Thời sự

Tiến độ giải phóng mặt bằng của 12 dự án cao tốc Bắc - Nam ra sao?

Công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) 12 dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đã được khởi động từ ngày 15/3. Theo kế hoạch, các địa phương phải thực hiện bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp khởi công trước ngày 20/11 và bàn giao toàn bộ diện tích còn lại trong quý II/2023.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, một số địa phương đang vướng phải nhiều khó khăn trong khâu GPMB. 

Đơn cử như vào ngày 13/4 vừa qua, tại buổi làm việc với lãnh đạo Bộ GTVT ngày 13/4 về tiến độ cao tốc Bắc - Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), ông Phạm Hoàng Anh cho biết mặc dù là địa phương có 27 km cao tốc đi qua nhưng đến thời điểm này, huyện chưa được bàn giao bất cứ mốc nào, theo Báo Giao thông.

“Đến 30/11 phải hoàn thành tới 70% mặt bằng. Vì vậy, huyện đề nghị các đơn vị liên quan cắm trước một số đoạn để huyện có cơ sở triển khai GPMB”, ông Anh nói và bày tỏ vô cùng lo lắng vì GPMB là việc rất khó, mất nhiều thời gian, trong khi thời gian làm dự án cao tốc gấp gáp.

Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, cũng cho biết điều cần nhất vẫn là mốc GPMB. Đến nay, tỷ lệ bàn giao mốc GPMB rất thấp. Trước tình thế gấp gáp, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đề nghị Bộ GTVT và ban quản lý dự án sớm giao hết mốc GPMB cho địa phương.

Tại Bình Định, dự án đi qua có chiều dài 118,8 km với ba dự án thành phần gồm Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Hoài Nhơn - Quy Nhơn và Quy Nhơn - Chí Thạnh. Tổng diện tích đất thu hồi gần 1.300 ha.

Ông Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, đợt 1 vừa qua chủ đầu tư đã bàn giao cọc GPMB khoảng hơn 19,6 km/118,8 km tại 4 địa phương là thị xã Hoài Nhơn, huyện Phù Mỹ, huyện Tuy Phước và TP Quy Nhơn.

 

Trong khi đó, tại Quảng Bình, dự án đoạn qua địa phận Quảng Bình bao gồm ba dự án thành phần, đi qua huyện, thị xã, thành phố với tổng chiều dài 126,34 km, tổng mức đầu tư 24.558 tỷ đồng.

Theo Sở GTVT tỉnh này cho biết Bộ Quốc phòng chưa thống nhất giao cho địa phương hơn 2,2 ha đất quốc phòng thuộc dự án thành phần Bùng - Vạn Ninh để thực hiện dự án, theo Zing.

Địa phương này phản ánh các ban quản lý dự án (chủ đầu tư) chưa chỉ đạo tư vấn xây dựng kế hoạch cụ thể để bàn giao, tiếp nhận hồ sơ cắm mốc GPMB cho địa phương. Ban Quản lý dự án 6 mới bàn giao chiều dài 26,83/93,39 km cọc tim tuyến và 8,3/93,39 km cọc GPMB cho cả 2 đoạn Vũng Áng - Bùng và Bùng - Vạn Ninh.

Về tình hình chuẩn bị đầu tư 12 dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025, Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (QLXD - Bộ GTVT) cho biết đang thống nhất với 12 địa phương và đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng về hồ sơ mốc giới GPMB của dự án thành phần.

Hiện, Bộ Quốc phòng có ý kiến về 9/10 dự án đi qua khu vực đất quốc phòng. Riêng dự án Hậu Giang - Cà Mau chưa thể thống nhất hướng tuyến vì vướng 2,79 ha đất quốc phòng đang nuôi trồng thủy sản.

Trước đó, hôm 26/3, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận có công văn gửi Quân khu 9 và Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Cà Mau đề nghị rà soát, thu hồi diện tích đất quốc phòng nêu trên nhưng chưa nhận được phản hồi.

Từ khó khăn nêu trên, Cục QLXD kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận khẩn trương làm việc với Quân khu 9 để thỏa thuận hướng tuyến đi qua đất quốc phòng và yêu cầu hoàn thành trong tháng 4.

Đối với các đoạn đã được Bộ GTVT chấp thuận hồ sơ thiết kế, ban quản lý dự án cần khẩn trương phê duyệt hồ sơ cắm cọc GPMB và bàn giao ngay cho địa phương.

Tính đến hiện tại, Bộ GTVT đã chấp thuận hồ sơ thiết kế cắm cọc GPMB 215 km, các Ban QLDA đã phê duyệt bàn giao cho địa phương hồ sơ cắm cọc hơn 170 km. Theo kế hoạch dự kiến, việc lựa chọn nhà thầu xây lắp sẽ được hoàn thành trước ngày 20/11, khởi công dự án trong tháng 12.

Mặc dù thời gian bàn giao hồ sơ cọc GPMB được chia thành các đợt, song Bộ GTVT đã chỉ đạo các Ban QLDA làm "cuốn chiếu", được đoạn nào bàn giao ngay đoạn đó, không phải chờ đến hạn ấn định mới thực hiện.

Theo chủ trương đầu tư được phê duyệt, dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 được giải phóng mặt bằng (GPMB) theo quy mô 6 làn xe, đoạn Cần Thơ - Cà Mau quy mô 4 làn xe theo quy hoạch được duyệt.

Tổng diện tích đất chiếm dụng của dự án khoảng gần 5.500 ha. Trong đó, đất trồng lúa hai vụ khoảng hơn 1.500 ha, đất nông nghiệp khác khoảng 1.280 ha, đất dân cư khoảng hơn 500 ha, rừng phòng hộ khoảng 110 ha, rừng sản xuất khoảng hơn 1.400 ha, đất khác khoảng 621 ha.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm