Dù trẻ tuổi, Michael Lim có những suy nghĩ thông minh và chín chắn giúp anh sớm đạt được thành công ngoài mong đợi
Kể từ khi còn là một đứa trẻ, Michael Lim đã luôn muốn trở thành một doanh nhân. Lớn lên một chút, Lim tập bán tất cả những gì có thể.
Ở trường tiểu học, cậu bắt đầu bán kẹo cho những đứa trẻ trong sân chơi. Cậu đã bắt mối với một người bán buôn ở địa phương, ông này bán cho cậu một túi kẹo gồm 24 gói nhỏ với giá 2 USD. Còn cậu đã bán từng gói nhỏ trong số đó với giá 2 USD. Đúng là một bộ óc kinh doanh.
Ở trường trung học, Lim chuyển sang bán giày, đồng hồ và tai nghe. Vào dịp cuối tuần, Lim cũng làm việc tại một cửa hàng bán đồ thể thao giảm giá và tận dụng chiết khấu dành cho nhân viên để mua những đôi giày với giá rẻ và sau đó bán lại với giá cao hơn.
Có thể thấy rằng ngay từ khi còn ít tuổi, Lim đã biết khai thác mức chênh lệch giá dịch vụ hoặc sản phẩm để kiếm lời. Và anh cũng đang làm điều tương tự với công việc tư vấn hiện tại. Chỉ trong vòng 6 tháng kể từ khi bắt đầu công việc, Lim đã vượt ngưỡng thu nhập 100.000 USD. Để so sánh, tại Úc, chỉ 13,4% tổng số doanh nghiệp kiếm được mức thu nhập bằng hoặc cao hơn Lim.
Dưới đây là những thay đổi về tư duy mà Lim đã thực hiện để xây dựng công việc kinh doanh thành công như hiện tại.
1. Lời khuyên miễn phí có thể trả giá rất đắt
Khi nói với mọi người rằng ta đang có công việc kinh doanh riêng, có thể họ sẽ đưa ra những lời khuyên mà ta chẳng hề cần đến.
Những người đưa ra lời khuyên thường có dụng ý tốt. Nhưng con đường đến địa ngục lại mở ra chính từ những mục đích tốt đẹp. Khi người khác cố gắng đưa ra lời khuyên không cần thiết, hãy học cách phớt lờ hoặc thay đổi chủ đề.
Quy tắc ngón tay cái: chỉ nhận lời khuyên từ những người đã đạt được những thành tựu mà ta khao khát. Bỏ qua những người khác.
Nếu muốn có lời khuyên chất lượng cao, hãy chi tiền. Thuê một huấn luyện viên kinh doanh. Tham gia các khóa học trực tuyến. Tham gia các cộng đồng trả phí. Hãy nhớ, những lời khuyên và chiến lược tốt nhất không hề miễn phí.
2. Từ bỏ “cơn nghiện” với mức lương bình thường
Từ bỏ công việc hành chính đều đặn hàng ngày cũng giống như cai nghiện.
Khi vẫn còn giữ công việc đó, Lim thậm chí còn hoảng sợ vào ban đêm, đổ mồ hôi lạnh và lo lắng về tiền bạc. Mỗi ngày, Lim đều bị giày vò bởi suy nghĩ thiếu lương và những khoản tiền phải chi trả nối tiếp nhau.
Khi trở thành một người làm thuê, Lim hạnh phúc khi lương được trả theo tuần. Anh thậm chí còn đánh dấu trong lịch để tính ngày. Cảm giác có thêm những con số 1 và số 0 trong tài khoản ngân hàng khiến anh như muốn bùng nổ.
Bốn tháng sau khi bắt đầu kinh doanh tư vấn, Lim vẫn chưa thể trả tiền cho chính mình. Nhưng anh cũng đã thành công trong việc cai “cơn nghiện” tiền lương. Lim không còn muốn đánh đổi thời gian cá nhân để lấy tiền.
Lim cảm thấy được giải phóng. Lời hứa về một mức lương đều đặn không còn ám ảnh anh nữa. Với Lim lúc này, làm việc là để có được tầm nhìn chứ không phải thù lao. Anh cũng đã rèn cho mình tính kiên cường ngay trong độ tuổi 20 - một hành trang rất tốt cho hành trình kinh doanh sau này.
3. Chịu trách nhiệm với mọi thứ
Khi ta sở hữu một doanh nghiệp, thực tế không quan tâm đến cảm xúc của ta.
Khi biến cố xảy ra, ta có thể tự nhận mình là nạn nhân, nhưng doanh nghiệp vẫn cần phải tiến lên phía trước.
Nếu có tư duy “đây là vấn đề của người khác”, ta sẽ sớm gặp phải vấn đề “doanh nghiệp đang thất bại”.
Hầu hết mọi người sẽ không dám bắt đầu công việc kinh doanh vì không thể đối mặt với thực tế rằng họ không đủ giỏi. Thực tế rất khắc nghiệt. Thị trường không biết nói dối. Sản phẩm và dịch vụ của bạn có thể không phù hợp.
Nhưng Lim đã nhận ra rằng càng nhận nhiều trách nhiệm, doanh nghiệp sẽ càng phát triển.
Lim chịu trách nhiệm về mọi thứ. Nếu có những khách hàng không tốt, anh sẽ tự nói với mình: “Đáng lẽ mình nên sàng lọc khách hàng” thay vì “những người này đúng là ác mộng”.
Ý nghĩ thứ nhất giúp tạo ra những hệ thống tốt hơn và giúp công việc kinh doanh có lãi. Ý nghĩ thứ hai sẽ chỉ khiến ta bị mắc kẹt trong tư duy nạn nhân.
Kẻ thù lớn nhất đối với doanh nghiệp là không chịu trách nhiệm để tiếp tục phát triển. Nếu không tiến lên, ta sẽ thụt lùi.
4. Đầu tư rất nhiều vào việc tự học
Lim không bao giờ coi thường việc tự học. Là một doanh nhân, mỗi người cần không ngừng đầu tư vào bản thân để trở nên tốt hơn. Hãy mua sách, khóa học trực tuyến, huấn luyện viên, cộng đồng trả phí, bản tin…
Có những người thông minh hơn ta gấp 10 lần, họ đã và đang làm những gì ta muốn, đã dành thời gian để tập hợp kiến thức thành một khóa học hoặc cuốn sách và bán nó. Hãy bỏ cái tôi, mua và học hỏi từ họ.
Một khi ta ngừng học hỏi, công việc kinh doanh sẽ đi vào ngõ cụt.
5. Thoải mái với những điều bất định đang diễn ra
Thế giới có thể thay đổi nhanh chóng. Một chủng virus mới có thể lại khiến nhân loại phải chịu cảnh phong tỏa trong thời gian dài hơn cả 2 năm. Và thị trường có thể đi xuống lâu hơn sức chịu đựng của doanh nghiệp.
Hầu hết mọi người không giỏi đối phó với những sự bất định này. Họ được đào tạo từ trường lớp để trở thành những công nhân nhà máy ngoan ngoãn. Học những kỹ năng hạn hẹp. Chỉ làm một công việc. Không được đi chệch khỏi con đường đã định.
Đó là lý do tại sao hầu hết mọi người sẽ bị mắc kẹt ở vị trí nhân viên trong suốt phần đời còn lại mặc dù tham vọng nhiều hơn. Họ sẽ sống cuộc sống với ít bất trắc hơn, nhưng cũng sẽ ra đi trong tiếc nuối.
Lim đã học cách chấp nhận sự không chắc chắn và sắp xếp nó như một khả năng vô hạn.
6. Xây dựng mối quan hệ hơn là chỉ giao dịch một lần
Nếu chỉ xem mọi người là đối tượng kiếm tiền, hãy thay đổi tư duy.
Lim biết những người rất cực đoan. Họ chỉ gọi anh khi họ muốn điều gì đó từ anh.
Họ thường sẽ bắt đầu với “Tôi có thể thực hiện ý tưởng này của anh không?”, “Anh có thể cho tôi phản hồi về điều này không?” hoặc "tôi có thể mượn bộ não của anh không?" mà không mang lại bất kỳ giá trị nào cho Lim.
Giống như khai thác kim cương, họ muốn khai thác kiến thức và kinh nghiệm của Lim miễn phí mà không cần quan tâm nó ảnh hưởng như thế nào đến thời gian và năng lượng của anh.
Lim sẽ vui vẻ làm điều đó vài lần, nhưng sau một thời gian, anh sẽ không dành thời gian cho họ nữa. Anh sẽ sàng lọc các cuộc gọi và từ chối trò chuyện.
Đừng trở thành một người cực đoan. Mọi người có thể nhận thấy sự ích kỷ rất nhanh chóng. Đây sẽ là con đường ngắn nhất để hủy hoại danh tiếng của một cá nhân.
Hãy đặt phương châm: mang lại giá trị cho người khác 5 lần trở lên, và yêu cầu 1 lần. Tập trung vào xây dựng mối quan hệ hơn là chỉ tập trung kiếm lợi cho bản thân.
Hãy nhớ, mỗi giao dịch sẽ có lợi 1 lần, nhưng xây dựng các mối quan hệ sẽ được đền đáp cho cả cuộc đời.
Việc tạo dựng một doanh nghiệp bắt đầu ngay trong tâm trí. Như Max Planck đã từng nói: “Khi ta thay đổi cách bản thân nhìn nhận mọi thứ, những thứ ta nhìn cũng sẽ thay đổi”.
Mức độ thành công kinh doanh bên ngoài mà mỗi người đạt được chính là số lượng công việc bên trong tâm trí mà người đó phải giải quyết..
Và đầu tư vào phát triển tư duy sẽ luôn mang lại lợi ích lớn nhất.
Theo entrepreneurshandbook.