Theo lương y Nguyễn Đình Cự, Hội Đông y tỉnh Thái Bình, cỏ ban là loại cỏ hoang mọc khắp Việt Nam, từ đồng bằng đến miền núi đều có thể bắt gặp. Cây sinh trưởng vào mùa xuân, đến thu đông thì tàn lụi và đặc biệt, cứ vào buổi chiều tối thì lá cây cúp lại (nên cây còn có tên là dạ quan môn). Ngoài các tên này, cỏ ban còn được gọi là cây nọc sởi, địa nhĩ thảo hay các tên khác như điền cơ vương, điền cơ hoàng, châm hương, nhả cam…
Cây cỏ ban là một loại cỏ nhỏ, thân nhỏ mang nhiều cành, cao chừng 10-20cm, thân nhẵn. Lá mọc đối, hình bầu dục, không cuống, trên phiến có những điểm chấm nhỏ, soi lên sáng lại càng rõ. Phiến lá dài 7-10mm, rộng 3-5mm. Hoa nhỏ mọc màu vàng, mọc đơn độc ở kẽ lá, có cuống dài 4- 5mm. Quả nang hình trứng, dài 4mm, mở bằng 3 van dọc. Hạt hình trụ, hơi thon có vạch dọc, chiều dài chừng 1mm.
Cây cỏ ban đã được dùng làm thuốc ở Việt Nam và Trung Quốc từ rất lâu, có thể dùng tươi hoặc phơi, sấy khô.
"Mặc dù là loại cỏ mọc hoang, trải dài từ Bắc vào Nam ai cũng có thể bắt gặp nhưng cây cỏ ban lại có tác dụng vô cùng lớn trong việc chữa bệnh. Đây là một bài thuốc hay lại dễ kiếm. Theo y học cổ truyền, nọc sởi có vị đắng, ngọt, tính mát hoặc bình, quy vào kinh tâm, can, thận, có tác dụng thanh lợi thấp nhiệt, tán ứ tiêu thũng, giảm đau, lợi tiểu", lương y Cự cho hay.
Trước hết, cây cỏ ban có tác dụng chữa viêm gan mạn tính. Người bệnh viêm gan mạn tính ở thời kỳ mới chớm có thể sử dụng bài thuốc sau: cây ban tươi khoảng 40- 80 gram, sắc kỹ uống trong ngày.
Bên cạnh cách dùng độc vị, cỏ ban còn được kết hợp cùng các vị thuốc khác để điều trị chứng nổi sởi ở trẻ em. Cách dùng rất đơn giản, chỉ cần hái một nắm nhỏ cây cỏ ban (còn tươi) và một nắm lá diếp cá (hay kim ngân hoa) rồi sắc lấy nước uống trong ngày. Nếu kèm theo sốt, có thể sắc cỏ ban với diếp cá, nhọ nồi đồng lượng. Nếu kèm theo ho, phối hợp với 6 gram cây cóc mẳn, hoặc 6 gram bách bộ cùng sắc uống.
Loại cây mọc hoang nhưng có tác dụng chữa bệnh vô cùng lớn. Ảnh minh họa.
Ngoài ra, cây cỏ ban còn có tác dụng cho những bệnh dùng ngoài da:
Da bị sưng đau: có thể hái một ít cỏ ban, rửa sạch rồi giã nát, đắp lên da.
Giúp giảm hôi miệng, đau răng: có thể dùng nước sắc cỏ ban để ngậm (30 – 40 gram tươi trong 100 ml nước).
Điều trị viêm niêm mạc miệng: lấy một nắm cỏ ban tươi, sau đó bỏ vào máy xay sinh tố xay nát. Dùng một miếng vải mỏng để vắt lấy nước bỏ ban. Nước này dùng để ngậm khoảng 10 phút. Đối với trẻ nhỏ để tránh các cháu nuốt nước cỏ ban, các bạn dùng vải thấm nước ép này, vệ sinh niêm mạc miệng cho các cháu. Làm hàng ngày mỗi ngày từ 2 đến 3 lần.
Điều trị rắn cắn: Nếu không may bị rắn độc cắn, có thể sơ cứu tạm thời bằng cách lấy cỏ ban giã nát rồi cho thêm một ít băng phiến, sau đó đắp lên vết rắn cắn.
Một số bài thuốc kết hợp có dùng cỏ ban
Điều trị viêm thận cấp: Cách điều trị viêm thận cấp từ cỏ ban rất đơn giản và dễ thực hiện: lấy khoảng 60 gram cỏ ban tươi sắc chung với 10 quả hồng táo (táo tàu) rồi lấy nước uống trong ngày.
Điều trị rắn độc cắn: Bên cạnh biện pháp sơ cứu ngoài da (bằng cỏ ban) đã được đề cập ở trên, khi bị rắn độc cắn, người bệnh cũng có thể dùng thêm bài thuốc uống để giải độc. Cách thực hiện như sau: dùng các vị cỏ ban, thiên hồ thảo (mỗi loại 30 g) và thanh mộc hương (15 g), sắc lấy nước rồi pha cùng rượu để uống .