Sự gia tăng đột ngột số trẻ em bị bệnh và một báo cáo cho thấy các loại bệnh về đường hô hấp chưa được xác định đã khiến Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) yêu cầu Bắc Kinh cung cấp thêm thông tin chi tiết nhằm xoa dịu mối lo ngại rằng một chứng bệnh mới – giống như Covid-19 – là nguồn gốc của các đợt bùng phát. Cho đến nay, các quan chức Trung Quốc cho biết nguyên nhân gây ra cúm chỉ đơn giản là những loại virus và vi khuẩn đã biết.
1. Các chuyên gia y tế nói gì?
Theo Bloomberg, trong nhiều tuần qua, các bác sĩ đã cảnh báo rằng một bệnh nhiễm trùng thông thường do vi khuẩn có thể là nguyên nhân gây ra sự gia tăng đột biến các trường hợp viêm phổi tại Trung Quốc. Đáp lại yêu cầu cung cấp thêm dữ liệu của WHO, cơ quan y tế Trung Quốc cho biết sự gia tăng số lượng bệnh nhân ngoại trú và nhập viện là do sự lây lan của các chủng như mycoplasma pneumoniae, RSV, adenovirus và virus cúm.
Điều đáng chú ý là các bác sĩ Trung Quốc nói rằng họ chưa phát hiện bất kỳ mầm bệnh mới nào. Ngược lại, WHO cho biết mặc dù lượng người nhiễm bệnh cao bất thường vào thời điểm này trong năm nhưng việc mắc các bệnh về đường hô hấp vào mùa đông không phải là điều bất thường.
Các bác sĩ khuyên mọi người nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa cơ bản để giảm thiểu rủi ro – đeo khẩu trang, ở nhà khi bị bệnh, rửa tay thường xuyên – và cho biết không cần bất kỳ hạn chế đi lại nào dựa trên tình hình hiện tại.
2. Mycoplasma pneumoniae là gì?
Mycoplasma pneumoniae là loại vi khuẩn thường gây nhiễm trùng nhẹ với các triệu chứng tương tự như cảm lạnh thông thường. Bệnh hiếm khi phải nhập viện nhưng đôi khi cơn ho có thể kéo dài hàng tuần và trẻ nhỏ có hệ thống miễn dịch yếu có nguy cơ mắc bệnh viêm phổi cao hơn. Đó là điều khiến các bậc cha mẹ lo lắng.
Truyền thông địa phương đưa tin một số trung tâm y tế nhi khoa hàng đầu của Trung Quốc đã quá tải trẻ em bị bệnh, một số gia đình phải đợi 7 tiếng đồng hồ mới được gặp bác sĩ. Mạng xã hội Trung Quốc cũng tràn ngập hình ảnh các phòng chờ và hành lang đông đúc, trẻ em được truyền tĩnh mạch.
3. Cần làm gì nếu mắc bệnh hô hấp?
Hầu hết mọi người sẽ tự khỏi bệnh hoặc dùng thuốc không kê đơn để giúp giảm bớt các triệu chứng. Nhưng nếu bệnh nặng hơn, người dân thường sẽ phải dùng một đợt kháng sinh. Điều đó đặc biệt đáng lo ngại vì Trung Quốc là quốc gia có tỷ lệ mắc bệnh viêm phổi do mycoplasma cao nhất thế giới, có khả năng kháng một loại kháng sinh gọi là macrolide.
Yin Yudong, bác sĩ bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Triều Dương Bắc Kinh, trung tâm bệnh hô hấp hàng đầu của quốc gia, cho biết có tới 60% đến 70% trường hợp ở người lớn và tới 80% trường hợp ở trẻ em không thích ứng với Zithromax (một loại thuốc kháng sinh điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn) và các loại thuốc tương tự.
4. Tại sao đợt cúm lại tác động đến Trung Quốc mạnh như vậy?
Bloomberg cho biết chưa tìm ra nguyên nhân tại sao Trung Quốc là quốc gia duy nhất phải đối mặt với đợt bùng phát mycoplasma quy mô lớn, trong khi Mỹ và phần lớn châu Âu phải đối mặt với bệnh cúm và RSV.
Một nghiên cứu cho thấy mycoplasma pneumoniae đã suy giảm mạnh ở Trung Quốc trong gần hai năm nhờ các biện pháp đối phó với Covid. Trong khi các cơ quan y tế Trung Quốc cho biết số ca nhiễm gia tăng sớm hơn bình thường, họ cũng chỉ ra rằng các quốc gia khác cũng đã trải qua những đợt gia tăng bệnh hô hấp tương tự sau khi dỡ bỏ các hạn chế về đại dịch.
5. Dịch bệnh có lan ra nước ngoài không?
Đối với những người dân sinh sống ở ngoài Trung Quốc, các báo cáo về đợt bùng phát bệnh hô hấp đã gợi lại ký ức về những ngày đầu của đại dịch Covid, lần đầu tiên xuất hiện dưới dạng những trường hợp viêm phổi bí ẩn ở thành phố Vũ Hán vào năm 2019 và nguồn gốc của nó chưa bao giờ được xác định rõ ràng. Nhưng không giống như Covid, mycoplasma là một loại vi khuẩn phổ biến, có xu hướng gây ra những đợt bùng phát mới vài năm một lần. Các loại virus khác cũng đang lây lan, đặc biệt là RSV, có nghĩa là có khả năng mùa đông năm nay sẽ là lúc các quốc gia trên thế giới phải đối mặt với nhiều loại mầm bệnh.
Tham khảo Bloomberg