Một ngày tháng 8, giữa lịch trình công tác dày đặc ở Đà Nẵng, ông Trương Gia Bình vẫn bảo tài xế rẽ sang Trần Quốc Vượng, quận Ngũ Hành Sơn - con đường dẫn đến trường Hy Vọng. Thầy cô báo chú Bình đến thăm, các em nhỏ ùa ra mừng rỡ.
Chủ tịch FPT xoa đầu, vỗ vai từng em, hỏi: "con khỏe không", "robot thế nào rồi". Ông chăm chú lắng nghe, thi thoảng phá lên cười khi từng nhóm kể về các dự án đầu năm học mới, rằng hôm qua được cắt tóc, sách mới đã bọc, đồng phục ủi phẳng lỳ, chiến thắng bạn mình trong cuộc đua xe đạp nên được cắt móng tay hộ.
Giữa chừng câu chuyện, một em giơ tay xin phỏng vấn cho chương trình phát thanh của nhóm: "Thầy đặt hy vọng gì với chúng em?". Không chút do dự, ông Bình nói: "Tôi có niềm tin mạnh mẽ, một trong số các em sau này sẽ ngồi vào ghế Chủ tịch tập đoàn FPT".
Câu hỏi tiếp theo được nêu: "Có phải là phiên bản của thầy Trương Gia Bình hay không?". Chủ tịch FPT 35 năm khẳng định: "Không!".
Tạo cơ hội để ai cũng là điểm sáng
"Không", bởi những bước đi đã qua chưa phải tốt nhất, theo định nghĩa của ông Trương Gia Bình trên chuyến xe rời trường Hy Vọng. Vị doanh nhân xòe bàn tay, nhẩm tính: 15 năm nghiên cứu, 35 năm làm kinh doanh, cộng dồn lại hơn nửa đời người. Từ một nhà khoa học rẽ sang con đường kinh doanh, 35 năm trước cầm giấy phép thành lập công ty nhưng không một đồng vốn, không tài sản... vừa "chạy" vừa lẫm chẫm dò đường.
"Mọi thứ đều bắt đầu từ số không, kể cả tôi cũng không phải tốt nhất", Chủ tịch FPT nói với giọng trầm.
Nhưng rất nhanh, khuôn mặt ông bừng sáng, nói: "Các em tại trường Hy Vọng sẽ không như thế". Bởi các em có hai điều: một là những trải nghiệm gắn liền với yêu thương cộng đồng, hai là "lò tôi rèn" (trường Hy Vọng), để mỗi học sinh đều có cơ hội trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.
Tròn hai năm kể từ ngày FPT công bố thành lập trường Hy Vọng School, nuôi dạy các trẻ em mồ côi do Covid-19, hơn 200 em đã vào trường. Dự kiến tổng học sinh năm 2023-2024 là 300 em, mỗi em đều đại diện một câu chuyện phi thường về tinh thần của "chiến binh quả cảm".
Khi vào trường, cứ 10 em thì 8 em được chẩn đoán bị sang chấn tâm lý. "Không sang chấn tâm lý sao được", ông Bình ngậm ngùi. Ông nhớ như in câu chuyện của một em nhỏ chứng kiến tận mắt bố mình khóa cửa tự thiêu vì trầm cảm, ngay sau khi mẹ em qua đời vì Covid-19. Ngọn lửa ngày hôm đó đã có thể "nuốt" cả em, nếu em không may mắn trèo được qua cửa sổ để thoát thân.
Thoát khỏi ngọn lửa nhưng nhiều tháng về sau, em không thoát được bóng đen của nỗi tuyệt vọng. Ban ngày chơi cùng bạn, đến đêm ngồi thẫn thờ mắt hướng ra cửa, không dám nhắm mắt ngủ. Nhưng hôm nay, em đã biết nở nụ cười, sẻ chia cùng bạn bè, anh, chị, em, thậm chí xung phong làm cán sự lớp.
"Không có thần dược nào cả. Chỉ là tôi từng sống trong mưa bom bão đạn, thấu hiểu nỗi đau mất mát, cũng hiểu cách giúp các em khép lại vết thương lòng", người đứng đầu FPT nói.
Đó là những vườn rau tự quản, các em tự mình gieo hạt, xới đất, tưới nước, bắt sâu. Mỗi ngày cắt vài mớ cải, bó dền... đặt ở "lán tự nguyện". Nhân viên FPT đi ngang, mỗi người lựa món mình thích cho bữa cơm chiều, đặt lại một khoản tiền bất kỳ. Tận hưởng niềm vui nhỏ tạo ra vật chất giúp các em trân quý công sức lao động, hiểu ý nghĩa của đồng tiền.
Tháng ba mới đây, có em còn đứng trước quan khách Nhật Bản để chỉ huy dàn nhạc. Tay phải cầm đũa baton, tay trái vung vẩy truyền tải cảm xúc. Nốt nhạc cuối cùng ngân lên, ông Bình ở hàng ghế khán giả đầy xúc động cùng tự hào. Bởi từ bé ông đã có ước ao được làm nhạc trưởng như thế, nhưng không phải ai cũng có đầy đủ nhạc cảm, tố chất và sự am hiểu để đứng ở vị trí này. Những thành tích khác như đội robotics của trường mới thành lập đi thi đã đạt giải, có huy chương đồng toàn quốc Vovinam, giải ba môn địa lý toàn thành phố, giải khuyến khích viết truyện tranh tuổi teen...
Thành tích không phải điều ông Bình tự hào nhất. Ông ấm lòng khi nhìn thấy điều kỳ diệu của sự sẻ chia, xuất phát từ những tâm hồn chịu vô vàn thương tổn. Các em, thay vì chờ đợi lòng yêu thương của ai đó, thì chủ động chìa bàn tay, mang lòng yêu thương để cổ vũ những bạn khác. Thấy em học kém, buổi tối anh chị lớn tự tổ chức phụ đạo, dần dần thành tích cải thiện rất nhiều.
Hoặc một em sẵn tật xấu ăn cắp. Các giáo viên ở trường không dọa phạt mà tìm hiểu tại sao em hành động như vậy. Câu trả lời vô cùng bất ngờ: bạn biết ăn cắp là không tốt, nhưng làm vì thấy vui. Nếu chỉ để vui, thầy cô sẽ đem đến cho em những cách thức khác. Đó là giờ ngoại khóa cùng bạn bè, buổi học võ đến mướt mồ hôi, đua xe đạp trên con đường ven biển, tận hưởng hương vị chiến thắng khi sút bóng tung lưới đối thủ... Dần dần, một tuần rồi vài tháng, em hiểu, niềm vui thật sự là khi mở lòng vui chơi, hoạt động tập thể cùng bạn bè; hoàn toàn bỏ tật ăn cắp.
Trải nghiệm phong phú của các em như phù sa tụ bồi. Thêm mỗi ngày bãi bồi ấy lại càng phì nhiêu. Điều cần làm lúc này, là gieo một hạt giống tốt lành để trên mảnh đất màu mỡ ấy có những cây đại thụ tỏa bóng.
Trường Hy Vọng là nơi tôi rèn nên những hạt giống tốt lành như vậy. Bằng tinh thần chiến binh, các em đã vượt qua nghịch cảnh, có những trải nghiệm phong phú và không giống với bất kỳ ai tại FPT, ông Bình nói. Ông tin rằng, chính những trải nghiệm đó sẽ giúp phát triển năng lực xuất sắc của các em.
Để khơi lên tiềm năng trong mỗi học sinh, các thầy cô tại trường Hy Vọng được đào tạo những lý luận giáo dục mới mẻ. Giáo sư tại Pháp nói rằng, sai lầm của cha mẹ là việc gì họ không làm được, thì lại chuyển áp lực đó lên đôi vai của con cái. Điều này khiến cuộc đời các em có thể gặp bất hạnh, bế tắc. Các giáo sư cũng phát hiện ra một điều quan trọng, mỗi con người sinh ra trên đời đều có một điểm khác biệt, một điểm sáng. Nếu biết cách phát huy điểm sáng ấy sẽ đưa họ lên đỉnh cao thế giới.
Vấn đề là tìm và phát triển điểm sáng ấy như thế nào. Cuộc sống luôn tồn tại một nghịch lý: đã làm được việc gì thì ta sẽ cho rằng nó dễ lắm, không quan tâm nữa, thay vì nghĩ đó là tài năng để trui rèn. Ở trường Hy Vọng, các em được thử nghiệm nhiều cơ hội để tìm đến cùng điểm sáng trong mỗi người. Bất kỳ học sinh nào cũng có thể vùi mình nơi phòng thí nghiệm cho những dự án hóa học, tập luyện môn âm nhạc mình say mê, chơi thể thao, đạp xe cùng bạn, thiết kế thời trang...
Có em nói mong ước thành nhà báo để giới thiệu Việt Nam với bạn bè quốc tế. Tổng biên tập một tờ báo liền hứa: sẽ có phóng viên dạy em viết báo mỗi ngày, để tương lai trở thành cây bút xuất sắc.
Hope là hy vọng - Hạnh phúc là tương lai
Nói câu chuyện trường Hy Vọng, Chủ tịch Trương Gia Bình liên hệ sang chiến lược Hạnh phúc mà FPT vừa công bố nhân kỷ niệm 35 năm ngày thành lập. Với ông, trường Hy Vọng là một phiên bản thu nhỏ của tập đoàn FPT với 63.000 người, cùng gầy dựng trên nền tảng lõi "hạnh phúc".
Chiến lược DC5 - kiến tạo hạnh phúc vừa được công bố tháng 4 năm nay. Nhưng thực tế từ 35 năm trước, 13 thành viên sáng lập cũng coi đây là sứ mệnh mà họ sẽ theo đuổi. Hạnh phúc là con đường mà FPT đang đi, là giá trị hơn sáu vạn nhân viên thụ hưởng, cũng là cách "chạm" tới khách hàng, đối tác.
Hạnh phúc cũng trở thành câu trả lời thường trực của Chủ tịch tập đoàn, khi trả lời các câu hỏi về doanh thu, tăng trưởng. Giữa tháng 8, Brand Finance công bố giá trị thương hiệu FPT đạt 594,5 triệu USD, tăng 52% cùng kỳ và trở thành thương hiệu công nghệ giá trị nhất Việt Nam. 8 tháng đầu năm, tập đoàn dự kiến ghi nhận doanh thu 32.700 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 5.900 tỷ đồng.
"Hạnh phúc sẽ đẩy FPT đến đỉnh cao và thực sự chúng tôi đang hoạch định những đỉnh cao của thế giới", ông nói.
Từ những nhà khoa học không biết thế nào là phần mềm, hệ sinh thái FPT dự kiến sẽ đạt 1 tỷ USD doanh thu từ thị trường nước ngoài vào cuối năm nay và tự tin hướng đến mục tiêu 5 tỷ USD trong tương lai. Hạnh phúc là con đường, FPT đang đi trên con đường ấy. Khi mọi người gắn bó bên nhau, không thể tưởng tượng được kết quả tương lai.
"Biết đâu đấy, ngày mai người ngồi đây nói về tương lai FPT chính là một học sinh trường Hy Vọng", ông Bình cười giòn, khép lại buổi trò chuyện, rảo nhanh bước chân vào một hội thảo khác để tiếp tục nhân rộng giá trị hạnh phúc mà ông đau đáu bấy lâu.