Bốn năm trước, Dylan Field sống trong căn hộ một phòng ngủ ở thành phố San Francisco. Anh chỉ mua cốc cà phê giá một USD trên đường đi làm. Theo WSJ, Field nhút nhát và dễ biến mất trong đám đông, đến mức anh luôn đứng một mình trong những sự kiện kết nối quan hệ được tổ chức bởi các công ty đầu tư mạo hiểm tại thành phố này.
Ngày 15/9, công ty phát triển phần mềm thiết kế Figma của Field được bán lại cho đối thủ Adobe với giá lên đến 20 tỷ USD. Ngay lập tức, chàng trai sinh ăm 1992 trở thành một trong người được nhắc đến nhiều nhất trong thế giới công nghệ hai ngày qua.
Sự trỗi dậy của Figma, do Field đồng sáng lập cùng bạn học cũ Evan Wallace ở Đại học Brown, được đánh giá là nhanh hơn mức bình thường tại Thung lũng Silicon. Đầu năm 2018, công ty được định giá 115 triệu USD. Cuối năm ngoái, sau một vòng gọi vốn, giá trị của nó vọt lên 10 tỷ USD.
Đà tăng giá trị chóng mặt của Figma đã thu hút chú ý, trong bối cảnh hàng loạt doanh nghiệp công nghệ đang lao dốc không phanh thời gian qua.
Các nhà đầu tư và người quen cho biết Field vẫn nắm cổ phần đáng kể trong Figma, bên cạnh những công ty đầu tư mạo hiểm lớn như Sequoia Capital và Greylock Partners. Nếu thỏa thuận được tiến hành trơn tru, anh sẽ trở thành tỷ phú.
Field lớn lên ở hạt Sonoma thuộc bang California. Gia đình mua một chiếc máy tính khi anh mới ba tuổi và anh tự học cách sử dụng, sau đó dạy cả cha mẹ mình.
Dylan Field không phải học sinh nổi bật, thậm chí từng đối mặt nguy cơ bỏ học cho đến khi tham gia nhóm chế tạo robot ở trường trung học và bắt đầu theo các khóa đào tạo cấp cao đẳng. Anh trượt Viện Đại học California-Berkeley và theo học tại Đại học Brown.
Trong năm đầu, anh đăng ký tham gia chương trình hỗ trợ do tỷ phú Peter Thiel điều hành. Dự án này cấp vốn 100.000 USD và không kèm điều kiện nếu người đăng ký chấp nhận bỏ học để theo đuổi các mục tiêu kinh doanh. Field đề xuất ý tưởng phát triển phần mềm để biến flycam thành thiết bị giám sát giao thông và phát hiện tài xế vi phạm. Anh được chấp thuận và rời trường đại học. Công ty flycam không thành công, nhưng ý tưởng tiếp theo là Figma trở nên nổi tiếng.
Dylan Field và Evan Wallace thành lập Figma với vai trò là nền tảng chỉnh sửa đồ họa, cho phép người dùng thiết kế các dự án cùng nhau. Họ mất bốn năm từ giai đoạn lên ý tưởng cho đến khi sản phẩm đầu tiên ra mắt.
"Văn phòng Figma đặt trên một quá bar đông đúc. Tiếng ồn không thể chịu nổi từ 15h thứ Sáu hàng tuần", Badrul Farooqi, một trong những nhân viên đầu tiên của công ty, cho hay. Họ thường không làm việc xuyên đêm. Field từng nói anh phải thuê một huấn luyện viên về lãnh đạo để cải thiện phong cách bản thân.
Figma phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn Covid-19, với những khách hàng như Uber và Block. Lợi thế của họ là công cụ nền trình duyệt, có thể hoạt động trên nhiều nền tảng khác nhau thay vì giới hạn trên một thiết bị hoặc hệ điều hành như các đối thủ.
Wallace rời công ty cuối năm ngoái, trong khi Field cho biết đối tác của mình cũng đã kiệt sức vì công việc và muốn thử sức với những dự án mới.
Trong năm nay, Figma chuẩn bị cho đợt mở bán công khai. Tuy nhiên, Field cho rằng đề xuất của Adobe được ưu tiên hơn thay vì mạo hiểm niêm yết trong giai đoạn thị trường đóng băng, dù nhiều người bày tỏ sự lo lắng về việc công ty bị người khổng lồ công nghệ nuốt chửng.
Dylan Field vẫn đang tìm cách làm quen với vị thế mới của mình. "Tôi không biết, ai đó nói xem", Field nói khi được hỏi liệu anh đã trở thành người có vai vế tại Thung lũng Silicon hay chưa.
(theo Wall Street Journal)