Tài chính

Euro chạm đáy 2 năm so với USD, Bitcoin và vàng cùng lao dốc

Đồng euro trong ngày 14/4 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4 năm 2020, là 1,0758 USD.

So với đồng bảng Anh, đồng euro cũng giảm xuống mức thấp nhất trong vòng một tháng, lúc kết thúc ngày 14/4 theo giờ Việt Nam giảm 0,4% so với phiên trước đó, xuống 82,85 pence. Tuy nhiên, đồng bảng Anh giảm 0,5% so với USD, xuống 1,3045 USD.

Thị trường tin chắc Ngân hàng Trung ương Anh sẽ tăng lãi suất trong cuộc họp thứ tư liên tiếp vào ngày 5 tháng 5 tới, sau đó sẽ nâng dần lãi suất hơn nữa để đạt mức 2% -2,25% vào cuối năm 2022, khi lạm phát tiếp tục tăng mạnh.

ECB vừa kết thúc cuộc họp mới nhất của mình và vẫn giữ thái độ thận trọng trong việc rút bớt các chính sách kích thích kinh tế, dẫn tới tình trạng rất khó khăn trong việc đưa ra một lịch trình cho vấn đề này. Ngân hàng này đã xác định kế hoạch giảm mua trái phiếu trong quý này, sau đó sẽ kết thúc hẳn vào một thời điểm nào đó trong quý 3.

Trong cuộc họp báo sau cuộc họp, bà Lagarde cho biết không có khung thời gian rõ ràng về thời điểm lãi suất sẽ bắt đầu tăng, có thể sẽ là vài tuần hoặc thậm chí vài tháng sau khi kết thúc các chương trình kích thích.

Ima Sammani, nhà phân tích thị trường tiền tệ thuộc Monex Europe, cho biết các bình luận của bà Lagarde đều "tương tự như những bình luận trong cuộc họp tháng 3 của ECB, ngoại trừ việc lần này không có bất ngờ nào về thái độ ‘diều hâu’ dưới hình thức điều chỉnh chính sách".

"Thành thật mà nói, với điều kiện không chắc chắn như lúc này, sự thận trọng của bà Lagarde có thể là chính đáng, nhưng công bằng mà nói thì các thị trường đang mong đợi cuộc họp tháng 4 có thêm một chút rắc rối sau cuộc họp tháng 3 khá sôi động", ông Sammani nói.

Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt – lúc kết thúc ngày 14/4 theo giờ Việt Nam đã tăng 0,8% lên 100,57, trước đó có lúc chạm 100,76, mức cao nhất kể từ tháng 4 năm 2020.

Đồng USD tiếp tục xu hướng tăng gần đây sau khi dữ liệu cho thấy doanh số bán lẻ của Mỹ tăng trong tháng 3, chủ yếu được thúc đẩy bởi giá xăng dầu và thực phẩm tăng.

Đồng yen Nhật "nghỉ ngơi" sau đợt giảm giá mạnh mẽ trong những ngày qua. Theo đó, JPY hồi phục nhẹ khỏi mức thấp nhất trong vòng 20 năm so với USD, lúc kết thúc ngày 14/4 theo giờ Việt Nam ở mức 125,80 yên.

Hơn 3/4 các công ty Nhật Bản cho biết đồng yên đã giảm giá đến mức gây bất lợi cho hoạt động kinh doanh của họ, kết quả một cuộc thăm dò của Reuters cho thấy.

Nhiều ngân hàng trung ương khác đang tiến hành thắt chặt chính sách tiền tệ, củng cố dự đoán lãi suất trên toàn cầu sẽ tiếp tục tăng.

Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc đã gây bất ngờ cho thị trường khi quyết định tăng lãi suất, trong khi Cơ quan tiền tệ Singapore cũng thắt chặt chính sách của mình, đẩy đồng đô la Singapore lên mức cao nhất kể từ tháng 2/2022.

Trước đó, hôm thứ Tư (13/4), Ngân hàng Canada và Ngân hàng Dự trữ New Zealand đều tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản, mức tăng lớn nhất trong vòng 20 năm.

Rúp Nga giảm giá trong phiên vừa qua do dự báo Ngân hàng Trung ương Nga có thể tiếp tục nới lỏng hơn nữa chính sách kiểm soát vốn tạm thời, trong bối cảnh chứng khoán nước này tiếp tục giảm giá.

Theo tờ Vedomosti, Ngân hàng trung ương Nga đang xem xét nới lỏng các yêu cầu bắt buộc đối với việc bán ngoại tệ của các công ty tập trung vào xuất khẩu. Hiện tại, các nhà xuất khẩu của Nga có nghĩa vụ bán 80% doanh thu ngoại hối của họ trong ba ngày đầu tiên sau khi nhận được, theo quy tắc do Tổng thống Vladimir Putin thiết lập vào cuối tháng 2 để hạn chế sự biến động của đồng rúp Nga.

Lúc kết thúc ngày 14/4 theo giờ Việt Nam, đồng rúp giảm 2% xuống 81,50 RUB/USD; so với đồng euro, đồng rúp cũng giảm khoảng 2,5% xuống 88,55 RUB/EUR, trước đó có lúc giảm xuống 90 RUB.

Nhân dân tệ của Trung Quốc hồi phục trong phiên vừa qua, lên mức cao nhất trong vòng 6 ngày, sau khi Ngân hàng trung ương nước này ấn định tỷ giá trung bình hàng ngày ở mức cao nhất trong gần hai tuần.

Đồng nhân dân tệ trên thị trường giao ngay kết thúc ngày 14/4 ở mức 6,3666 CNY, tăng 12 pip so với phiên trước.

Euro chạm ‘đáy’ 2 năm so với USD, Bitcoin và vàng cũng lao dốc - Ảnh 1.

Tỷ giá hối đoái các đồng tiền chủ chốt.

Trên thị trường tiền điện tử, Bitcoin quay đầu giảm xuống dưới ngưỡng 40.000 USD, do một số nhà đầu tư ngừng giao dịch để nghe ngóng sau khi Bitcoin không tận dụng được đà tăng ở phiên trước.

Tâm lý ưa chuộng tài sản rủi ro của nhà đầu tư gần đây bị ảnh hưởng bởi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có chủ trương tăng mạnh lãi suất.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen kêu gọi chính phủ tăng cường giám sát tiền điện tử, nói rằng Mỹ cần có những quy định chặt chẽ hơn đối với các loại tài sản kỹ thuật số để giúp bảo vệ người dùng trong khi vẫn cho phép sự đổi mới, sáng tạo về lĩnh vực công nghệ.

Euro chạm ‘đáy’ 2 năm so với USD, Bitcoin và vàng cũng lao dốc - Ảnh 2.

Giá bitcoin ngày 14/4.

Giá vàng phiên này cũng giảm do USD mạnh lên và lợi suất trái phiếu kho bạc tăng. Tuy nhiên, tính chung cả tuần, giá vàng vẫn tăng bởi nhu cầu đối với tài sản trú ẩn an toàn gia tăng do cuộc khủng hoảng ở Ukraine chưa kết thúc và lạm phát cao ở khắp nơi trên thế giới.

Giá vàng giao ngay lúc kết thúc ngày 14/4 theo giờ Việt Nam giảm 0,5% xuống 1.968,83 USD/ounce; vàng kỳ hạn tháng 6 cũng giảm 0,6% xuống 1.972,30 USD.

Tham khảo: Refinitiv, Coindesk

Cùng chuyên mục

Đọc thêm