Theo số liệu của UBND TP HCM trong quý 1/2022, tổng thu ngân sách nhà nước (không kể số bổ sung từ quỹ dự trữ tài chính) ước thực hiện 121.037 tỷ đồng, đạt 31,31% dự toán và tăng 9,41% so với cùng kỳ. Trong số đó, thu nội địa ước thực hiện 89.527 tỷ đồng, đạt 33,15% dự toán, tăng 10,42% so với cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước thực hiện 31.500 tỷ đồng, đạt 27,04% dự toán, tăng 6,65% so với cùng kỳ.
Kết quả trên được xem là khởi đầu tốt đẹp của Tp. Hồ Chí Minh trong hoạt động thu ngân sách năm 2022, thể hiện kế hoạch, định hướng phục hồi kinh tế của thành phố đã đạt hiệu ứng tích cực, song tình hình thu ngân sách vẫn chưa thực sự bền vững.
Mặc dù tổng thu ngân sách trên địa bàn thành phố trong quý 1/2022 tăng 9,4% so với cùng kỳ nhưng phần thu ngân sách liên quan đến thuế sản phẩm lại tăng khá thấp. Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 0,33% so với cùng kỳ, chỉ đóng góp 2,2% vào tốc độ tăng GRDP thành phố. Ngân sách thành phố trong quý 1 tăng chủ yếu vẫn là nhờ khoản thu từ bất động sản và giá dầu thô tăng mạnh.
Chẳng hạn, trong 2 tháng đầu năm, ngân sách thành phố ghi nhận một số khoản thu phát sinh thu đột biến từ tiền sử dụng đất đạt 8.884 tỷ đồng, tăng hơn 300% so với cùng kỳ năm ngoái, do các công ty thực hiện nộp tiền sử dụng đất 1 lần ngay từ đầu năm. Hay khoản thu ngân sách khác ghi nhận hơn 915 tỷ đồng, tăng hơn 100% so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ phát sinh khoản thu đặt cọc 658 tỷ đồng trong cuộc đấu giá 4 lô đất ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Tp.Thủ Đức).
Trong khi đó, số thu từ hoạt động kinh tế lại ghi nhận giảm đáng kể ở một số khu vực. Cụ thể, thu từ khu vực ngoài nhà nước trên địa bàn ước thực hiện 23.295 tỷ đồng trong quý 1, đạt 34,6% dự toán, song đã giảm 10,3% so với cùng kỳ. Tương tự, thu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ước thực hiện 18.703 tỷ đồng, đạt 34,6% dự toán, cũng giảm tới 6,2%...
Theo bà Phạm Thị Hồng Hà, Giám đốc Sở Tài chính Tp. Hồ Chí Minh, trong quý 1, số thu từ khu vực kinh tế dù đã đạt 31,09% dự toán đề ra, nhưng lại giảm tới 5,49% so với cùng kỳ. Điều này đã đặt ra nhiệm vụ quan trọng cho ngành tài chính cũng như thành phố trong việc phải tập trung tăng cường các giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân, cải thiện môi trường đầu tư… Qua đó, tạo điều kiện cho các khu vực kinh tế của thành phố có thể tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong các quý còn lại.
Ngoài ra, một loạt chính sách mà Quốc hội và Chính phủ mới ban hành nhằm giảm thuế, lệ phí… hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sẽ tác động không nhỏ đến số thu ngân sách. Ông Lê Duy Minh, Cục trưởng Cục Thuế Tp. Hồ Chí Minh cho biết, số thu nội địa trên địa bàn có thể bị ảnh hưởng đáng kể, do một số chính sách tài khóa lớn hỗ trợ cho nền kinh tế phục hồi mới có hiệu lực.
Cụ thể, Nghị định 15/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết 43/2022/QH15; trong đó có hướng dẫn giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống 8% có hiệu lực từ đầu tháng 2/2022. Chính sách này có thể khiến thu ngân sách thành phố từ nay đến cuối năm giảm từ 8.000-10.000 tỷ đồng, bình quân giảm trên dưới 1.000 tỷ đồng/tháng.
Bên cạnh đó, kể từ đầu tháng 4/2022, thuế bảo vệ môi trường giảm còn 2.000 đồng/lít xăng; hay thuế thu nhập cá nhân dự kiến sẽ được điều chỉnh giảm thêm… cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động thu ngân sách trong thời gian tới.
Đối với hoạt động thu từ xuất nhập khẩu, trong năm 2022 hàng ngàn dòng thuế sẽ tiếp tục được điều chỉnh giảm về 0% theo lộ trình đã cam kết tại các Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam tham gia, ký kết. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến số thu ngân sách trong thời gian tới. Thực tế, trong năm 2022, trung ương giao thành phố thu từ hoạt động xuất nhập khẩu chỉ 116.500 tỷ đồng, giảm nhẹ so với con số thực hiện trong năm 2021 là 117.600 tỷ đồng.
Với những tác động trên, lãnh đạo ngành tài chính thành phố nhận định, nếu không bù đắp được bằng kết quả tăng trưởng kinh tế đủ mạnh mẽ sẽ ảnh hưởng ngay đến số thu ngân sách và kế hoạch chi của thành phố trong năm nay. Do đó, các hoạt động hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh vẫn là nhiệm vụ trọng tâm của ngành tài chính và Tp. Hồ Chí Minh trong thời gian tới. Ngoài ra, để đảm bảo số thu được giao trong năm 2022, ngành tài chính thành phố đề xuất, trước mắt có thể tập trung khai thác, sử dụng các nguồn lực hiện hữu thành phố đang có, mà cụ thể là nguồn lực đất đai.
Theo bà Phạm Thị Hồng Hà, Giám đốc Sở Tài chính Tp. Hồ Chí Minh, hiện thành phố còn rất nhiều dự án, địa chỉ nhà đất đã có quyết định giao đất nhưng chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính; hoặc có địa chỉ nhà đất đã giao sử dụng nhưng chưa có các ký kết hợp đồng thuê đất... Đây là nguồn lực hiện hữu trong tay mà chưa được khai thác hết. Trong thời gian tới, thành phố cần tập trung giải quyết tháo gỡ các điểm mấu chốt này, nguồn thu về đất có thể phát sinh ngay trong năm 2022, đáp ứng nhiệm vụ chi của thành phố.
Bên cạnh đó, thành phố cũng cần tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tồn tại lâu cho các dự án đầu tư trên địa bàn, để các chủ đầu tư có thể đưa địa chỉ nhà đất vào sử dụng, tránh tình trạng xuống cấp; đồng thời cải thiện môi trường đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hành chính… Qua đó, sẽ kích thích tăng trưởng GRDP của thành phố, giúp làm tăng số thu ngân sách bền vững.
Ngành tài chính thành phố cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với các sở ngành liên quan trong việc rà soát, đẩy mạnh phát huy nguồn lực tài sản nhà đất công trên địa bàn, tiếp tục theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách, đánh giá, phân tích cụ thể từng địa bàn, khu vực thu, sắc thuế để có phương án chỉ đạo, điều hành.
Đặc biệt, ngành tài chính thành phố sẽ thực hiện các giải pháp chống thất thu thuế, đẩy mạnh chống chuyển giá, trốn thuế, tập trung chống thất thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử và chuyển nhượng bất động sản… Với các giải pháp trên, ngành tài chính thành phố kỳ vọng sẽ mang lại nguồn thu đáng kể cho ngân sách thành phố trong năm 2022