Khởi nghiệp

CEO Vintech City: Ngoài hỗ trợ 10 tỷ đồng/dự án, quỹ Vintech Fund sẽ tạo cơ hội để đưa một sản phẩm khoa học công nghệ ra được ngoài thị trường

Đó là chia sẻ của bà Trương Lý Hoàng Phi, Tổng giám đốc Vintech City (thuộc Vingroup) tại sự kiện công bố chương trình tài trợ nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp công nghệ diễn ra tại trường ĐH Công nghệ Tp.HCM mới đây. 

Từ giai đoạn nghiên cứu sản phẩm đến giai đoạn ra được thị trường là chặng đường khá nguy hiểm

Theo CEO Vintech City, bài toán khởi nghiệp lớn nhất hiện nay là các sản phẩm nghiên cứu và khả năng ra được thị trường của các sản phẩm này.

Thực tế, có rất nhiều công trình nghiên cứu khoa học tại các trường học hay các sản phẩm của công ty startup nhưng chẳng bao giờ đến tay được người dùng.

CEO Vintech City: Ngoài hỗ trợ 10 tỷ đồng/dự án, quỹ Vintech Fund sẽ tạo cơ hội để đưa một sản phẩm khoa học công nghệ ra được ngoài thị trường - Ảnh 1.

Theo bà Phi, hệ sinh thái của Vintech City ngoài việc hỗ trợ về tài chính thì còn giúp sản phẩm khởi nghiệp công nghệ ra được thị trường, đến tay được người dùng. Ảnh: P.N

Trong khởi nghiệp thường có yếu tố giai đoạn, hay còn gọi là thung lũng của những cái chết. Từ giai đoạn nghiên cứu cơ bản đến giai đoạn được thị trường chấp nhận sản phẩm đó là chặng đường khá nguy hiểm. Hầu hết ở giai đoạn này, mọi người đều cần có yếu tố đồng hành để giảm bớt tỉ lệ rủi ro trong khúc nguy hiểm.

Do đó, theo bà Phi, Vintech Fund của Vingroup được hình thành với mục tiêu tài trợ và hỗ trợ nguồn lực để thực hiện hóa các sản phẩm khoa học công nghệ có tính ứng dụng cao vào thực tế thị trường.


Hệ sinh thái bổ trợ để giúp sản phẩm ra được thị trường

Theo bà Phi, mục tiêu của Vintech City ngay từ đầu là trở thành hệ sinh thái hỗ trợ toàn diện cho các công ty khởi nghiệp. Để hỗ trợ toàn diện thì quỹ này hướng đến mô hình Silicon Valley. “Tuy nhiên, cả thế giới đều hướng về mô hình Silicon Valley nhưng có được bao nhiêu mô hình thành công như Silicon Valley. Điều đó có nghĩa là chúng ta có rất nhiều yếu tố để thành công sau đó, không chỉ có thể lấy một mô hình nào đó để áp dụng vào Việt Nam”, CEO Vintech City nhấn mạnh.

Bà Phi cho rằng, mỗi thị trường có mức độ phát triển khác nhau, trình độ công nghệ và khả năng hiểu ứng dụng là khác nhau, yếu tố văn hóa khác nhau. Tuy nhiên, tựu trung lại một trong những ẩn số đằng sau của những thành công của rất nhiều khu công nghệ, sản phẩm công nghệ hay thậm chí các sản phẩm thành công như Silicon Valley đến từ 3 yếu tố chính.

Thứ nhất, con người là một trong những nền tảng chính để tạo ra sản phẩm, hiểu và sử dụng sản phẩm.

Thứ hai, lợi thế cạnh tranh thị trường toàn cầu: Những người tài ngồi lại với nhau tạo nên sản phẩm có giá trị gia tăng và lợi thế cạnh tranh cao. Chính lợi thế cạnh tranh này đem sản phẩm đến nhiều người dùng. Không chỉ giới hạn một người hay nhóm người mà là thị trường toàn cầu.

Thứ ba, hệ sinh thái bổ trợ. Khi chúng ta có người tài năng, có những sản phẩm nhiều lợi thế cạnh tranh thì chúng ta cần một đầu ra tốt. Do đó, hệ sinh thái có thể hỗ trợ ý tưởng, sản phẩm, thông tin, tài chính, và đặc biệt là giúp các sản phẩm ra được thị trường.

CEO Vintech City: Ngoài hỗ trợ 10 tỷ đồng/dự án, quỹ Vintech Fund sẽ tạo cơ hội để đưa một sản phẩm khoa học công nghệ ra được ngoài thị trường - Ảnh 2.

CEO Vintech City cho rằng, để tạo nên hệ sinh thái thì cần sự đóng góp từ nhiều phía, trong đó có các nhà nghiên cứu khoa học, các trường ĐH đào tạo về công nghệ, sinh viên các trường ... Còn Còn Vingroup sẽ quyết tâm hành động với hệ sinh thái. Ảnh: P.N

“Ngoài việc hỗ trợ tài chính 10 tỷ đồng/dự án trong năm 2019, Vintech Fund còn bổ trợ sản phẩm khoa học và công nghệ từ giai đoạn nghiên cứu ra thị trường thông qua hệ sinh thái các hoạt động hỗ trợ như cơ hội hợp tác với cộng đồng doanh nghiệp, người tiêu dùng… trong và sau quá trình nhận hỗ trợ từ quỹ”, bà Phi cho hay.

Tuy nhiên, theo bà Phi, chúng ta hay nhắc đến cụm từ “hệ sinh thái” nhưng hệ sinh thái không phải 1 ngày 1 bữa là hình thành được mà cần sự đóng góp của rất nhiều người.

“Tôi thường hay nói, bóng đá Việt Nam cũng mất nhiều năm để có một đội ngũ tạo niềm tự hào cho Việt Nam. Công nghệ Việt Nam cũng vậy. Để có sản phẩm công nghệ “made in Viet Nam” thì cần mỗi người đóng góp một chút để tạo nên hệ sinh thái lớn”, CEO Vintech City chia sẻ.

Theo bà Phi, những định hướng đầu tiên của quỹ này là tạo chất xúc tác, tạo nên khung chương trình cơ bản cần thiết đẩy mạnh câu lạc bộ sinh viên công nghệ khởi nghiệp. Vấn đề cốt lõi là tập trung vào việc khởi nghiệp công nghệ thành công, đóng góp lớn nhất cho quá trình nguồn nhân lực công nghệ. Trước tiên, sinh viên làm quen với môi trường, tạo nên những sản phẩm có giá trị gia tăng, có khả năng đi ra thị trường. Còn đối với nhà trường thì đóng góp vào quá trình vận hành, chặng đường giúp sinh viên nuôi dưỡng được đam mê của mình. Vingroup sẽ quyết tâm hành động với hệ sinh thái, đánh giá sản phẩm, mức độ của thị trường ngay khi sản phẩm còn ở trong phạm vi nhà trường.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm