Công nghệ

Kỹ sư bị sa thải kể áp lực công việc tại Google

"Tôi bị Google sa thải hồi tháng 4/2015, sau 5 năm làm tại văn phòng Thụy Sĩ. Tôi bị kiệt sức từ gần một năm trước đó, công việc xuống dốc không phanh. Tôi từng đề xuất 5 thay đổi vào mã lập trình mỗi tuần, nhưng con số này giảm còn một lần mỗi tuần vào đầu 2015, dù vẫn trong dự án và môi trường đó", Grigory Yakushev kể với Business Insider.

Khi đó, anh muốn thay đổi và xin chuyển sang nhóm tìm kiếm ngữ nghĩa.

Sai lầm

"Đó là sai lầm của tôi. Tìm kiếm là sản phẩm lớn và phức tạp nhất của Google, trong đó tìm kiếm ngữ nghĩa là nhóm đòi hỏi nhiều trí lực nhất", cựu kỹ sư nhớ lại.

Quan hệ giữa Yakushev và cấp trên xấu đi nhanh chóng, khi anh không mang lại nhiều kết quả cho nhóm. Quản lý của Yakushev tìm cách siết kỷ luật, yêu cầu anh liên tục ngồi trước máy tính và giám sát giờ giấc làm việc, khiến tình trạng càng tồi tệ hơn.

Yakushev sau khi rời Google. Ảnh: Grigory Yakushev.

Yakushev sau khi rời Google. Ảnh: Grigory Yakushev

"Trong những cuộc thảo luận riêng, tôi được hỏi vì sao không xin nghỉ. Tôi trả lời rằng bản thân rất thích mức lương 180.000 USD/năm khi đó. Tôi nghĩ họ sẽ đuổi việc nếu không hài lòng với kết quả công việc, nhưng tôi sẽ không tự xin nghỉ", Yakushev nói.

Bị đặt vào PIP

Kế hoạch Cải thiện Công việc (PIP) là thỏa thuận chính thức giữa chủ lao động và nhân viên, trong đó vạch ra những công việc Yakushev cần hoàn thành trong vòng hai tháng. Chỉ sau một tuần thực hiện, anh nhận ra mình sẽ không đáp ứng được yêu cầu.

Yakushev thường ngồi nhìn màn hình cả ngày. Anh nghĩ ra những đoạn mã cần gõ, nhưng không thể thực hiện. Yakushev thừa nhận với quản lý mình không thể vượt qua PIP. Những cuộc thảo luận với giám đốc và bộ phận nhân sự cho thấy Yakushev có thể bị sa thải vì "vi phạm kỷ luật nghiêm trọng", đồng nghĩa anh sẽ mất việc mà không có hỗ trợ thất nghiệp trong ba tháng.

Lãnh đạo chuyển thông báo đuổi việc cho Yakushev sau một tuần, trước khi hai tháng PIP kết thúc. Tài khoản nội bộ của anh bị khóa, anh trao trả thiết bị và thẻ nhân viên, trước khi rời tòa nhà cùng quản lý. Toàn bộ quá trình kéo dài trong 10 phút.

Yakushev nói cấp trên của mình là một kỹ sư tuyệt vời và rất thông minh, nhưng ngay cả những quản lý kỳ cựu cũng gặp khó khăn trong điều hành các nhân viên kiệt sức.

Google có thể là cái bẫy

"Tiền lương cao, bạn được vây quanh bởi những người cực kỳ thông minh. Đồ ăn vặt luôn có sẵn, trong khi môi trường làm việc ít thị phi khiến đó là nơi làm việc tốt. Bạn quyết định bám trụ, nộp mức cải thiện chất lượng tìm kiếm khoảng 0,1% cứ sau vài tháng", Yakushev nhớ lại.

Dù vậy, tình trạng kiệt sức buộc cựu kỹ sư Google phải nghĩ về tâm trí của mình nhiều hơn. "Lập trình là điều tôi coi như hiển nhiên trong cuộc sống, như đi lại và nhìn ngắm xung quanh. Khi khả năng đó biến mất, tôi trở nên lạc lối", anh nói.

Yakushev nói các kỹ sư đều không nghĩ họ có thể bị bệnh. "Dù vậy, lối sống lành mạnh hay bộ gene hoàn hảo cũng không thể bảo đảm sức khỏe toàn diện. Cuối cùng, tôi đi gặp bác sĩ và nhanh chóng được chẩn đoán mắc chứng trầm cảm. Tôi phải dùng thuốc và điều trị tâm lý", anh nói.

Chứng trầm cảm làm cạn kiệt động lực, trong đó có cả động lực đi khám bệnh, điều rất quan trọng với điều trị và phục hồi. "Một số triệu chứng của trầm cảm như thiếu tự tin hay muốn tự tử không xuất hiện cùng kiệt sức. Đây là một trong những lý do khiến tôi nghĩ mình không cần trợ giúp y tế. Đã 9 năm từ khi tôi bị sa thải và đó có thể coi là sự kiện may mắn trong cuộc đời tôi", Yakushev nói.

Yakushev đã làm nhiều việc sau khi rời Google, trong những môi trường và dự án khác biệt hoàn toàn. Anh vẫn sống ở Thụy Sĩ. "Mọi thứ luôn có cách giải quyết và kiệt sức có thể coi là cú hích cho sự nghiệp. Đôi khi chúng ta cần một cú sốc như vậy", anh cho hay.

(Theo Business Insider)

Cùng chuyên mục

Đọc thêm