Sau khi khai thác tiền sử bệnh được biết bệnh nhân Đ. được chẩn đoán béo phì, Gout mạn cách đây 10 năm, trong 2 tuần trước khi vào viện bệnh nhân Đ. tăng cân không kiểm soát hơn 10kg do sử dụng nhiều các đồ uống ngọt (trà sữa, nước ngọt,…).
Theo ThS. Nguyễn Đăng Quân, Phó Trưởng khoa Điều trị tích cực cho biết: “Thông qua thăm khám lâm sàng và kết quả xét nghiệm, bệnh nhân Đ. được chẩn đoán mắc hội chứng ngừng thở khi ngủ. Hội chứng này thường gặp ở những bệnh nhân có tiền sử mắc các bệnh tim mạch, rối loạn chuyển hoá như: béo phì, gout, đái tháo đường type 2, tăng huyết áp, suy tim, tai biến mạch máu não…”.
Sau hơn 2 tuần điều trị và chăm sóc đặc biệt tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương, người bệnh Đ. đã giảm được hơn 30kg, kiểm soát được chỉ số đường huyết và tình trạng suy tim ổn định.
Ở người thừa cân – béo phì, lượng mỡ được phân bố nhiều xung quanh khu vực đường hô hấp trên dẫn tới hẹp đường thở. Điều này đã góp phần làm tăng chèn ép đường thở khi ngủ. Ngoài ra, lượng mỡ tập trung tại vùng ngực và vùng bụng cũng là nguyên nhân làm giảm dung tích phổi và làm tăng nhu cầu oxy. Do đó, ngừng thở khi ngủ tắc nghẽn là bệnh thường gặp nhất đặc biệt là những bệnh nhân thừa cân và béo phì. Nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, tăng huyết áp.
![]() |
Bác sĩ khám cho bệnh nhân mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ |
Theo bác sĩ Bệnh viện Nội tiết Trung ương: “Các triệu chứng thường gặp của chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn thì ngủ ngáy là dấu hiệu phổ biến nhất. Bệnh nhân có những cơn ngừng thở về đêm, thở phì phò, hổn hển và cuối kì ngừng thở. Ngáy to nhất khi nằm ngửa, giảm khi nằm nghiêng. Bên cạnh đó người bị ngừng thở khi ngủ thường mệt mỏi, khó tập trung trong công việc, suy giảm trí nhớ, thay đổi tính tình, dễ cáu gắt. Bệnh nhân hay buồn ngủ vào ban ngày, có thể ngủ trong khi đang làm việc, thậm chí khi đang lái xe; đau đầu khi thức dậy do giảm nồng độ oxy não trong đêm”.
Một số triệu chứng ngưng thở lúc ngủ do tắc nghẽn có thể nhầm lần với các bệnh lí khác nên không được nhận biết sớm, không rõ ràng và thường bị bỏ qua. Do đó, người bệnh đái tháo đường nói riêng và các người bệnh có nguy cơ nói chung cần đi khám bệnh để phát hiện sớm hội chứng này nhằm hạn chế những tai biến không đáng có.
Khi ngưng thở lúc ngủ, không khí không vào đến phổi để trao đổi oxy, gây ra thiếu oxy toàn thân, ảnh hưởng đến mạch máu ở tim, phổi, thận, tuyến tụy, não... Hội chứng ngưng thở lúc ngủ có thể xảy ra ở bất kì độ tuổi nào đặc biệt là tuổi trung niên. Từ đó gây nên một loạt các rối loạn chuyển hóa, tăng huyết áp, ảnh hưởng đến các mạch máu não, mạch máu ở tim và khắp cơ thể, dẫn đến bệnh tăng huyết áp, nguy cơ mắc bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim, đột quỵ do tắc mạch não, xuất huyết não cho người có hội chứng ngưng thở khi ngủ.
Một trong các rối loạn chuyển hoá hay gặp trong hội chứng ngừng thở là đái tháo đường và kéo theo một loạt các biến chứng của đái tháo đường. Chính vì vậy, ngưng thở khi ngủ về lâu dài có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và có nguy cơ gây đột quỵ, thậm chí đột tử trong đêm, người nhà không thể phát hiện hoặc đưa đi cấp cứu.
Ngưng thở khi ngủ được coi là "sát thủ thầm lặng", nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như nhồi máu cơ tim, đái tháo đường, tăng huyết áp, loạn nhịp tim, đột quỵ.
Triệu chứng và cách điều trị
Hội chứng ngưng thở lúc ngủ thường được phát hiện bởi người ngủ chung: Ngáy và có những cơn ngưng thở khi ngủ. Ngoài ra còn có những triệu chứng kể ra dưới đây cũng nên quan tâm: buồn ngủ ngày quá mức; nhức đầu vào buổi sáng; thay đổi tính tình, cáu gắt hoặc trầm cảm; mệt mỏi; giảm trí nhớ.
Có nhiều phương pháp điều trị. Bên cạnh các phương pháp điều trị này, một số thay đổi hành vi cũng sẽ giúp cải thiện hội chứng ngưng thở khi ngủ :
Tư thế nằm nghiêng khi ngủ : nên nằm ngủ nghiêng về một bên thay vì nằm ngửa. Nằm ngửa là tư thế đặc biệt không tốt đối với người mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ vì tư thế đó làm bệnh ngáy và ngưng thở khi ngủ trở nên trầm trọng hơn, vì nằm ngửa làm hàm khép lại, lưỡi khép lại và chặn đứng đường thở; giảm cân; không uống rượu; tránh sử dụng thuốc ngủ, thuốc an thần, thuốc chống động kinh...vào ban đêm; tránh uống các chất kích thích (cafe) vào ban đêm.
Để phát hiện hội chứng ngừng thở khi ngủ, người bệnh sẽ được tiến hành đo đa kí hô hấp hoặc đo đa kí giấc ngủ để chẩn đoán. Kết quả đo đa kí sẽ được các bác sĩ phân tích và người bệnh sẽ được tư vấn về bệnh và phương pháp điều trị phù hợp sớm nhất.
Chọn lựa phương pháp nào cho phù hợp với người bệnh sẽ tùy thuộc mức độ nặng của bệnh, các bất thường về đường hô hấp trên, các bệnh lí đi kèm... Bác sĩ sẽ thảo luận với người bệnh và cho biết phương pháp nào là tốt: dùng máy thở áp lực dương liên tục (CPAP); dùng dụng cụ gắn vào trong miệng trong khi ngủ; phẫu thuật...