Dọc bãi biển quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, có hàng loạt hàng quán kinh doanh trên bãi biển.
Ông Nguyễn Văn Sinh (Bãi dịch vụ kinh doanh số 3) cho hay, nhà ông có hơn 50 cây dù cùng hàng chục chiếc ghế phục vụ khách tắm biển. Nghe tin bão vào, sáng sớm nay ông cùng người nhà xuống thu dọn.
"Lần này nghe bão mạnh nên tôi run lắm. Dọn sớm chừng nào hay chừng ấy”, ông Sinh lo lắng.
Ông Trần Quốc Anh cũng có hơn 60 chiếc dù. Tới gần trưa, ông vẫn chưa thu dọn xong.
Những chiếc dù được bà con hạ xuống, cột gọn. Mỗi bãi dịch vụ có khoảng chục hộ kinh doanh. Đa phần đều đặt ghế gỗ, dù bạt để buôn bán thuận tiện.
Sau đó vác lên bờ để chuyển về nhà.
Các hộ kinh doanh cho hay mỗi chiếc dù có giá khoảng 6 triệu đồng. Mỗi hộ đầu tư hết vài trăm triệu cho dù, ghế để buôn bán trên bãi biển. Vì vậy khi nghe tin bão họ rất lo tài sản sẽ bị đánh quật tan tành.
Hàng trăm chiếc dù được tập kết trên vỉa hè. Nhiều chiếc to, nặng phải hai người ôm.
Các hộ thuê xe tải chở về nhà cất giữ. Hết bão lại chuyển ra biển để tiếp tục kinh doanh.
Người dân kiểm tra các tủ đồ trên bãi biển để dọn dẹp trước khi bão vào.
Những vật dụng có giá trị được mang vào quầy sắp xếp, chèn chắn cẩn thận. Hiện tại, Đà Nẵng đã triển khai các biện pháp sẵn sàng ứng phó khi bão đổ bộ, đảm bảo an toàn cho người dân. Thành phố đã cho tạm dừng các cuộc họp chưa thật sự cần thiết vào thời điểm này để tập trung lực lượng đối phó với bão.
Nhân viên một khách sạn ven biển chằng chống những cây nhỏ trước khi bão vào. Đà Nẵng cũng chỉ đạo các đơn vị, địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão để sẵn sàng triển khai ngay phương án sơ tán người dân; tổ chức phòng, chống cho các công trình xây dựng bảo đảm an toàn; lên phương án chuẩn bị lương thực, nước uống, nhiên liệu, các nhu yếu phẩm.