Trưa 7/7, kênh TikTok Hằng Du Mục cùng KOL Quang Linh Vlog livestream bán sầu riêng kết hợp với một đơn vị có tên FoodMap. Sau 30 phút livestream, 20 tấn sầu riêng đã được bán hết.
Sau buổi bán hàng trên TikTok, truyền thông FoodMap chia sẻ để có được phiên livestream cùng Hằng Du Mục và Quang Linh Vlog, đội ngũ đã có 30 ngày làm việc cùng hàng trăm cộng sự. Ngay từ đầu tháng 6, FoodMap đã khảo sát và tuyển chọn từ hơn 50 vườn sầu riêng tại Việt Nam.
Ngoài ra, phiên live còn được hỗ trợ bởi Viettel Post ở hai địa điểm Hà Nội và TP HCM để có thể giao hàng nhanh nhất tới người mua. Câu chuyện trên là một ví dụ cho thấy tiềm năng của thương mại điện tử trong việc phân phối và tìm đầu ra cho nông sản Việt.
Về phía FoodMap, doanh nghiệp này có tên đăng ký kinh doanh là công ty TNHH Công nghệ và Thương mại UFO. Công ty định vị là một doanh nghiệp công nghệ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam có nền tảng thương mại điện tử về nông sản chuyên kết nối nông dân, nhà sản xuất với người tiêu dùng.
Được thành lập bởi ông Phạm Ngọc Anh Tùng vào năm 2018, FoodMap là nơi kết nối nông dân, nhà sản xuất thực phẩm với các cá nhân hoặc chủ doanh nghiệp. Sàn điện tử nông sản này cũng có năm nhãn hiệu riêng, bao gồm các nhãn hiệu cho trà, cà phê, trái cây, socola và hải sản.
Công ty hoạt động từ hai nhà kho tại TP HCM và đã hợp tác với hơn 300 nông dân cùng nhà sản xuất. FoodMap kết hợp giữa khả năng tự giao hàng của đơn vị cũng như dịch vụ hậu cần của bên thứ ba để vận chuyển sản phẩm đi khắp nơi.
Trong một tuyên bố, FoodMap cho biết họ có tỷ lệ giữ chân khách hàng là 60% và hầu hết chuyến giao hàng đều được hoàn thành trong vòng 24 giờ. Gần đây, phía FoodMap đã khởi động một chương trình liên kết để tăng phân khúc B2C của mình, đồng thời có kế hoạch tiếp cận các cửa hàng thương mại hiện đại để tăng cường độ phủ B2B.
Founder Phạm Ngọc Anh Tùng từng theo học chuyên ngành điện tử - tự động hóa tại Đại học Bách Khoa TP HCM. Một thời gian sau khi rời ghế nhà trường, Tùng từng làm Giám đốc tại Cầu Đất Farm, một công ty cũng trong lĩnh vực nông nghiệp trong thời gian khoảng ba năm.
Tháng 6 năm ngoái, FoodMap gọi vốn thành công 1 triệu USD trong một vòng gọi vốn bắc cầu (bridge round), theo thông tin từ DealStreetAsia. Nguồn vốn này giúp FoodMap mở rộng sang các thị trường mới.
Theo dữ liệu từ CrunchBase, chuyên trang theo dõi thông tin của các startup, tính đến trước vòng gọi vốn mới nhất, FoodMap đã nhận được tổng cộng 3,5 triệu USD vốn đầu tư từ các nhà đầu tư.
Cụ thể, vào đầu năm 2022, FoodMap đã huy động được 3 triệu USD trong vòng gọi vốn pre-series A do Vulpes Ventures và Beenext đồng dẫn đầu. Bên cạnh đó, vòng gọi vốn này còn có sự tham gia của Ascend Vietnam Ventures và Wavemaker Partners, theo Tech in Asia.
Trước đó, vào năm 2020, FoodMap cũng đã nhận được 500.000 USD vốn đầu tư từ quỹ Wavemaker Partners. Wavemaker Partners là một quỹ đầu tư có trụ sở tại Los Angeles, Mỹ. Quỹ được thành lập vào năm 2003 và việc đầu tư vào FoodMap cũng đánh dấu lần đầu tiên Wavemaker Partners đầu tư vào thị trường Việt Nam.
Trong cùng năm, startup này đã mở cửa hàng trải nghiệm đầu tiên tại TP HCM. Việc mở cửa hàng trải nghiệm này đã đánh dấu FoodMap mở rộng sang mô hình kinh doanh mới. Trước đây, người dùng FoodMap vốn chỉ có thể mua hàng online trên nền tảng của công ty cung cấp.