Tài chính

Vén màn bí mật của FTX: Liệu hôm nay Sam “xoăn” có khai hết hay không?

Cú sập đầy ngỡ ngàng của FTX là một trong những thất bại đáng kinh ngạc nhất của ngành công nghiệp tiền điện tử. Sam Bankman-Fried từ một tỷ phú “thiên tài”, “ngôi sao sáng” của làng tiền số nay lại trở thành kẻ tội đồ chỉ sau một đêm.

Ngày qua ngày, các thông tin về FTX bị “rò rỉ” từng chút một nhưng chưa đủ để giải đáp toàn bộ bí ẩn đằng sau. Mặc dù một số thành viên của cộng đồng tiền số cảm thấy rất bất mãn khi Sam vẫn được tự do thay vì bị giam giữ sau hàng loạt tổn thất mà vị tỷ phú này gây ra. Nhưng nhiều người vẫn hi vọng anh có thể xuất hiện tại hội nghị để đưa ra câu trả lời cho tất cả.

Dưới đây là những bí ẩn trong chiếc hộp Pandora của FTX.

Bằng cách nào mà FTX “bốc hơi” tới tận 8 tỷ USD

Vén màn bí mật của FTX: Liệu hôm nay Sam “xoăn” có khai hết hay không? - Ảnh 1.

Ảnh: REUTERS

Khi phát hiện “lỗ hổng” 8 tỷ USD (hơn 197 nghìn tỷ đồng), Bankman-Fried đã đưa ra nhiều lời giải thích phức tạp về những gì đã xảy ra. Cuối cùng anh lại đổ mọi tội lỗi cho thông tin nội bộ bị phát tán.

Nếu đến phỏng vấn trực tiếp tại buổi nói chuyện với DealBook, có lẽ Sam sẽ phải cung cấp rõ ràng hơn về những điều thực sự đã diễn ra.

Theo hồ sơ tòa án đã cung cấp, FTX là một công ty “rắc rối”. Sự quản lý của công ty này đầy rẫy sai phạm, có tình trạng trục lợi cá nhân và không hề có hệ thống giám sát minh bạch đối với nguồn tiền của khách hàng. Có dữ liệu cho thấy, hội đồng quản trị của FTX đều là những người quen thân thiết của Sam. Vậy quy mô điều hành “gia đình” thiếu chuyên nghiệp này đã giữ vai trò gì trong việc làm thất thoát 8 tỷ USD?

Theo ông John J.Ray - tân giám đốc điều hành của sàn giao dịch FTX, sự quản lý và kiểm soát tình hình công ty dưới thời Sam quả thực thất bại hoàn toàn.

Với những thành tích “gian dối” của mình có lẽ chưa chắc Sam sẽ thực sự đưa ra những câu trả lời thỏa đáng tại buổi trò chuyện với The New York Times.

FTX và Alameda Research thực sự đã lạm dụng tiền của khách hàng? Do một người, cả hai hay còn ẩn chứa ai khác?

Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC) cùng Ủy ban giao dịch hàng hóa tương lai (CFTC) đã và đang điều tra việc FTX có thể đã sử dụng tiền của khách hàng một cách trái phép. Có báo cáo cho rằng sàn giao dịch này đã cho Alameda Research, công ty do Bankman-Fried đồng sáng lập vay tiền của khách hàng.

Hai công ty có mối quan hệ mật thiết. FTX cũng nhận được một số tiền gửi của khách thông qua tài khoản của công ty Alameda.

Vậy nếu sự biển thủ là thật, thì tiền đó được sử dụng cho mục đích gì? Nhiều câu trả lời đã được nêu ra. Có nghi vấn cho rằng tiền đó dùng để trả các khoản nợ của Alameda hoặc đầu tư mạo hiểm. Cũng có thể Sam đã “hô biến” tiền biển thủ thành quỹ cứu trợ mà anh dùng để cứu thị trường tiền số vừa rồi. Hoặc thậm chí dùng để mua lại 7,6% cổ phiếu Robinhood.

Theo hồ sơ, Alameda nợ 4,1 tỷ USD với nhiều bên khác nhau và nợ Sam 1 tỷ USD. Vậy có phải do Sam cho Alameda vay số tiền khổng lồ nên mới có lỗ hổng thất thoát và gây ra sự sụp đổ hay không? Tất cả đều do Alameda hay còn nhiều uẩn khúc đằng sau?

Vén màn bí mật của FTX: Liệu hôm nay Sam “xoăn” có khai hết hay không? - Ảnh 2.

Ảnh: Twitter Alameda

Chủ nợ lớn nhất của FTX?

Hiện FTX có khoảng 50 chủ nợ không có bảo đảm (ẩn danh) với số tiền lên tới 3,1 tỷ USD (hơn 76 nghìn tỷ đồng). Không công khai danh tính các đơn vị cho vay này giúp hạn chế ảnh hưởng tới ngành công nghiệp tiền số nói chung cũng như các doanh nghiệp khác nói riêng. Bởi sau cú sập FTX, nhiều nhà đầu tư đã dần mất niềm tin vào ngành và sợ rằng các công ty còn lại có thể bị “chững” thậm chí phá sản.

Một minh chứng là BlockFi - một trong những công ty cho vay tiền số lớn nhất thế giới. Công ty đã tuyên bố phá sản vào ngày 28 tháng này do ảnh hưởng từ FTX.

Số tiền lớn nhất mà FTX nợ các chủ nợ không có bảo đảm lên tới 226 triệu USD (hơn 5 nghìn tỷ đồng). 10 chủ nợ trong số các chủ nợ cho FTX vay “khủng nhất” yêu cầu 100 triệu USD (2,4 nghìn tỷ đồng) bồi thường mỗi bên.

Việc tìm ra chủ nợ hàng đầu của FTX có thể giải đáp hai “bí ẩn lớn”. Thứ nhất đâu là cái tên đầu tư “đồ sộ” đang bị cuốn vào cú sập này. Thứ hai, bên đầu tư đó làm lĩnh vực gì. Liệu FTX phá sản có kéo theo hiệu ứng dây chuyền “sụp đổ” đối với các lĩnh vực khác hay không?

Ai đã âm thầm “cuỗm đi” 662 triệu USD tiền điện tử trong tài khoản của FTX?

Ngay sau khi FTX nộp đơn xin phá sản ngày 11 tháng 11, một loạt các khoản rút tiền bí ẩn đã làm bay biến khoản tiền khổng lồ 662 triệu USD của sàn giao dịch tiền điện tử này.

Mặc dù danh tính tài khoản liên quan đến vụ tấn công đã được xác định nhưng vẫn không ai biết bằng cách nào mà “vụ cướp” này có thể xảy ra. Không lẽ chính sách bảo mật của FTX đã xuống cấp tới mức có thể trộm trót lọt hơn 16 nghìn tỷ đồng như thế. Nhiều suy đoán chỉ ra là do rò rỉ nội bộ, nhân viên hiện tại hoặc nhân viên cũ đều bị nghi ngờ.

Vì vậy, thông qua buổi hội nghị, ai cũng mong Bankman-Fried có thể cung cấp và giải đáp kỹ hơn về điều bí ẩn tột cùng này.

Vậy tương lai nào cho Bankman-Fried?

Sam đã trở thành tội đồ. Cuộc thẩm vấn giữa anh và các cơ quan điều tra, hoặc thậm chí là những thông tin cơ bản như nơi ở, trạng thái tinh thần đều khiến công chúng tò mò. Họ mong rằng thông qua từng chi tiết nhỏ, chiếc hộp Pandora của FTX sẽ dần được sáng tỏ.

Tham khảo: Bloomberg

Cùng chuyên mục

Đọc thêm