách thuê nhà sẽ được cung cấp toàn bộ các trang thiết bị cần thiết phục vụ cho cuộc sống, từ những đồ nhỏ như trà, máy sấy tóc cho đến những đồ dùng lớn như máy giặt, tủ lạnh.
Dịch vụ cho thuê nhà ở Nhật hiện tại có thể coi là hoàn hảo như vậy, nhưng để được đến như bây giờ, bản thân dịch vụ cũng đã phải trải qua nhiều giai đoạn phát triển, tùy thuộc vào độ cởi mở và mong muốn hoàn thiện dịch vụ của người Nhật.
Không giống với nhiều nước châu Âu hay châu Á khác, nhiều chủ nhà tại các nước này tự đứng ra quảng cáo cho thuê nhà, tự họ cung cấp nhà và dịch vụ cho khách và tự lo việc đóng thuế cho chính phủ.
Cách làm đó có ưu điểm đỡ tốn thời gian và công sức cho bên đi thuê nhà, thế nhưng nó bộc lộ nhiều điểm thiếu chuyên nghiệp, ví như dịch vụ do chủ nhà cung cấp không kịp thời khi hỏng điện nước, hết gas hoặc dễ nảy sinh tranh chấp khó giải quyết giữa bên thuê nhà và bên đi thuê nhà mà không có trung gian đứng ra giải quyết.
Người Nhật hoàn thiện dịch vụ cho thuê nhà hơn hẳn một bước so với nhiều nước châu Á và châu Âu. Phần đông các chủ nhà ở Nhật ủy quyền cho một công ty bất động sản quản lý tài sản của họ, công ty sẽ chịu trách nhiệm cho thuê, quản lý nó và hàng tháng đổ tiền vào tài khoản của chủ nhà theo đúng mức và thời hạn mà công ty ký với chủ nhà. Chính vì vậy khi đi thuê nhà ở Nhật sẽ rất hiếm khi bạn gặp được chủ nhà.
Trong suốt nhiều thập kỷ trước đây, người nước ngoài gặp cực kỳ nhiều khó khăn khi muốn thuê nhà tại Nhật bởi người Nhật luôn yêu cầu chỉ cho người Nhật thuê nhà của họ, ngoài ra, nếu người nước ngoài muốn thuê, họ cần phải có người bảo lãnh là người Nhật. Dù đã ủy quyền cho công ty bất động sản cho thuê căn nhà đó nhưng nếu chủ không đồng ý, công ty cũng không được phép cho thuê.
Một căn hộ đủ nội thất chuyên dành cho khách nước ngoài thuê ngắn hạn - Ảnh: Ngọc Diệp
Tâm lý không muốn cho người nước ngoài thuê nhà không phải giới hạn với riêng người đến từ quốc gia hay vùng lãnh thổ nào mà đối với nhiều người Nhật, họ chỉ phân biệt giữa “người Nhật” và “Không phải người Nhật”.
Có rất nhiều lý do cho việc này. Người Nhật vốn nổi tiếng thế giới về sự sạch sẽ, chỉn chu trong lối sống. Người Nhật cũng muốn giữ yên lặng cho cộng đồng xung quanh nơi họ sống. Người nước ngoài, đặc biệt nhiều người phương Tây trong đó có cả người Đông Nam Á hay có thói quen thích nhậu nhẹt ồn ào gây ảnh hưởng đến xung quanh, đó là điều vô cùng tối kỵ.
Ngoài ra, người Nhật cũng có tính hay đánh đồng. Điều này có nghĩa là chỉ cần một người Braxin gây ồn, thì đối với người chủ nhà đó, mãi mãi họ sẽ vẫn giữ tất cả người Braxin đều giống nhau. Chính vì vậy, ấn tượng của họ sẽ không thay đổi.
Điều này đang dần thay đổi. Nước Nhật mở cửa, tâm lý của người Nhật cũng thay đổi. Ngoài ra, khi tỷ lệ người già ngày một nhiều, họ cũng cần đến một nguồn thu nhập thay thế ngoài lương hưu và trợ cấp xã hội, chính vì vậy, họ cũng đang cho người nước ngoài thuê nhà nhiều hơn để có thêm thu nhập.
Về phía các công ty bất động sản Nhật, dịch vụ của họ cũng đang ngày một hoàn thiện hơn. Thứ nhất, trên phương diện giao tiếp. Người Nhật vốn không nổi tiếng về giỏi tiếng Anh. Bảng xếp hạng về trình độ tiếng Anh các nước trong châu Á, người Nhật không đứng trong nhóm top.
Tuy nhiên, những công ty bất động sản Nhật có làm việc với người nước ngoài có nhân viên nói tiếng Anh cực kỳ trôi chảy. Không chỉ vậy, phần đông các công ty bất động sản có giao dịch với người nước ngoài ở vùng Kanto và vùng Kansai – hai trung tâm kinh tế lớn nhất của Nhật thậm chí có thể nói trôi chảy 2,3 thứ tiếng.
Nhiều công ty cung cấp dịch vụ tư vấn cho khách bằng năm thứ tiếng: tiếng Nhật, tiếng Trung, tiếng Anh, tiếng Hàn, tiếng Việt Nam.
Dịch vụ chăm sóc khách hàng sau khi họ thuê nhà mà các công ty đang cung cấp cũng có thể coi là rất ổn. Nếu khách kêu ca bất kỳ vấn đề gì về điện nước, hoặc hỏng hóc trong nhà, lập tức nhân viên công ty sẽ hẹn giờ đến tìm hiểu vấn đề và mọi chuyện sẽ được giải quyết rất nhanh chóng, chỉ trong một, hai ngày, chính xác đến từng giờ.
Tất nhiên, chi phí sẽ được quyết định dựa trên đó là lỗi do chủ nhà hay do bản thân căn hộ. Nếu lỗi do chủ nhà, chi phí sửa chữa cũng không hề rẻ.
Tuy nhiên, với dịch vụ ưu việt mà các công ty bất động sản Nhật cung cấp như trên, người nước ngoài đến Nhật hẳn sẽ không khỏi choáng váng khi biết đến khoản phí mà họ phải bỏ ra để bắt đầu thuê một căn nhà.
Tóm gọn, những chi phí đó bao gồm: tiền cọc (tiền sửa chữa trang thiết bị ngôi nhà sau khi bạn đi, khoản tiền này bạn sẽ được trả lại một phần nếu bạn không làm hỏng hóc gì quá lớn); tiền lễ (tiền gửi cho chủ nhà để cám ơn đã cho bạn thuê nhà); tiền phí môi giới (thường sẽ từ một nửa tháng đến hai tháng tiền nhà tùy căn); phí bảo lãnh (có thể mất hay không mất tùy có cần người bảo lãnh hay không); bảo hiểm hỏa hoạn (dao động từ 2 đến 3 triêu đồng tùy căn); phí thay chìa và ổ khóa (rơi vào khoảng 2 đến 3 triệu, bạn có thể không muốn mất, nhưng có thể bạn đối diện với rủi ro là người thuê nhà trước có thể vào nhà bạn).
Rõ ràng, dịch vụ cho thuê nhà ở Nhật rất chuyên nghiệp, nhưng chi phí của người thuê nhà phải bỏ ra cũng không hề nhỏ, mà hợp đồng thuê nhà tối đa cũng chỉ hai năm, sau đó khi hợp đồng mới được ký, người đi thuê lại tốn thêm một lần nữa phần lớn các khoản phí trên.
Để dễ hình dung, có thể lấy ví dụ một người nước ngoài thuê căn hộ khoảng hơn 20 mét vuông ở cách trung tâm Tokyo nửa tiếng đi tàu với giá khoảng 7 man rưỡi/tháng (khoảng 15 triệu đồng Việt Nam). Tuy nhiên riêng những khoản phí ban đầu mà người đó phải bỏ ra chỉ để được thuê căn nhà đó lên đến 70 triệu đồng Việt Nam (trong đó có bao gồm tiền thuê nhà tháng đầu tiên).
Cái gì cũng có giá của nó, và sự chuyên nghiệp trong dịch vụ cho thuê nhà ở Nhật tất nhiên có chi phí rất cao.