Xã hội

Tự ý thay đổi thông tin tài khoản ngân hàng của công ty, chuyển khoản 2,1 tỷ đồng cho người thân, nữ kế toán ở Quy Nhơn khai: “Tôi chỉ có ý định mượn tạm”

Tóm tắt:
  • Đoàn Thị Ngọc Hà bị tuyên án 12 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
  • Hà tự ý điền thông tin cá nhân và thay đổi tài khoản ngân hàng của công ty.
  • Từ 08/02/2022 đến 06/4/2022, Hà chuyển hơn 2,1 tỷ đồng vào tài khoản cá nhân.
  • Hành vi của Hà bị phát hiện khi Giám đốc công ty kiểm tra sổ sách.
  • Vụ án cảnh báo cần thắt chặt quản lý tài chính trong các doanh nghiệp.

Ngày 01/4/2025, bị cáo Đoàn Thị Ngọc Hà (SN 1985) trú thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, bị TAND tỉnh tuyên phạt 12 năm tù giam về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Điều đáng chú ý trong vụ án này, bị cáo Hà đã lợi dụng lòng tin của Giám đốc Công ty TNHH Bất động sản H.Đ ở thành phố Quy Nhơn rồi tự ý thay đổi thông tin tài khoản ngân hàng của công ty, chiếm đoạt hơn 2,1 tỷ đồng.

Tự ý thay đổi thông tin tài khoản ngân hàng của công ty, chuyển khoản 2,1 tỷ đồng cho người thân, nữ kế toán ở Quy Nhơn khai: “Tôi chỉ có ý định mượn tạm”- Ảnh 1.

Bị cáo Đoàn Thị Ngọc Hà đối chất với người bị hại tại phiên tòa sơ thẩm.

Theo cáo trạng, năm 2020, bà N.T.M.T là Giám đốc Công ty TNHH Bất động sản H.Đ tuyển Hà làm dịch vụ báo cáo thuế. Trong quá trình làm việc, Hà tư vấn cho bà T nên mở nhiều tài khoản tại các ngân hàng để thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của công ty. Lợi dụng sự tin tưởng và thiếu kiểm soát của bà T, Hà đã tự ý điền thông tin cá nhân vào hồ sơ mở tài khoản tại một số ngân hàng, đồng thời tự thay đổi thông tin tài khoản tại một ngân hàng khác của công ty. Hà đăng ký số điện thoại cá nhân vào hệ thống để nhận thông báo biến động số dư và mã OTP.

Sau khi nắm quyền kiểm soát tài khoản, từ ngày 08/02/2022 đến ngày 06/4/2022, Hà đã chuyển hơn 2,1 tỷ đồng vào tài khoản cá nhân và người khác. Hành vi chỉ bị phát hiện khi bà T kiểm tra sổ sách và phát hiện những giao dịch bất thường. Ngay lập tức, vụ việc được trình báo cơ quan Công an.

Tại phiên tòa, bị cáo Hà thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội nhưng biện minh rằng do khó khăn về tài chính nên mới nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền của công ty. “Ban đầu chỉ có ý định mượn tạm nhưng khi thấy việc thay đổi thông tin tài khoản quá dễ dàng mà chị T khi đó cũng không kiểm tra, bị cáo đã tiếp tục thực hiện nhiều giao dịch khác nhau để lấy tiền”, Hà khai nhận.

Hội đồng xét xử cho rằng hành vi của bị cáo là có chủ đích từ trước, cụ thể bị cáo chủ động hợp thức hóa thủ tục bằng cách yêu cầu bà T ký quyết định bổ nhiệm bị cáo làm kế toán trưởng là một dấu hiệu cho thấy ý định lừa đảo có tính toán từ trước. “Hành vi này không thể xem là bộc phát hay do hoàn cảnh thúc ép mà là một chuỗi hành vi có tổ chức, lợi dụng sự thiếu kiểm soát của công ty để trục lợi cá nhân. Hành vi của bị cáo không chỉ gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng mà còn ảnh hưởng đến lòng tin trong hoạt động kinh doanh, gây bất ổn trong giao dịch tài chính doanh nghiệp”, kiểm sát viên giữ quyền công tố tại phiên tòa nhận định.

Vụ án cũng là lời cảnh tỉnh cho những ai đang có ý định lợi dụng lòng tin để trục lợi, đồng thời là bài học cho các công ty, doanh nghiệp trong việc thắt chặt quản lý tài chính, đặc biệt là trong việc kiểm soát tài khoản ngân hàng và thông tin giao dịch, tránh những sơ hở để kẻ gian lợi dụng thực hiện hành vi phạm tội.

Các tin khác

Chubb Life cập nhật giá đơn vị Quỹ Liên kết Đơn vị - Sản phẩm Kế hoạch Tài chính Chủ động

Sản phẩm Bảo hiểm Liên kết Đơn vị - Kế hoạch Tài chính Chủ động được thiết kế với các tính năng ưu việt nhằm đáp ứng đồng thời cả hai nhu cầu: Bảo vệ và Đầu tư. Với thông điệp “Đầu tư vững tâm – Bảo vệ vững vàng”, sản phẩm Kế hoạch Tài chính Chủ động góp phần hoàn thiện danh mục giải pháp tài chính toàn diện của Chubb Life Việt Nam trên hành trình thực hiện sứ mệnh bảo vệ người trụ cột và gia đình Việt.

Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng, bài 8: Gỡ điểm nghẽn cho start-up Việt

TP - Thiếu vốn, bất cập về pháp lý, thủ tục rườm rà đang khiến nhiều start-up công nghệ ở Việt Nam chưa kịp lớn đã nguy cơ “chết yểu”. Có lãnh đạo doanh nghiệp còn ví von: “Có cơ quan chức năng nhìn start-up (tạm dịch Công ty khởi nghiệp) như người nhà quê lên phố”. Việc thiếu một môi trường kinh doanh cởi mở, sẵn sàng chấp nhận những vấn đề mới đang bóp nghẹt các start-up công nghệ Việt và chưa tạo được động lực để lực lượng này dấn thân bứt phá.