Nguy cơ suy giảm cầu tại các thị trường trọng điểm, nhu cầu từ nội địa không khả quan, chi phí xăng dầu ở mức cao, tái diễn tình trạng thừa tải và suy giảm doanh thu bình quân là những nguyên nhân khiến các hãng hàng không tiếp tục khó khăn trong năm 2023. Do đó, không ít hãng hàng không phải cắt giảm đội bay để tái cơ cấu.
Năm 2023, Bamboo Airways tái cơ cấu toàn diện bằng việc giảm số tàu bay từ 30 xuống 9 chiếc, cắt giảm cả số chuyến bay và nhân sự để tiết giảm chi phí tối đa. Hiện hãng hàng không này khai thác 16 đường bay nội địa và bay thuê chuyến quốc tế với đội bay gồm 9 chiếc.
Hãng đã trả lại 21 máy bay, trong đó có 3 chiếc Boeing 787, để lại đội bay còn 9 máy bay do Airbus và Embraer sản xuất, ông Lương Hoài Nam, Tổng Giám đốc Bamboo Airways thông tin.
Việc Bamboo Airways giảm tới 2/3 đội bay được đánh giá lại là cơ hội cho các hãng hàng không khác gia tăng thị phần.
Chia sẻ tại Đại hội cổ đông 2023 của Vietnam Airlines, ông Lê Hồng Hà, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cho biết đối với động thái cắt giảm đội bay của Bamboo Airways, trong giai đoạn vừa qua, Vietnam Airlines đã chủ động điều chỉnh, bổ sung thêm các đường bay quốc tế cũng như đường bay quốc nội.
"Đây là cơ hội cho Vietnam Airlines để lấy lại thị phần trên thị trường, đem lại hiệu quả trong thời gian vừa qua", ông Hà nói.
Ông Đặng Ngọc Hoà, Chủ tịch Vietnam Airlines cho biết thị phần của hãng tăng 3 điểm % trong năm 2023.
Bên cạnh đó, việc có hãng hàng không khác giảm quy mô cũng là cơ hội cho Vietnam Airlines tìm kiếm những nhân sự chất lượng cao đáp ứng cho yêu cầu của hãng. Nguồn lực chất lượng cao từ Bamboo Airways được đánh giá là đúng vị trí mà Vietnam Airlines đang cần.
Tuy nhiên, ông Hòa cũng đánh giá ngành vận tải hàng không nội địa năm nay vẫn rất khó khăn. Thị trường nội địa chưa quay trở lại như năm 2019. Trong quý I và quý II, hàng không nội địa tăng trưởng tốt so với các tháng đầu năm 2019 song đến quý III/2023, người dân có xu hướng tiết kiệm.
Vì vậy, nửa sau năm 2023, hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn do cao điểm hè thấp hơn kỳ vọng. Cùng với đó là nguy cơ suy giảm cầu tại các thị trường trọng điểm, tái diễn tình trạng thừa tải và suy giảm doanh thu bình quân, các yếu tố đầu vào diễn biến bất lợi và khó lường, rủi ro tài chính rất lớn.
Tuy không giảm đội bay như Bamboo Airways nhưng Vietnam Airlines cũng phải bán bớt máy bay để cơ cấu lại tài sản. Năm qua, hãng tiếp tục bán đấu giá thành công 3 tàu A321 CEO (VN-A350/351/352). Đến thời điểm hiện tại, Vietnam Airlines còn lại 6 tàu A321 CEO sản xuất 2007 - 2008 và sẽ tiếp tục xem xét phương án bán và thuê lại trong năm 2024.
Với đội bay Vietnam Airlines đã triển khai bán 6 tàu ATR72-500 lần 1 trong 2021 để thay thế bằng đội bay phản lực nhưng không thành công. Nguyên nhân là thị trường tàu bay chưa thuận lợi trong giai đoạn COVID-19 và nhu cầu khai thác thay đổi trên cơ sở kế hoạch nâng cấp các sân bay Côn Đảo và Điện Biên. Vietnam Airlines sẽ triển khai thủ tục bán lần 2 đối với các tàu bay này trong 2023 và 2024.
Theo kế hoạch, số tiền Vietnam Airlines thu được từ việc bán và cho thuê lại tàu bay là khoảng 1.800 tỷ đồng, chưa bao gồm việc bán và cho thuê lại với 2 máy bay A321 P2F. Tuy nhiên, cả năm 2023, hãng hàng không vẫn ước tính lỗ riêng lẻ khoảng 5.350 tỷ đồng và lỗ hợp nhất lỗ 6.082 tỷ đồng. Doanh thu thuần năm 2023 dự kiến tăng gần 28% so với năm ngoái lên 91.810 tỷ đồng.