Chiều 21/9 theo giờ địa phương, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) của Fed kết thúc cuộc họp thường kỳ kéo dài hai ngày và thông báo nâng lãi suất quỹ liên bang thêm 75 điểm cơ bản (bps) lên khoảng 3 – 3,25%, cao nhất kể từ đầu năm 2008.
Chia sẻ trong chương trình "Bí mật đồng tiền", ông Nguyễn Minh Tuấn, Chuyên gia Phân tích của Công ty Đầu tư Hữu Nghị, Thành viên Kinh Doanh của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam cho rằng thông tin này đối với thị trường hàng hóa là tin vui nhiều hơn là tin buồn, bởi bản chất đặc thù của thị trường hàng hóa là giao dịch hai chiều, bao gồm hoạt động mua và bán khống.
Do đó, việc các mặt hàng tăng hoặc giảm đều phát sinh ra cơ hội cho nhà đầu tư. Thực tế đối với hàng hóa cũng không có gì gọi là quá tốt hay quá xấu, quan trọng chủ yếu vẫn là phương pháp và chiến lược của nhà đầu tư.
Ông Tuấn nhận xét nếu nhìn lại lịch sử, mặt hàng liên quan nhiều đến thông tin về chính sách tiền tệ như dầu, các loại kim loại quý sẽ là hai mặt hàng bị tác động nhiều bởi các yếu tố liên quan đến tiền tệ và chính trị. Với phiên họp Fed này, khả năng cao dầu sẽ tiếp tục có một nhịp điều chỉnh trước khi tạo vùng giá cân bằng và có một số mặt hàng có thể nói là “miễn nhiễm” như khí đốt, bản chất đang bị ảnh hưởng bởi câu chuyện cung cầu hay chiến tranh giữa Nga và Ukraine.
Đặc biệt như thị trường hàng hóa có mặt hàng lúa mì tuy đã tạo đỉnh và giảm rất nhiều trong giai đoạn chiến tranh Nga – Ukraine nhưng đến hôm qua đã có một phiên hồi lại khá mạnh mẽ. Vậy những mặt hàng nông sản liên quan chặt chẽ tới những cuộc chiến tranh đang xảy ra sẽ miễn nhiễm đối với thông tin chính sách tiền tệ nhưng bị ảnh hưởng chủ yếu bởi câu chuyện cung – cầu và thông tin chính trị trên thế giới nhiều hơn.
Nói về câu chuyện tăng lãi suất của Fed ảnh hưởng thế nào đến thị trường hàng hóa, ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng Chứng khoán SSI cho rằng nhóm hàng hóa bị ảnh hưởng nhiều nhất sẽ là những hàng hóa bị “tài chính hóa”. Khi mặt bằng lãi suất tăng, chi phí để đầu tư sẽ tăng lên và từ đó sẽ ảnh hưởng đến giá cả.
Ngoài ra hiểu biết về các loại hàng hóa cũng tốt cho hoạt động đầu tư, tuy nhiên trong một số mặt hàng của Việt Nam ví dụ như về dầu chẳng hạn, mọi người hay có xu hướng kết nối trực tiếp biến động của giá dầu qua đêm với mức biến động giá của một số cổ phiếu trong ngành dầu khí.
Thực ra câu chuyện đó phải tính thêm bởi xu hướng dài hạn của giá dầu mới ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp. Chứ ví dụ biến động giá dầu trong một đêm có thể lên đến 10%, hôm sau cổ phiếu liên quan đến dầu cũng phải tăng 10% thì đó là câu chuyện không đúng.
Cũng theo Kinh tế trưởng của Chứng khoán SSI, thực ra thị trường hàng hóa là đầu vào của rất nhiều doanh nghiệp và thậm chí trong nhiều trường hợp còn là đầu ra. Do đó khi nhà đầu tư hiểu biết nhiều về thị trường hàng hóa, hiểu biết về xu hướng thì rõ ràng trong việc phân tích báo cáo tài chính cũng như phân tích về triển vọng lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ dễ dàng hơn so với những người bình thường. Đó là điểm tốt hơn, còn nói những thông tin đó để phục vụ giao dịch hằng ngày là rất khó.
Nói về sự khác biệt giữa thị trường chứng khoán và thị trường hàng hóa, chuyên gia nhận định giao dịch thị trường chứng khoán thì chúng ta được đi ngủ, còn khi giao dịch trên thị trường hàng hóa là phải thức đêm, bởi những biến động lớn nhất của thị trường hàng hóa là vào ban đêm chứ không phải ban ngày.