Suốt 4 năm nắm quyền ngân hàng lớn thứ 2 tại Nhật Bản, ông Ohta là người tích cực đẩy mạnh hoạt động của định chế tài chính này ra nước ngoài.
Người phát ngôn của ngân hàng cho biết, ông Ohta qua đời hôm 25/11 do căn bệnh ung thư tuyến tụy. Tình trạng sức khỏe của ông Ohta thu hút nhiều sự chú ý khi ông không thể tham dự cuộc họp báo cáo kết quả kinh doanh của doanh nghiệp hồi đầu tháng. Ngân hàng cho biết ông Ohta không khỏe và đây cũng là lần đầu tiên định chế tài chính này thừa nhận có gì đó không ổn với CEO của họ.
Sau khi ông Ohta qua đời, Phó chủ tịch Toru Nakashima được cử đảm trách cương vị CEO tạm thời của Sumitomo Mitsui cho tới khi công ty chọn được người kế nhiệm mới.
Từng đảm trách cương vị quản lý cấp trung ở Singapore, ông Ohta trở thành người ủng hộ mạnh mẽ kế hoạch xây dựng các dịch vụ ngân hàng trọng gói tại các thị trường trọng điểm châu Á của Sumitomo Mitsui. Ông cũng trực tiếp giám sát việc tăng cường đầu tư của ngân hàng vào Jefferies Financial Group Inc. nhằm thúc đẩy hoạt động tại thị trường Mỹ.
Trong các cuộc phỏng vấn trước đây, ông Ohta luôn nhấn mạnh “ngân hàng là một ngành kinh doanh theo GDP”, có nghĩa là vận mệnh của công ty gắn liền với tăng trưởng kinh tế của nước sở tại. Nhằm đạt được mục tiêu đó, Sumitomo Mitsui đã chọn 4 quốc gia hàng đầu châu Á và Indonesia, Ấn Độ, Philippines và Việt Nam, làm thị trường trọng tâm. Ngân hàng đã đầu tư hàng tỷ USD vào khu vực dưới kỷ nguyên của Ohta khi tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản gặp nhiều thách thức.
Từng là cầu thủ đá bóng cho đội tuyển của trường đại học ở Mỹ, ông Ohta nổi tiếng trong ngành ngân hàng vì tính cách thẳng thắn và khiêm tốn. Ông cũng phá vỡ nhiều khuôn mẫu với nhân sự trong ngành ngân hàng, đặc biệt là quy định cho nhân viên mặc đồ thoải mái hơn ở công sở và khuyến khích người lao động trẻ tuổi thành lập các công ty khởi nghiệp trong chính nội bộ doanh nghiệp.
Toyoki Sameshima, nhà phân tích tại Công ty Chứng khoán SBI ở Tokyo, khẳng định những di sản mà ông Ohta để lại sẽ có giá trị lâu dài.
“Ohta là một người thẳng thắn. Chính sách của ông ấy sẽ tiếp tục được triển khai bởi người kế nhiệm”, Sameshima nhận định.
Ông Ohta cũng là một trong những lãnh đạo ngân hàng đầu tiên ở Nhật Bản công khai nhấn mạnh sự cần thiết phải chuẩn bị cho những cơ hội từ kỷ nguyên lãi suất cao. Khi lạm phát bắt đầu gia tăng ở Nhật Bản, cổ phiếu ngân hàng cũng tăng mạnh do kỳ vọng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sẽ bãi bỏ chính sách lãi suất âm kéo dài suốt 7 năm trước đó.
Cổ phiếu Sumitomo Mitsui đã tăng 40% trong năm nay và tăng khoảng 90% kể từ khi Ohta trở thành CEO vào tháng 4 năm 2019. Trong phiên giao dịch sáng 27/11, cổ phiếu tiếp tục tăng 7%, tương đương với mức tăng của các doanh nghiệp cùng ngành.
Tham khảo: Bloomberg