1. Khả năng học hỏi
Các nhà đầu tư chứng khoán thành công đều có khả năng học hỏi rất tốt. Huyền thoại Warren Buffett dù đã 90 tuổi nhưng vẫn đọc hàng tập báo cáo tài chính dày cộp. Bạn thân ông - tỷ phú Charlie Munger - lại được mệnh danh là "thư viện di động".
Đây chính là đặc điểm chung của các nhà đầu tư thành công. Dù đã đạt đến trình độ nào, họ vẫn siêng năng và học hỏi không ngừng. Nhờ đó, kiến thức của họ được cải thiện không ngừng, tạo ra ưu thế cạnh tranh trên thị trường - nơi kiến thức chính là sức mạnh.
Ngược lại, những nhà đầu tư nhỏ lẻ sau khi mới đọc vài quyển sách về tài chính đã nghĩ rằng mình nắm được mọi kiến thức trên đời. Mới chỉ học được kỹ thuật phân tích trong 1-2 tháng, họ đã vội tưởng mình phân tích được cả thế giới.
Tinh thần học hỏi chính là thứ quyết định đẳng cấp của một nhà đầu tư. Con đường làm giàu bắt đầu bằng việc học phân tích kỹ thuật, sau đó là về tâm lý đầu tư. Các nhà đầu tư lớn thường đọc không dưới 100 cuốn sách; các tập ghi chú của họ có thể cao đến hàng mét.
2. Khả năng phân tích
Đa số các nhà đầu tư nhỏ lẻ chỉ nhìn vào vài ba dữ liệu tài chính đơn giản nhất trên sàn để mua cổ phiếu. Họ chỉ dừng lại ở việc biết "thu nhập trên mỗi cổ phiếu" là gì.
Một nhà đầu tư lão luyện, trước khi thực hiện giao dịch, sẽ phân tích một cách trình tự.
Trước tiên, họ sẽ nghiên cứu tình hình quá khứ và hiện tại của nhóm ngành, đồng thời dự đoán xu hướng phát triển trong tương lai. Sau đó, họ tìm kiếm những thông tin cơ bản về ngành: ai đang dẫn đầu, ai có tầm ảnh hưởng, mô hình lợi nhuận ra sao, khả năng cạnh tranh cốt lõi của công ty là gì,...
Ai cũng có thể đọc báo cáo thường niên; tuy nhiên, chỉ các nhà đầu tư sành sỏi mới nhìn ra những điều người khác không thể. Nhờ vậy, họ có thể tối đa hóa lợi nhuận và chủ động về danh mục đầu tư của mình.
Khi cổ phiếu tăng giá, mọi người thường có tâm lý đổ xô vào mua. Đây chính là lúc các nhà đầu tư giỏi thu về rất nhiều lợi nhuận, có thể bán ra bất kỳ lúc nào. Đầu tư có thể tạo ra rất nhiều giá trị, nhưng không phải ai cũng kiếm được tiền.
Các chuyên gia lão hay đặt câu hỏi: "Logic đầu tư của bạn là gì?". Đây là một trong những năng lực của nhà đầu tư sành sỏi: họ luôn có logic vững chắc.
Người bình thường đọc báo cáo tài chính chỉ như cưỡi ngựa xem hoa, khó nhìn ra trọng điểm. Người lão luyện đọc báo cáo tài chính để xem logic đầu tư của mình có đủ mạnh không, thông tin có chặt chẽ và vững chắc không.
Người bình thường đầu tư cổ phiếu dựa trên bản năng và cảm tính, không có logic đầu tư thực sự. Người lão luyện, dù đầu tư dài hạn hay ngắn hạn, đều sở hữu một logic đầu tư vững chắc.
3. Khả năng nhìn lại chính mình
Trước khi trở thành huyền thoại trong giới chứng khoán, Warren Buffett hay Charlie Munger cũng chỉ là những nhà đầu tư bình thường. Nhờ học hỏi và tiến bộ qua từng sai lầm, họ trở thành chuyên gia. Tuy nhiên, chỉ một số ít người có thể làm vậy.
Khi gặp sai lầm trong đầu tư, đa số mọi người đều không nhìn lại chính mình. Họ cho rằng thua lỗ là do các yếu tố bên ngoài tác động. Thậm chí, trời xấu cũng ảnh hưởng đến tâm lý, dẫn đến thất bại.
Warren Buffett và Charlie Munger
Người bình thường sẽ mang định kiến và tầm nhìn hạn hẹp của mình vào đầu tư.
Có người ôm cổ phiếu dược phẩm, tin vào tỷ suất lợi nhuận gộp cao, tình hình hoạt động của công ty tốt, nhưng bối rối vì thấy cổ phiếu mãi không tăng. Anh ta tự nhủ, chẳng qua vì đây không phải lĩnh vực phổ biến nên bị lãng quên.
Ý kiến này mới nghe thì thấy có vẻ rất hợp lý. Tuy nhiên, anh ta không nhận ra rằng công ty chỉ có duy nhất một sản phẩm, trong khi thị trường đã đi đến nút thắt phát triển. Đối thủ cạnh tranh nhiều, chi phí bán hàng lại tăng, tốc độ tăng trưởng doanh thu chậm lại. Trước đó, cổ phiếu này cũng đã tăng không ít.
Những nhà đầu tư bình thường, chỉ vì nắm giữ một loại cổ phiếu nào đó quá nhiều mà tự lấy tay bịt mắt mình, bỏ qua các dữ liệu cơ bản, cố chấp đưa ra quyết định sai lầm. Nếu không thể gạt bỏ định kiến, họ sẽ lặp lại những sai lầm này, mãi mắc kẹt ở mức trung bình, khó có cơ hội giỏi lên.
Một số người tự biết nhìn nhận sai lầm của bản thân, nhưng chưa nhìn được nhiều. Nếu suy ngẫm không đủ sâu, họ khó phát hiện ra sai lầm cơ bản trong tư duy đầu tư của mình.
Do đó, hãy ngẫm lại một cách sâu sắc những vấp ngã của mình trên thị trường giao dịch. Đôi khi, bạn phải mất cả tháng trời mới hiểu tại sao mình lại thất bại trong lần giao dịch đó.
4. Khả năng tư duy chiến lược
Người giỏi, dù đầu tư ngắn hạn hay dài hạn, đều có chiến lược và lối tư duy riêng. Khả năng tư duy chiến lược sẽ hình thành sau một thời gian dài chinh chiến và học hỏi.
Chẳng hạn, khi thị trường giảm mạnh, mọi người thường quan tâm đến lý do sụt giảm và khả năng hồi phục trong tương lai. Một nhà đầu tư lão luyện sẽ nghĩ phương án đối phó với đợt tụt dốc trước mắt. Họ đã bỏ túi sẵn một loạt chiến lược để đối phó, chỉ cần cân nhắc xem thời điểm hiện tại nên sử dụng chiến lược nào.
5. Khả năng lập kế hoạch
Đầu tư luôn cần kế hoạch. Thời điểm bạn mua cũng là lúc quyết định bạn sẽ bán thế nào trong tương lai.
Đầu tư chứng khoán tồn tại trong mối quan hệ nhân quả. Vì thế, bạn cần lên kế hoạch chi tiết trước mỗi lần mua: dự tính xem tình huống nào có thể xảy ra, nếu nó xảy ra thì ứng phó ra sao,... Đây là một lối tư duy đầu tư rất tốt.
Nhà đầu tư không có kế hoạch giống kẻ đi đêm mà không mang đèn, vừa đi vừa dò đường, hết sức bị động. Nếu có gì chẳng may xảy đến, họ muốn quay đầu cũng không thể.
(Theo Zhihu)