Trong câu chuyện có thật, chàng trai người Mỹ Christopher McCandless, sinh năm 1986, đã từ bỏ mọi vật chất để thực hiện chuyến hành trình xuyên Bắc Mỹ những năm đầu thập niên 1990, khi vừa tốt nghiệp đại học. Anh không may bị kiệt sức và qua đời tại vùng hoang dã Alaska năm 24 tuổi.
Không phải mọi người đều hứng thú khám phá thiên nhiên, nhưng nhiều người chia sẻ rằng muốn bỏ lại tất cả như McCandless. Mạng xã hội ngày nay đầy rẫy những chia sẻ nói rằng họ muốn biến mất mà không cần lời giải thích. Sự "biến mất" ở đây không liên quan đến các chuyến du lịch hay có suy nghĩ dại dột, chúng đơn giản là việc chạy trốn khỏi khi cảm giác tuyệt vọng gia tăng.
"Tâm lý tưởng tượng được trốn thoát là điều bình thường. Chúng là cơ chế phổ biến giúp giảm bớt áp lực một cách tạm bợ cho những cảm xúc khó khăn hoặc phức tạp hơn", nhà tâm lý học lâm sàng Therese Mascardo, Giám đốc điều hành và sáng lập một cộng đồng chăm sóc sức khỏe tại Mỹ, nói.
Các nhà tâm lý học cho rằng, não bộ con người có khả năng phản ứng căng thẳng theo bốn cách cơ bản gồm: đấu tranh, đóng băng, nịnh nọt hoặc chạy trốn.
Phản ứng đấu tranh liên quan đến việc quyết liệt đối mặt với mối đe dọa; đóng băng sử dụng sự tĩnh lặng để né tránh nguy hiểm hoặc khiến người khác không thể hành động chống lại nó; nịnh nọt lại tìm mọi cách hài lòng đối phương, tránh gây xung đột; trong khi chạy trốn là biến mất hoàn toàn khỏi tình huống bị đe dọa. Điều này có nghĩa, bỏ chạy chỉ đơn giản là một trong những cách con người ứng phó với thách thức trong đời sống.
Về cơ bản, chúng gắn liền với bản năng sinh tồn của mỗi người.
Thông thường, mong muốn chạy trốn xảy ra khi con người cảm thấy bị choáng ngợp bởi cảm xúc và cần được giải tỏa. Điều này càng trở nên phổ biến hơn khi nhiều người cảm thấy bị cô lập.
"Nhiều người cảm thấy bất lực, dần dẫn đến tuyệt vọng khi bàn luận về các vấn đề về môi trường, bạo lực, đại dịch, khủng hoảng kinh tế. Tôi từng thấy điều này ở các khách hàng đến trị liệu và nói những điều như 'cuộc đời còn ý nghĩ gì nếu thế giới kết thúc sau 50 năm nữa do sự nóng lên toàn cầu'", nhà tâm lý học Mascardo kể và nói rằng suy nghĩ chạy trốn, muốn biến mất thường là dấu hiệu cho thấy có điều không ổn trong cuộc sống, và họ cần được quan tâm, chăm sóc.
Trên thực tế, hành động này thường ẩn chứa hàm ý kiểu: Tôi cảm thấy cô đơn và cần được quan tâm; Tôi thấy buồn và muốn được an ủi bằng những thứ mang lại niềm vui; Tôi mệt mỏi và muốn được nghỉ ngơi; Tôi cảm thấy quá tải và cần một kế hoạch; tôi thấy lạc lõng và cần tìm mục đích sống...
Nhưng rất hiếm người có thể từ bỏ mọi thứ và biến mất trong thời gian dài vì còn các mối quan hệ xã hội, gia đình cùng áp lực kinh tế. Do vậy, nhà tâm lý học Mascardo gợi ý một số cách giúp con người đối phó với cảm giác khó chịu, mệt mỏi.
Cho bản thân không gian riêng
Trong những tình huống căng thẳng bạn hãy tạm thời lùi bước, cho bản thân được nghỉ ngơi, giảm bớt cảm giác choáng ngợp, bất lực. Người lao động có thể áp dụng bằng cách rời khỏi bàn làm việc để đi dạo, uống tách cà phê hoặc trò chuyện với bạn bè khi công việc quá tải.
Nghỉ ngơi và được vui vẻ
Văn hóa hối hả ở chốn công sở cho rằng những người muốn nghỉ ngơi là yếu đuối, không có năng lực, thậm chí là thiếu ý chí tiến thủ. Nhưng thực chất con người cần được nghỉ ngơi để phục hồi năng lượng, bao gồm những giấc ngủ ngắn, đi du lịch...
Bên cạnh đó, bạn cần khiến bản thân vui vẻ, yêu đời bằng cách vẽ tranh, ca hát hoặc cười đùa với bạn bè để xoa dịu sự lo lắng.
Thiền
Thiền chánh niệm là một trong những phương pháp thực hành khoa học được hỗ trợ và dễ tiếp cận để cải thiện sức khỏe. Bạn có thể tìm kiếm các tài liệu về thiền định qua các tài liệu trực tuyến hoặc chỉ đơn giản là đếm số và điều hòa nhịp thở.
Vận động
Thay vì để những suy nghĩ tiêu cực nhấn chìm, điều bạn cần làm là ra ngoài vận động, tham gia các môn thể thao. Chúng không chỉ giúp cải thiện cân nặng mà còn loại bỏ căng thẳng hiệu quả.
Trực tiếp đối diện với vấn đề
Ngoài những biện pháp trên, cách giải quyết tất nhất để giảm bớt mong muốn chạy trốn là tìm tận gốc nguyên nhân gây ra căng thẳng, mệt mỏi. Đơn giản hơn, bạn hãy xác định và chỉ ra nhu cầu của mình, dù đó là mong muốn được hỗ trợ, yêu thương, tìm thấy niềm vui, được nghỉ ngơi hay mục đích sống.
(Theo VICE)