Tài chính

Câu chuyện bơ sữa trong lạm phát

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, đà sụt giảm sản lượng sữa tại các trang trại bò cùng tình trạng thiếu hụt lao động trong các nhà máy chế biến đang ảnh hưởng tiêu cực đến lượng bơ tồn kho của nước này. Ước tính các kho lạnh Mỹ hồi tháng 7 đã ghi nhận lượng bơ thấp nhất kể từ năm 2017, theo WSJ.

Nguồn cung khan hiếm đang khiến giá bơ tại các siêu thị Mỹ tăng vọt, với tốc độ nhanh hơn hầu hết các loại thực phẩm khác. Cụ thể, theo Bộ Lao động, giá hàng tạp hóa Mỹ trong tháng 8 tăng 13,5%, mức tăng hàng năm lớn nhất kể từ năm 1979. Trong khi đó, bơ tăng tới 24,6% so với cùng kỳ.

Lạm phát trong một nền kinh tế chịu áp lực đang đẩy giá thức ăn chăn nuôi tăng cao. Tình trạng thiếu hụt lao động cùng một vài yếu tố khác cũng khiến giá một loạt các mặt hàng chủ lực trong nhà bếp phi mã trong một thời gian dài. Trong đó, giá bơ có lúc chạm mốc 4,77 USD/pound, mức cao nhất kể từ năm 2017, theo Nielsen.

Trong bối cảnh đó, nhiều nhà sản xuất nỗ lực bù đắp sản lượng bơ thiếu hụt trước mùa lễ hội cuối năm. Joe Coote, giám đốc điều hành của Darigold, một công ty chế biến sữa lớn tại Mỹ cho biết cả 2 nhà máy bơ của ông đang cố gắng mở rộng năng lực sản xuất, đồng thời tìm cách vận hành dây chuyền đóng gói và khuấy bơ nhanh nhất có thể. 

Vấn đề đối với bơ bắt nguồn từ sữa. Năm ngoái, số lượng bò sữa chăn thả trong các trang trại Mỹ giảm do chi phí đầu vào tăng cao, từ thức ăn, nhân công đến một các mặt hàng liên quan khác. Lợi nhuận tại đa số các chủ trại theo đó giảm mạnh, bất chấp việc giá sữa tăng cao phi mã. 

Câu chuyện bơ sữa trong lạm phát  - Ảnh 1.

"Đúng là giá sữa đang tăng, nhưng chi phí vận chuyển chúng đến các thị trấn cũng vậy, tăng lên 60.000 USD/năm rồi. Trong khi trước đây, giá chỉ khoảng 4.500 USD/năm thôi", ông Bragger, một nông dân nuôi bò sữa ở hạt Buffalo, bang Wisconsin cho biết, đồng thời khẳng định việc giá hàng hóa và sữa tăng cao là không bền vững.

Với ông, nông dân Mỹ cũng là nạn nhân của lạm phát và không nên bị đổ lỗi khi giá lương thực leo thang. "Chúng tôi cũng đang phải vật lộn kiếm sống mỗi ngày như mọi người thôi", Bragger chia sẻ.

Rachel Schroeder, chủ một trang trại bò sữa quy mô nhỏ tại hạt Jefferson, bang Wisconsin, Mỹ, cũng cùng chung cảnh ngộ. Bà nói khoảng thời gian 5 năm trở lại đây, tình hình đặc biệt căng thẳng.

"Biên lợi nhuận của chúng tôi luôn rất eo hẹp", Schroeder chia sẻ. "Hàng năm, chúng tôi lại phải ngồi xem xem liệu có phải đóng cửa nhà máy sản xuất bơ sữa hay không".

Nhắc đến khoản lãi hồi năm 2021 bất chấp đại dịch, bà cho biết lợi nhuận này có được là do các khoản trợ cấp hào phóng từ chính phủ - một trong những nguyên nhân khiến nước Mỹ đối mặt với lạm phát.

Theo WSJ, sản lượng sữa tính đến tháng 6 đã giảm 1% - một con số khá đáng kể so với mức tăng trưởng hàng năm trung bình 1,5%- 2,5%, bất chấp việc nông dân đã cố gắng ổn định lại đàn gia súc và thúc đẩy sản xuất sữa. 

Câu chuyện bơ sữa trong lạm phát  - Ảnh 2.

Ước tính các kho lạnh Mỹ hồi tháng 7 đã ghi nhận lượng bơ thấp nhất kể từ năm 2017, theo WSJ.

Theo Marshall Reece, phó chủ tịch cấp cao của Associated Milk Producer có trụ sở tại Minnesota, công suất sản xuất bơ của công ty giảm từ 5% đến 10% trong năm nay do thiếu nhân sự. Bắt đầu từ năm 2021, nhân viên nhà máy đã phải vật lộn tăng ca vào ban đêm ở New Ulm, Trin. Ông Marshall Reece sau đó cũng phải tối giản dây chuyền sản xuất để tiết kiệm nhân lực. 

“Sự thay đổi này đang ngày càng trở nên khó khăn hơn”, ông Reece nói. 

Sau khi sụt giảm vào năm 2021, sản lượng bơ của Mỹ tiếp tục lao dốc 2%, theo USDA. Bơ tồn kho trong cùng kỳ cũng giảm 21% xuống còn 314 triệu pound. Sự thiếu hụt khiến giá bơ trên sàn giao dịch Chicago Mercantile Exchange phi mã gần 40% trong năm nay, đạt hơn 3,2 USD/pound trong tháng này, mức cao nhất được ghi nhận. 

Sự thay đổi trong mô hình thương mại toàn cầu đã đánh thuế nguồn cung bơ. Kể từ năm 2016, Mỹ nhập khẩu nhiều bơ hơn từ các quốc gia như Ireland và New Zealand. Thực tế này dần thay đổi từ năm 2021, khi xuất khẩu Mỹ tính đến tháng 7 năm nay tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu liên bang và các chuyên gia về sữa.

Theo WSJ, chi phí gia tăng đang gây áp lực lên biên lợi nhuận các nhà sản xuất trong nước. Giá kem, một thành phần chính của bơ, cũng tăng vọt.

Được biết nhu cầu đối với mặt hàng này đã gia tăng mạnh mẽ trong những năm gần đây khi người tiêu dùng Mỹ dần chuyển sang các sản phẩm sữa có hàm lượng chất béo cao hơn, ăn nhiều kem chua hơn và chuộng sữa nguyên kem không tách béo.

Câu chuyện bơ sữa trong lạm phát  - Ảnh 3.

Nguồn cung khan hiếm đang khiến giá bơ tại các siêu thị Mỹ tăng vọt, với tốc độ nhanh hơn hầu hết các loại thực phẩm khác.

Điều này thúc đẩy các công ty sữa, trong đó có Grassland Dairy Products tích trữ kem để tạo thêm bơ vào mùa thu và đáp ứng số lượng các đơn đặt hàng. Bà Kristi Peterka, một công nhân nhà máy cũng cho biết mình đang tích trữ bơ trong ngăn mát như một cách để phòng xa. 

Theo lời kể của bà, giá bơ tại địa phương đã tăng 30% lên 5,19 USD/pound. Một siêu thị gần nhà bà thì chào bán bơ trong ngày với giá 1,68 USD/pound và chỉ giới hạn 2 pound mỗi lần mua. 

Dẫu vậy, phía các nhà sản xuất cũng được khuyến khích tránh sản xuất hàng loạt để phòng ngừa rủi ro. 

“Điều gì sẽ xảy ra khi các đơn đặt hàng bất ngờ bị huỷ? Bơ được giữ ở mức 3 USD và thị trường sụp đổ”, ông Wuethrich, chủ tịch Grassland Dairy Products nói. 

Theo: WSJ


Cùng chuyên mục

Đọc thêm