Thời sự

Chân dung Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng vừa bị bắt vì Nhận hối lộ

Ông Tô Anh Dũng là ai?

Ngày 14/4, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Tô Anh Dũng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cùng 2 bị can khác về tội Nhận hối lộ.

Ông Dũng bị bắt nằm trong tiến trình điều tra mở rộng vụ án “Đưa hối lộ, nhận hối lộ”, xảy ra tại Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao, Hà Nội và các tỉnh, thành phố.

Ông Tô Anh Dũng sinh năm 1964 tại Hà Nội. Với hơn 28 năm làm việc trong ngành Ngoại giao, ông Dũng đã trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau liên quan đến các lĩnh vực hội nhập quốc tế, ngoại giao song phương và đa phương, nghiên cứu kinh tế quốc tế, chính sách đối ngoại và công tác xây dựng ngành.

Ông có trình độ cử nhân chuyên ngành quan hệ quốc tế tại Kiev, Liên Xô cũ và thạc sĩ chuyên ngành quan hệ quốc tế tại Đại học Uppsala, Thụy Điển. Ông nói được tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Khmer.

Ông Dũng bắt đầu làm việc tại Vụ Đông Nam Á - Nam Á - Nam Thái Bình Dương, Bộ Ngoại giao năm 1991. Đến năm 1993, được cử đi làm tùy viên tại Đại sứ quán Việt Nam ở Philiipines.

Từ năm 1997 đến năm 2000, ông trở về Việt Nam, giữ lần lượt các chức vụ Thư ký Bộ trưởng và Tập sự Phó Vụ trưởng tại Văn phòng Bộ, Bộ Ngoại giao.

Năm 2001, ông được phong làm Phó Vụ trưởng, Phó Chánh Văn phòng tại Văn phòng Bộ, Bộ Ngoại giao.

 Chân dung Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng vừa bị bắt vì Nhận hối lộ - Ảnh 1.

Từ trái qua: Bị can Tô Anh Dũng, Phạm Trung Kiên và Vũ Anh Tuấn. Ảnh: Bộ Công an.

Ông giữ chức vụ Phó Vụ trưởng Tiểu ban Lễ tân Ủy ban quốc gia ASEM 5 của Bộ Ngoại giao trong giai đoạn 2004-2005.

Năm 2005, ông được cử đi làm Tham tán Công sứ ở Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Điển.

Năm 2008, ông trở lại giữ chức Phó Vụ trưởng, Phó Chánh Văn phòng tại Văn phòng Bộ, Bộ Ngoại giao. Một năm sau, ông được bổ nhiệm làm Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Văn phòng Bộ Ngoại giao và giữ chức vụ này đến năm 2013.

Trong khoảng thời gian từ năm 2013 đến năm 2016, ông giữ chức Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Canada. Năm 2016, ông trở về Việt Nam giữ chức Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ, Bộ Ngoại giao.

Năm 2017, bên cạnh chức vụ Vụ trưởng, ông kiêm nhiệm thêm chức vụ Trợ lý Bộ trưởng cho đến tháng 2/2019.

Tháng 3/2019, ông được Thủ tướng bổ nhiệm là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao.

Đã có bao nhiêu bị can bị bắt?

Trước đó, cùng bị bắt với ông Tô Anh Dũng còn có 2 bị can gồm: Phạm Trung Kiên, chuyên viên Vụ trang thiết bị và Công trình y tế Bộ Y tế; Vũ Anh Tuấn, nguyên cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an.

Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, Việt Nam tổ chức gần 800 chuyến bay, đưa hơn 200.000 công dân từ hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ về nước. Khi các chuyến bay được mở, nhiều người dân phải mua vé rất đắt và thủ tục rườm rà.

Quá trình điều tra, ngày 28/1, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố, bắt bà Nguyễn Thị Hương Lan (48 tuổi, Cục trưởng Lãnh sự) cùng ba thuộc cấp là Đỗ Hoàng Tùng (42 tuổi, Cục phó); Lê Tuấn Anh (40 tuổi, Chánh văn phòng Cục Lãnh sự); Lưu Tuấn Dũng (35 tuổi, Phó phòng Bảo hộ công dân Cục Lãnh sự). Cả 4 bị điều tra tội Nhận hối lộ.

Đến tháng 3, bà Nguyễn Diệu Mơ (42 tuổi, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại du lịch và Dịch vụ hàng không An Bình) cũng bị khởi tố, bắt tạm giam với cáo buộc Đưa hối lộ.

Bên cạnh đó, Cơ quan điều tra đề nghị Bộ GTVT cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan đến việc tiếp nhận đề xuất, xét duyệt cho các hãng hàng không, doanh nghiệp thực hiện các chuyến bay "giải cứu".

Đề nghị Bộ cung cấp các tài liệu làm rõ căn cứ tiêu chí, cơ sở nào để Bộ xét duyệt cấp chuyến bay; quy trình, thủ tục xử lý việc xét duyệt cho hãng hàng không bay "combo", "giải cứu" như thế nào, cũng như điều kiện để công dân được về nước theo các chuyến bay này.

Danh sách chi tiết hãng hàng không, chuyến bay và các công ty, doanh nghiệp đã được cấp phép triển khai các chuyến bay "giải cứu", "combo".

Cung cấp danh sách cá nhân được phân công để thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận, xét duyệt cho hãng hàng không, doanh nghiệp thực hiện bay "combo", "giải cứu"…

Trước đó, tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 4/2022, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, hoạt động của các đối tượng trong vụ án này rất tinh vi, số người tham gia đông, phạm vi rộng, cả trong nước và ngoài nước gồm một số cơ quan, ban, ngành trung ương, địa phương, xảy ra trong thời gian dài.

Một số đối tượng đối phó rất quyết liệt và điều này làm khá tốn thời gian cho công tác điều tra, xác minh vụ việc. Hiện đang mở rộng điều tra, tiếp tục làm việc với một số cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, địa phương có liên quan để làm rõ bản chất vụ việc.

Cơ quan công an đề nghị các cá nhân, tổ chức hợp tác với cơ quan điều tra và nếu có thông tin, tài liệu liên quan thì chủ động cung cấp cho Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an.

"Thời gian tới sẽ có bước chuyển biến, đột phá mới của vụ án và khi có chúng tôi sẽ sớm thông tin", trung tướng Tô Ân Xô nói thêm.


Cùng chuyên mục

Đọc thêm