"Thời gian qua, diện tích và sản lượng đậu nành của nước ta liên tục giảm dần qua các năm.
Nếu như năm 2010, diện tích trồng đậu nành đạt 197,8 nghìn ha, thì năm 2021 chỉ còn hơn 37 nghìn ha, giảm hơn 75% so với năm 2010. Việt Nam sẽ thiếu hụt 3,5 – 5,0 triệu tấn đậu tương/năm, trở thành nước nhập khẩu đậu nành lớn với kim ngạch 2,0 – 3,0 tỷ USD/năm, tương đương kim ngạch xuất khẩu gạo hiện nay (Tổng cục Hải quan, 2018)", ông Đinh Công Chính - Phó Trưởng phòng cây Lương thực - Thực phẩm, Cục trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - Bộ NN&PTNT) phát biểu trong chuyến tham quan Trạm khảo nghiệm đậu nành Tây Nguyên.
Tình trạng thiếu hụt đậu nành của Việt Nam là vấn đề hiện hữu ngay trước mắt. Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ : sản lượng sản xuất đậu nành của Việt Nam mùa vụ 2021-2022 khoảng 50.000 tấn và dự kiến nhập khẩu khoảng 2 triệu tấn nhằm phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ của các ngành như: sữa đậu nành, dầu đậu nành, thức ăn chăn nuôi, người tiêu dùng trực tiếp…
Là doanh nghiệp duy nhất có thị phần dẫn đầu ngành hàng sữa đậu nành suốt 15 năm qua và là đại diện đầu tiên cũng như duy nhất ở Việt Nam trong top 5 Công ty sữa đậu nành lớn nhất thế giới, Vinasoy không thể làm ngơ trước thực trạng này.
Do vậy trong vài năm gần đây, Vinasoy đã đầu tư khá nhiều vào công tác bảo tồn nguồn gene - lai tạo giống cũng như phát triển vùng trồng tại Việt Nam, nhằm phần nào có thể làm chủ nguồn nguyên liệu đầu vào.
Về ngân hàng nguồn gene và trạm khảo nghiệm tập trung: Ngân hàng gene đậu nành là thành quả lớn của Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Đậu nành Vinasoy (VSAC) sau nhiều năm thu thập. VSAC đã nghiên cứu các dòng/giống đậu nành trong và ngoài nước, từ các dòng/giống đậu nành hoang dại đến các dòng/giống đậu nành có các đặc tính chuyên biệt như năng suất cao, đạm cao, kháng sâu bệnh, kháng mặn, kháng phèn…
Ngoài ra, Vinasoy thực hiện bảo quản nguồn gene quý này trong điều kiện tối ưu để đảm bảo duy trì chất lượng hạt giống trong thời gian dài.
Bên cạnh đó, Vinasoy đã lựa chọn Cư Jút để thành lập Trạm khảo nghiệm đậu nành Tây Nguyên, nhằm nghiên cứu chọn tạo giống, khảo nghiệm kỹ thuật canh tác để phát triển giống mới cho các vùng nguyên liệu trong cả nước.
Về vùng trồng: Vinasoy hiện có 4 vùng trồng chính ở Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH), Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hay còn gọi là miền Tây, miền Trung và Tây Nguyên. Trong tất cả, theo đánh giá của các chuyên gia Vinasoy, thì chỉ ĐBSCL thích hợp để họ tập trung mở rộng vùng trồng.
HAI NGUYÊN NHÂN KHIẾN TRẠM KHẢO NGHIỆM ĐẬU NÀNH TÂY NGUYÊN CÓ THỂ RÚT NGẮN ½ THỜI GIAN TẠO RA GIỐNG TỐT
Sau 10 năm sưu tập cả ở trong lẫn ngoài nước, VSAC vừa mang 1.533 giống đậu nành mà họ có ra trồng ở Trạm khảo nghiệm đậu nành Tây Nguyên tại huyện huyện Cư Jút – tỉnh Đắk Nông. Mỗi loại đậu nành được trồng thành 2 hàng trên mảnh đất khoảng 1,2ha. Huyện Cư Jút hiện là vùng trồng đậu nành lớn nhất của tỉnh Đắk Nông.
Vùng trồng của Vinasoy ở huyện Cư Jút – tỉnh Đắk Nông.
Vinasoy cũng đang sở hữu ngân hàng gene đậu nành lớn nhất Đông Nam Á. Trong 1.533 giống đậu này mà Vinasoy có, không ít trong đó sắp tuyệt chủng tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo quan điểm của Vinasoy, không có giống nào thật sự vô dụng, có những giống dù năng suất rất kém nhưng sở hữu những gene quý về kháng phèn, kháng sâu bệnh hoặc giàu protein…
Còn với các giống nhập ngoại, dù không ít trong số có rất nhiều gene ưu việt khi ở nước xuất đi, nhưng lúc về Việt Nam lại không hoàn toàn phát huy được lợi thế của mình bởi khác biệt về điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu. Hơn nữa, có thể trong những giống nhập ngoại này, cũng có những nguồn gene quý đến từ Việt Nam. Bởi giống như Vinasoy, các cường quốc về đậu nành trên thế giới như Canada hoặc Mỹ hẳn có sưu tập những giống đậu nành bản địa Việt Nam.
Đây là đợt trồng đánh giá toàn bộ tập đoàn nguồn gene đậu nành hiện có để làm vật liệu lai tạo giống, nhằm phát triển các giống đậu nành mới có chất lượng dinh dưỡng và năng suất cao, phù hợp với các vùng nguyên liệu khắp cả nước, phục vụ cho việc sản xuất sữa đậu nành tại 3 nhà máy của Vinasoy trên cả nước.
Bình thường, để tạo một giống tốt và có thể phát triển nó trên đồng ruộng cần trên 10 năm, bao gồm những bước cơ bản như sau: thụ phấn cho hoa đậu nành ba mẹ, ở thế hệ F1 chúng ta sẽ lấy 1.000 cá thể để nghiên cứu; bắt đầu từ thế hệ F6 trở đi, thì có thể mang những giống được đánh giá tốt ra trồng thử nghiệm trên đồng ruộng. Thường thì phải có từ 20 dòng tốt trở lên chúng ta mới có thể chọn được giống mới tốt.
Tiến sỹ Lê Hoàng Duy – Phó Giám đốc VSAC
"Với sự khéo léo từ các kỹ thuật viên của Vinasoy, tỷ lệ thụ phấn thành công giữa hoa ba mẹ có thể lên 20% đến 30% - gần gấp đôi mức trung bình. Với công nghệ di truyền phân tử, chỉ sau 10 đến 15 ngày, chúng tôi có thể mang cây giống về phòng thí nghiệm, để xác định xem nó có thật sự là F1 của cây bố và mẹ hay không; chứ không đợi lúc các cây giống trưởng thành trên dưới 3 tháng, kết hoa đậu quả mới biết được, như trước kia.
Với lợi thế về khí hậu - đất đai thổ nhưỡng cộng hệ thống tưới tiêu nhỏ giọt mà công ty đã đầu tư, Cư Jút có thể gieo trồng tới 4 mùa đậu nành trong năm và có thể đánh giá tới 10.000 dòng/năm. Điều này giúp việc thử nghiệm đánh giá diễn ra thuận lợi và nhanh chóng hơn, rút ngắn 1/2 thời gian so với phương pháp truyền thống, thậm chí nhanh hơn cả của các trung tâm nghiên cứu có tiếng trên thế giới như ở vùng Costa Rica – Trung Mỹ.
Với 2 yếu tố trên, Vinasoy đã rút ngắn được thời gian chọn tạo giống mới và phát triển được giống tốt chỉ sau 4-5 năm (so với thời gian trung bình 10 năm ở các nước nổi tiếng cung ứng đậu nành như ở Canada, Mỹ… )", Tiến sỹ Lê Hoàng Duy – Phó Giám đốc VSAC, tiết lộ.
Ông Lê Hoàng Duy cũng nói rõ: việc cấy ghép nhiều gene tốt từ các giống đậu nành khác nhau để cho ra một giống đậu nành dễ trồng – năng suất cao – giàu hương vị và dinh dưỡng, không phải là biến đổi gene. Chỉ khi chúng ta mang gene từ cây trồng khác như bắp hay khoai tây vào cấy ghép với 1 giống đậu nành để cho ra một giống đậu nành mới, thì mới gọi là biến đổi gene.
Trạm khảo nghiệm đậu nành Tây Nguyên
Các nhân viên của VSAC và Vinasoy.
Trước đây, Vinasoy đã phát triển thành công 2 giống đậu nành mới VINASOY 01-CT và VINASOY 02-NS, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cấp bằng bảo hộ giống cây trồng. Đặc biệt giống đậu nành VINASOY 02-NS được Bộ NN&PTNT cấp phép lưu hành sản xuất đại trà tại miền Trung, Tây Nguyên, ĐBSH và ĐBSCL nhờ có phổ thích nghi rộng, cho năng suất cao.
VINASOY 02-NS giúp người trồng đậu nành cải thiện năng suất từ 1-1,5 tấn lên 2,5-3 tấn/ha.
ĐBSCL LÀ VÙNG TRỒNG GIÀU TIỀM NĂNG ĐỂ MỞ RỘNG HƠN CẢ
Hiện Vinasoy đã phát triển được 4 vùng nguyên liệu trong cả nước: miền Trung – Quảng Ngãi (vụ đông xuân từ tháng 11- 4), ĐBSH (trồng vụ đông từ tháng 9 – 12), ĐBSCL (từ tháng 2 đến 6) và Tây Nguyên – Cư Jút (từ tháng 4 đến 8) với tiềm năng diện tích lên đến 9.000ha. Bên cạnh đó, Vinasoy cũng đang trồng thử nghiệm ở miền Đông Nam Bộ với các tỉnh như Tây Ninh, Bình Phước….
Năm nay, Vinasoy đã thực nghiệm thành công với hơn 300ha đậu nành tại các vùng nguyên liệu. Họ cũng đã giới thiệu bộ kit có giá vài chục triệu, để bà con có thể chuyển đổi từ máy gặt lúa thành máy gặt đậu nành.
Tại Cư Jút, hành trình gầy dựng vùng trồng của Vinasoy cũng không dễ dàng: lúc mới đến, họ phải cung cấp miễn phí giống sau đó bán nợ giống, rồi còn hỗ trợ người dân trong thời gian đầu bằng cách mua cao hơn giá thị trường từ 15% đến 20%. Do ở đây người làm nông nghiệp chủ yếu là người già – còn hầu hết thanh niên đã vào công ty làm việc, nên cần hỗ trợ cơ giới hóa cả tưới tiêu lẫn thu hoạch, nhằm giảm chi phí sản xuất.
"Chúng tôi muốn chia sẻ với nông dân, nên nếu nơi đâu chỉ trồng 1 vụ/năm thì sẽ không phù hợp với định hướng của Vinasoy. Vinasoy muốn đẩy mạnh trồng đậu nành luân canh với các cây trồng khác – như cây lúa tại ĐBSCL và ĐBSH, thay vì chỉ trồng chuyên canh mỗi đậu nành.
Vinasoy không chỉ muốn hợp tác với nông dân để trồng trọt, mà còn hướng dẫn canh tác và bao tiêu sản phẩm đầu ra. Làm sao để đảm bảo bà con có lời thì mới làm", anh Lê Hoàng Duy bày tỏ.
Còn theo Kỹ sư nông nghiệp Dương Bá Sơ – Phụ trách Trạm khảo nghiệm đậu nành Tây Nguyên (thuộc VSAC): thật ra, thì mỗi vùng trồng có những điểm yếu và mạnh riêng. Cư Jút đất đai màu mỡ - thời tiết thuận lợi và không có mưa bão, người nông dân ở ĐBSH cần cù – chăm chỉ và khả năng thâm canh cao, nông dân miền Tây thích sạch sẽ phóng khoáng – làm sao có thể từ đồng về nhà rồi có thể thay áo quần đi ăn cưới ngay mà không phải tắm rửa.
Kỹ sư nông nghiệp Dương Bá Sơ – Phụ trách Trạm khảo nghiệm đậu nành Tây Nguyên.
"Tuy nhiên, xét một cách toàn diện, thì chỉ mỗi ĐBSCL là có những điều kiện thuận lợi để Vinasoy có thể mở rộng vùng trồng và cho ra hiệu quả tối ưu nhất", ông Dương Bá Sơ khẳng định.
Có 2 nguyên nhân chính khiến ĐBSCL phù hợp để Vinasoy mở rộng vùng trồng nhất: đậu nành trồng ở vụ sớm xuân hè luân canh với 2 vụ lúa vừa mang lại hiệu quả kinh tế vừa rất tốt cho đất; mỗi người nông dân ở ĐBSCL sở hữu diện tích đất khá lớn, thuận lợi để cơ giới hóa.
"Đậu nành là một trong những cây có tác động đến cơ cấu cây trồng, trước đây mình hay có tư duy là ‘ăn cây nào rào cây ấy’, nhưng quên hỏi là ‘cây gì hưởng lợi từ cây đậu nành?’.
Ở Tây Nguyên, người dân hay trồng cây này khi thấy giá thị trường cao – sau đó chặt bỏ khi thấy giá xuống thấp. Vòng luẩn quẩn này lặp lại không ngừng! Trong khi người nông dân ĐBSCL thường trồng chuyên canh, cạnh tranh đất trồng không gay gắt.
Khi trồng đậu nành, người Tây Nguyên cũng thường ‘đánh bay nốt sần’ thứ tạo đạm cho đất của cây đậu nành; trong khi người ĐBSCL thường để cây đậu nành trên cánh đồng, có thời gian để xuống đất, để cây lúa có thể sử dụng hoàn toàn những dưỡng chất mà đậu nành để lại.
Cũng theo nghiên cứu, nếu nông dân ĐBSCL trồng tới 3 vụ lúa/1 năm, thì năng suất sẽ giảm xuống và chi phí sản xuất sẽ tăng lên. Trong tất cả, chỉ mỗi vụ đông xuân cho năng suất tốt nhất.
Trong khi chỉ sản xuất 2 vụ, thay vụ sớm xuân hè bằng đậu nành cho thấy: hiệu quả kinh tế của đậu nành bằng lúa, cây đậu nành còn rất tốt cho đất và cho vụ lúa sau đó. Hơn nữa, vụ sớm xuân hè tốt nhất cho đậu nành: bắt đầu xuống giống vào mùa mưa và thu hoạch lúc trời nắng.
Ở ĐBSCL, mỗi người nông dân thường có từ 5 công trở lên – không ngoa khi nói ‘cánh đồng thẳng cánh cò bay’, không có núi đồi nhấp nhô, rất thuận tiện để đầu tư máy móc để tưới tiêu hoặc thu hoạch. Trong khi, người nông dân ĐBSH thường sở hữu diện tích nhỏ, rất khó để áp dụng cơ giới hóa", vị Kỹ sư nông nghiệp này phân tích.
Vùng trồng của Vinasoy tại miền Tây.
Cụ thể: từ năm 2020, Vinasoy đã đưa giống đậu nành VINASOY 02-NS trồng khảo nghiệm trên đất lúa tại Đồng Tháp và Vĩnh Long. Kết quả cho thấy giống đậu nành này phát triển rất tốt tại các vùng đất thử nghiệm.
Trong vụ xuân hè năm 2022, Vinasoy tiếp tục thực hiện mô hình thử nghiệm liên kết với nông dân ở quy mô lớn hơn tại xã Tân Hạnh – huyện Long Hồ - tỉnh Vĩnh Long và tại thị trấn Phú Lộc – huyện Thạnh Trị - tỉnh Sóc Trăng. Mô hình thử nghiệm cũng cho ra kết quả rất tốt.
Đây là tiền đề Vinasoy và bà con phát triển trở lại cây đậu nành với công thức 2 lúa – 1 đậu tại ĐBSCL.
Việc luân canh cây đậu nành trong vụ xuân hè ở ĐBSCL ngoài việc giúp tăng thu nhập cho người nông dân, còn là biện pháp canh tác nông nghiệp bền vững, tiết kiệm nước tưới, góp phần cắt đứt nguồn lây lan của sâu bệnh trên cây lúa, bồi dưỡng đất, gia tăng năng suất cây lúa vụ sau, giảm sự cạnh tranh của cỏ dại và cải tạo các đặc tính sinh hóa của đất.