Tại diễn đàn Shark Tank Forum 5, ông Đô Bùi, thành viên sáng lập và giám đốc điều hành quỹ đầu tư ThinkZone Ventures đã đưa ra nhiều lời khuyên trong quá trình gọi vốn dựa trên kinh nghiệm làm việc với startup. Theo ông Đô Bùi, startup không nên mất thời gian vào việc tiếp cận các quỹ đầu tư và cần phải có một chiến lược nghiêm túc, được chuẩn bị rõ ràng.
Chuẩn bị kỹ trước khi gọi vốn
Ông Đô cho biết có rất nhiều startup Việt mất cả năm trời để đi gọi vốn, kể từ lúc đi gọi vốn đến lúc dòng tiền được rót vào, điều này sẽ khiến startup bị tiêu tốn thời gian, không thể tập trung vào phát triển dự án khởi nghiệp của mình.
“Với các quỹ đầu tư chuyên nghiệp như chúng tôi thì quá trình thẩm định khó khăn hơn rất nhiều. Khi một founder không biết cách làm việc với nhà đầu tư, họ sẽ mất nhiều thời gian để gọi được vốn. Trong khi một vòng gọi vốn tốt chỉ thường diễn ra chỉ trong ba tháng, từ lúc bắt đầu đến kết thúc”, ông Đô Bùi chia sẻ.
Theo CEO ThinkZone Ventures, để đạt được một vòng gọi vốn tốt, founder cần phải chuẩn bị thật kỹ lưỡng, từ việc cần chính xác số vốn mà startup muốn gọi, bao nhiêu tiền để đuy trì đến những bộ dữ liệu gồm con số chi tiết, các bộ Q&A giải đáp thắc mắc của nhà đầu tư ngay lập tức.
“Các bạn nên hiểu rằng để hoàn thành một vòng gọi vốn rất mất thời gian và có khi phải gặp tới hàng trăm nhà đầu tư. Nếu gặp ai mà bạn cũng chỉ đi phục vụ, giải đáp thắc mắc của họ như vậy thì có khi dự án khởi nghiệp sẽ sập trước khi gọi được vốn”, ông Đô Bùi khuyến cáo.
Công thức gọi vốn "xôi thịt"
Với sự đa dạng của các phương thức gọi vốn, đại diện quỹ đầu tư mạo hiểm thuần Việt này cho rằng founder nên có một chiến lược rõ ràng, lịch trình gọi vốn cụ thể. Ông Đô Bùi cũng gợi ý một công thức “xôi thịt” mà ông được biết thông qua một quỹ đầu tư ở Thụy Sĩ.
Theo đó, quỹ này đã training cho các dự án khởi nghiệp thuộc danh mục phải lên danh sách quỹ đầu tư tiềm năng và dành từng tuần để gặp 10 quỹ thuộc top ưu tiên. Sau khi gặp các quỹ, startup cần phải theo dõi những cái tên có hứng thú với mô hình kinh doanh của mình.
“Quá trình gọi vốn không chỉ nhận tiền là xong, nó kéo dài qua nhiều khâu, liên quan đến các thủ tục về pháp lý, dòng tiền và đôi lúc liên quan tới cấu trúc cổ phần. Đa phần các startup Việt đều thành lập ở Singapore và 90% dòng vốn đầu tư mạo hiểm đến từ nước ngoài, họ không có sẵn pháp nhân ở Việt Nam nên việc tái cấu trúc doanh nghiệp cũng mất rất nhiều thời gian. Nếu startup không sẵn sàng cho những khâu đấy thì các bạn hãy xác định rằng vòng gọi vốn của mình sẽ không diễn ra một cách nhanh chóng”, ông Đô Bùi nói.
CEO ThinkZone nói rằng startup không chỉ gọi vốn một lần, quá trình này thường kéo dài qua nhiều vòng để gọi về những số tiền lớn. Bên cạnh đó, các nhà sáng lập Việt Nam lại có tham vọng rất lớn với mô hình kinh doanh của mình, có thể thống lĩnh thị trường hay xa hơn là vươn tầm thế giới.
Điều này cần nguồn vốn lớn nhưng founder lại thường muốn kiểm soát dự án khởi nghiệp của mình nên họ sẽ thường chia nhỏ các vòng ra để gọi vốn. Với giai đoạn đầu, startup chưa cần phải gọi số tiền lên tới vài triệu hay chục triệu USD, vì thực tế họ còn nhiều việc phải làm với dự án khởi nghiệp non trẻ, ví dụ như đo lường thị trường, điều chỉnh mô hình kinh doanh. Do đó, CEO ThinkZone Ventures cho rằng tùy vào từng giai đoạn, startup sẽ gọi vốn với quy mô khác nhau và ở từng thời điểm khác nhau.
Chi phí cơ hội
Đồng quan điểm với ông Đô Bùi, bà Khuất Kiều Trang, đại diện quỹ đầu tư KK Fund Việt Nam cho rằng startup nên tìm hiểu kỹ quỹ sẽ đầu tư vào mảng nào, khu vực nào. Đồng thời, lên danh sách trước khi quyết định tìm tới gọi vốn, tránh trường hợp không tìm được nhà đầu tư phù hợp mà lại mất thời gian làm việc. Việc này cũng giúp startup tránh để lại ấn tượng xấu cho nhà đầu tư.
"Ví dụ với KK Fund Việt Nam, chúng tôi chọn khu vực Đông Nam Á để đầu tư và không chọn những lĩnh vực mất nhiều thời gian để thẩm định hoặc đầu tư như BioTech chẳng hạn. Thật đáng tiếc là có nhiều lần chúng tôi phải chuẩn bị lịch làm việc với startup nhưng đổi lại chỉ là mất thời gian. Tôi cho rằng đấy là một dạng chi phí cơ hội.
Thay vì gặp được những quỹ hay nhà đầu tư thiên thần phù hợp, mang lại những kết nối giá trị hơn thì các founder lại phí thời gian của họ. Chưa kể, đó cũng là một ấn tượng xấu với quỹ đầu tư, rằng nếu bạn không tìm hiểu kỹ như vậy thì sau này bạn sẽ làm việc như thế nào?”, bà Trang chia sẻ.