ABBank và Biti’s vừa ký kết hợp tác tạo ra trải nghiệm khách hàng hạnh phúc, một thỏa thuận được những người trong cuộc coi là "chưa từng có tiền lệ" của ngân hàng và doanh nghiệp. Ông Phạm Duy Hiếu - CEO ABBank chia sẻ với độc giả VnExpress về mục đích của dự án này, cũng như làm rõ hơn vai trò của hạnh phúc trong văn hóa kinh doanh hai đơn vị cùng theo đuổi.
- Trong quan hệ kinh doanh, khi người ta nhắc nhiều đến giá trị của các con số, tăng trưởng thì ABBank và Biti's lại nhấn mạnh đến khái niệm trừu tượng hơn là hạnh phúc. Mục đích cụ thể của hợp tác lần này là gì?
- Hạnh phúc nghe thì có vẻ trừu tượng nhưng lại là vấn đề sống còn. Tôi quan sát thấy ở xã hội ngoài kia, tỷ lệ stress, trầm cảm hay các chứng bệnh tinh thần đang ngày càng nghiêm trọng. Nguyên nhân chủ yếu bởi vì không có nhiều người giải được bài toán hạnh phúc.
Con người mải mê đi tìm hạnh phúc ở bên ngoài nhưng quên mất không đi tìm bên trong mình. Theo tôi, nếu nhiều người cố gắng cụ thể hóa nó bằng những thứ hữu hình như một ngôi nhà hay một mức thu nhập... khó hình thành cảm xúc "biết đủ".
Ngân hàng An Bình và Biti’s đã đi đến quyết định hợp tác khi nhận ra chúng tôi có cùng quan điểm: sức mạnh, nguồn vui và năng lượng của mình nằm ở nội tại và do bản thân quyết định. Sự hợp tác này đi thẳng đến mục đích sống, chứ không còn ở lưng chừng giữa những con số hay tiện nghi.
Bản thân tôi đánh giá việc hai bên bắt tay nhau cùng để giải quyết một vấn đề xã hội là điều rất đáng quý. Trên hành trình đó, cán bộ nhân viên của cả hai bên sẽ phải đi tìm cội nguồn hạnh phúc cho chính mình. Đồng nghĩa, mọi người phải tự giúp mình trước, sau đó mới đến người khác. Hợp tác với một doanh nghiệp bên ngoài, như thực chất lại là hành trình học tập, tự rèn luyện cho cán bộ nhân viên của An Bình, Biti's rồi mới lan tỏa đến khách hàng, cộng đồng.
- Theo ông, hạnh phúc liên quan gì đến hiệu quả công việc của đội ngũ nhân sự?
- Khi ở trong trạng thái hạnh phúc, người ta sẽ sẵn lòng học hỏi, sửa sai, vì thế họ tiến bộ không ngừng.
Với tôi, nếu mình cho mọi người cơ hội học tập, rèn luyện, sửa đổi, đặc biệt trên chính cái sai của họ là một ý niệm rất quan trọng của hạnh phúc. Hạnh phúc là biết bao dung, biết đón nhận người khác và chính bản thân mình.
Tôi mong muốn dẫn dắt kinh doanh dựa trên những giá trị hạnh phúc và xây dựng Ngân hàng An Bình trở thành một môi trường làm việc có nhiều năng lượng tích cực, với tần số rung động cao. Giá trị hạnh phúc đã được An Bình theo đuổi nhiều năm qua, nhưng chưa thực sự tìm ra con đường để nó hiện diện trong cuộc sống hàng ngày.
- Làm thế nào để tạo ra một môi trường làm việc hạnh phúc?
- Tôi sẽ mượn khái niệm lượng tử để mô tả rõ hơn về điều này. Khi chúng ta cười với nhau, hạnh phúc của người này bắt đầu lây lan sang người khác. Trong công việc cũng vậy. Nếu người này khích lệ người kia, trao cho họ những cái ôm, góp ý, đón nhận chân thành thì chất lượng công việc sẽ được cải thiện. Khi tất cả nhân viên trong một tổ chức tương tác với nhau theo cách này, có thể kích hoạt để tạo ra năng lượng cao, tôi gọi đó là cấp độ lượng tử.
Những rung động ở cấp độ lượng tử, trên phạm vi nhiều người mới có thể tạo ra đột phá. Nếu chỉ có một vài quản lý hứng khởi, nhưng ở cấp độ nhân viên không hào hứng, sẽ rất khó tạo ra sức mạnh. Sức mạnh chỉ xảy ra khi từng con người trong tổ chức thấm đẫm được tinh thần này.
Tuy nhiên, để tạo ra được một môi trường làm việc có tần số rung động cao như vậy là quá trình, ở đó phải có một nhóm tiên phong và tạo cơ chế để họ lan tỏa đến những người khác.
Giống như cách Biti’s đã làm. Lúc đầu CEO Vưu Lệ Quyên là khởi xướng, rồi có một nhóm được truyền cảm hứng. Thực tế, khi nhóm này càng hạnh phúc, hiệu quả làm việc của họ càng ngày càng cao. Dần dần, sự tích cực được lan tỏa ra khắp nơi trong nội bộ 8.000 nhân sự của Biti’s.
ABBank cũng có thể làm điều tương tự. Tôi tin rằng, nếu như 4.000 con người sẽ tạo ra một nguồn năng lượng vô cùng tích cực.
Khi không có năng lượng, điều gì cũng có thể biến thành trở ngại, từ người sếp, đồng nghiệp cho đến quy trình, sản phẩm... Nhưng khi tần số rung động cao, mọi thứ sẽ trở nên dễ dàng hơn.
- Quá trình nhận thức và chuyển hóa hạnh phúc trong môi trường làm việc sẽ mất bao lâu?
- Nếu muốn chuyển giao tri thức cho người khác, có thể bạn phải mất nhiều năm Nhưng chuyển giao nụ cười, chúng ta có thể thực hiện trong nháy mắt.
Chính tôi đã thử nghiệm điều này. Trước đây, nếu muốn tăng trưởng con số kinh doanh khi nhận nhiệm vụ mới, tôi cần ít nhất ba tháng. Nhưng với lần nhận chức này tại ABBank, để làm điều tương tự tôi chỉ cần hơn 2 tuần.
Bởi tôi phát hiện ra nụ cười không có biên giới nên khi mọi người có thành tích tốt, tôi cười bắt tay và chúc mừng họ. Khi mọi người chưa làm tốt, tôi càng cười và bắt tay mọi người nhiều hơn. Bởi đó là lúc, họ cần động viên bởi người lãnh đạo.
Ngược lại, tôi chỉ yêu cầu họ một việc thôi. Nếu thấy bản thân làm chưa tốt hãy tự đặt câu hỏi xem cái gì cần làm nhiều hơn, cái gì cần làm ít đi, cái gì đừng làm nữa và cái gì cần thử nghiệm mới xem sao. Nếu mọi người điều chỉnh mình đúng như vậy, kết quả sẽ thay đổi.
- Hạnh phúc là cảm xúc bản năng hay kỹ năng có thể học hỏi?
- Theo tôi, hạnh phúc là cảm xúc, nhưng cũng kỹ năng có thể học được. Nhiệm vụ của mỗi người là nâng cao năng lực, sẵn sàng làm điều mới, và vượt qua vấn đề mình phải đối mặt.
Hiện nay nhiều xung đột giữa các ABBankers được giải quyết bằng cách lắng nghe, không cần giải thích. Sự giao tiếp và kết nối, lắng nghe và thấu hiểu nhau là cực kỳ cần thiết. Đây là tiền đề của hạnh phúc.
- Trong khi thị trường nói đến công nghệ và những thành công trong chuyển đổi số, ABBank lại tìm đến hạnh phúc. Lối rẽ mang đến khác biệt gì cho ABBank?
- Dù yêu thích công nghệ, tôi phải thừa nhận, công nghệ có cái hay nhưng cũng có cái dở. Do đó, tôi không cho rằng câu chuyện lan tỏa hạnh phúc của ABBank và Biti’s là triết lý mộng mơ. Nó là sự bổ sung cho xu hướng của xã hội hiện đại, khi công nghệ dường như đã bộc lộ một số những mặt trái.
Chúng tôi chỉ đang cùng hợp lực để nói về trải nghiệm hạnh phúc vào đúng thời điểm cần thiết, khẳng định hạnh phúc là thứ có thể học được. Chúng tôi mong muốn lan tỏa giá trị này đến cộng đồng.