Phạm Huỳnh Quốc Anh, 12 tuổi, hiện đang là học sinh lớp 6 trường THCS – THPT Mỹ Hoà Hưng (TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang). Ngay từ khi 10 tuổi (học hết lớp 4), Quốc Anh đã đạt IELTS 7.0 trong lần thi đầu tiên. Xem chi tiết TẠI ĐÂY .
Không chỉ học tốt Ngoại ngữ, cậu bé còn có thành tích xuất sắc ở tất cả các môn học. Hiện Quốc Anh đang theo một chương trình quốc tế ở nước Anh, tương đương với trình độ bậc THPT tại Việt Nam.
Tuy còn nhỏ tuổi nhưng Quốc Anh luôn tự giác học bài, ít khi để mẹ nhắc nhở. Hơn thế, cậu bé còn tỏ ra thông minh, lanh lợi và khá hiểu chuyện. Hiện Quốc Anh đang điều hành Câu lạc bộ (CLB) English Speaking dưới sự hỗ trợ của mẹ.
Hãy cùng chúng tôi trò chuyện với chị Huỳnh Kim Thanh – mẹ Quốc Anh và cũng là giáo viên giảng dạy môn Vật lý để biết thêm về bí quyết nuôi dạy con phát triển vượt bậc.
Chân dung chị Huỳnh Kim Thanh - mẹ bé Quốc Anh.
Chị Kim Thanh có phương pháp rèn luyện Tiếng Anh cho con từ rất sớm.
MỞ CLB TIẾNG ANH VỚI MONG MUỐN "TRẢ ƠN"
- Được biết hiện tại, chị và Quốc Anh đang duy trì CLB Tiếng Anh có số lượng thành viên đông đảo. Chị có thể chia sẻ về ý tưởng thành lập CLB không?
Ngay sau khi biết thông tin Quốc Anh đạt IELTS 7.0, nhiều phụ huynh và học sinh cả nước bày tỏ sự ngưỡng mộ. Họ chủ động liên lạc với tôi, mong muốn được chia sẻ về phương pháp và kỹ năng trau dồi Tiếng Anh. Trước đây, con tôi được mọi người trong các hội nhóm hỗ trợ nên mới đạt thành tích tốt như vậy. Giờ tôi cũng muốn giúp đỡ người khác, lan toả năng lượng tích cực. Tôi nghĩ đây cũng là một hành động "trả ơn".
Lúc đầu, Quốc Anh không hào hứng lắm! Nhưng sau khi nghe tôi phân tích và thuyết phục, con vui vẻ đồng ý thành lập CLB English Speaking. Đặc biệt, có một cậu bé lớn hơn Quốc Anh 1 tuổi ở Lai Châu gặp vấn đề về thị giác mong muốn được con hỗ trợ. Chính điều này đã tiếp thêm động lực để 2 mẹ con làm nhiều việc ý nghĩa cho xã hội.
Được sự hỗ trợ của mẹ, Quốc Anh đã và đang điều hành CLB English Speaking hoạt động tốt.
- CLB có phương thức hoạt động ra sao, thưa chị?
Ngay sau khi biết đến kết quả IELTS của Quốc Anh, phụ huynh và học sinh đăng ký tham gia rất đông. Nhưng CLB chỉ nhận 6 thành viên để đảm bảo chất lượng. Đến nay, CLB có 150 học sinh (từ 8 – 15 tuổi) ở nhiều tỉnh, thành phố. Đây là sân chơi trực tuyến để các con cùng nhau phát triển trong học tập. Lớp học diễn ra 1 buổi/tuần, mỗi buổi kéo dài khoảng hơn 1 tiếng.
Khi mới thành lập, tôi phải ngồi cùng con để tổ chức và ổn định lớp. Sau mỗi buổi học, tôi sẽ hướng dẫn Quốc Anh cách điều hành mọi thứ như: Phân bổ thời gian, dẫn dắt câu chuyện, đặt câu hỏi, sửa lỗi phát âm,… Khi đã quen, con tự quản lý lớp dưới sự theo dõi từ mẹ. Lúc này, tôi đỡ vất vả hơn, chỉ hỗ trợ những công việc nhỏ như: Tuyển sinh, gửi thư mời tới phụ huynh và học sinh, lập bảng biểu theo dõi, tìm kiếm tài liệu, mời diễn giả tham gia,…
Tuy nhiên, số lượng thành viên đăng ký tham gia ngày càng đông, nếu vẫn duy trì cách thức cũ sẽ không đảm bảo chất lượng. Để quản lý tốt, tôi hướng dẫn con chia học viên thành 2 lớp: Lớp chẵn và lớp lẻ. Lớp lẻ gồm những bạn có kiến thức nền vững, kỹ năng tốt và có nhiệm vụ điều hành lớp chẵn của mình. Đối với những chủ đề khó, bài tập hóc búa không giải quyết được thì Quốc Anh sẽ đứng ra hỗ trợ. Như vậy, CLB mới hoạt động bài bản, chuyên nghiệp và mở rộng quy mô được.
- Quốc Anh còn nhỏ tuổi nhưng đã "đứng lớp", điều hành một CLB có quy mô không hề nhỏ. Vậy có khi nào con mệt mỏi, rơi vào stress không, thưa chị?
Với tần suất 1 buổi/tuần và thời gian học không quá dài nên con không gặp áp lực, khó khăn gì. Tôi luôn khuyến khích con tập trung nghe thầy cô giảng trên lớp, về nhà sẽ không mất nhiều thời gian ôn luyện. Vì vậy, con sẽ có thời gian để tìm kiếm tài liệu, bài tập để giao cho các học viên. Việc này cũng giúp chính con trau dồi kiến thức Tiếng Anh.
Kết thúc hơn 1 tiếng hướng dẫn các bạn trong CLB, Quốc Anh thường chạy đi chơi đá bóng cùng các bạn gần nhà hoặc chế tạo đồ chơi cho em gái. Vì vậy, con luôn duy trì tâm trạng vui vẻ, sảng khoái, không bị căng thẳng.
Cậu bé thường chơi đá bóng sau những giờ học.
Chị Kim Thanh thường xuyên đưa con đi tham quan cùng các bạn.
- Chị có chia sẻ rằng CLB Speaking English thường xuyên mời diễn giả đến để chia sẻ phương pháp học tập cũng như kỹ năng sống, điều này được các học viên hưởng ứng không?
Thỉnh thoảng, CLB sẽ mời các thầy cô, chuyên gia giúp các thành viên bổ sung kiến thức và kỹ năng. Các bạn nhỏ đều rất hào hứng, say sưa đặt câu hỏi. Đây là nguồn động lực giúp các con tiến bộ hơn từng ngày. Bên cạnh đó, chuyên gia còn chia sẻ nhiều điều quý giá khác như: Kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, thuyết trình, cách quản lý đội nhóm,…
Ngay từ lúc đầu, CLB ra đời không vì lợi nhuận nên tôi và Quốc Anh nhận được sự ủng hộ đông đảo từ mọi người. Vì vậy, khi tôi ngỏ lời mời chuyên gia, khách mời, họ rất vui vẻ và luôn sẵn lòng hỗ trợ. Họ muốn làm nhiều hành động thiết thực giúp ích cho các con.
SẴN SÀNG ĐẦU TƯ START-UP BÁN VÉ SỐ ĐỂ DẠY CON BÀI HỌC VỀ GIÁ TRỊ SỨC LAO ĐỘNG
- Quốc Anh từng chia sẻ với mẹ về ước mơ và dự định tương lai không, thưa chị?
Quốc Anh thay đổi kế hoạch liên tục ấy mà (cười). Tôi biết con còn nhỏ, còn ngây thơ nên kệ cho con phát triển. Khi con đưa ra bất cứ một nghề nào, tôi cũng ủng hộ hết mình.
Hồi nhỏ, Quốc Anh khao khát muốn được làm việc tại NASA. Bởi thời gian đó, con say mê tìm hiểu về vũ trụ, hệ mặt trời,… Tôi vui mừng và động viên con phải cố gắng học thật tốt mới đạt được ước mơ. Lớn hơn một chút, con muốn mở cửa hàng cơm. Con suy nghĩ đơn giản rằng, nếu làm chủ thì ngày nào cũng được thưởng thức món ăn ngon. Tôi bảo con phải học nấu ăn ngon mới thực hiện được ước mơ.
Có lúc con lại muốn trở thành một thầy giáo dạy Toán. Cách đây 4 năm, Quốc Anh thủ thỉ chia sẻ với mẹ muốn đi bán vé số. Con nghĩ rằng nếu một ngày không bán hết các tờ vé, con sẽ đem về và có cơ hội trúng giải độc đắc.
Dù khá buồn cười nhưng tôi nghĩ đây là cơ hội tốt để giúp Quốc Anh hiểu về giá trị sức lao động. Tôi sẵn sàng đầu tư start-up bán vé số của con, bỏ ra một số tiền để mua nhiều tập vé. Quốc Anh được bố chở ra thành phố để bắt đầu công việc mưu sinh. Lý do tôi không cho con bán gần nhà bởi sẽ gặp người quen, họ sẽ mua ủng hộ con. Như vậy, Quốc Anh sẽ thấy việc kiếm tiền là quá dễ dàng.
Kết quả sau một ngày dài, Quốc Anh không bán nổi được một tờ vé nào. Con đi bộ ròng rã gần chục cây số dưới thời tiết nắng nóng nên cơ thể rất mệt mỏi. Thậm chí, con còn làm rách chiếc quần. Qua start-up đó, con không còn đòi đi bán vé số nữa và hiểu ra được nhiều bài học ý nghĩa.
Hè năm lớp 5, con đam mê và muốn học về lĩnh vực tài chính, kinh tế, quản trị,... tôi ủng hộ và cho con học bằng Tiếng Anh. Con chủ động thực hiện các dự án nhỏ cùng với các bạn dưới sự hướng dẫn của một giáo viên chuyên ngành Tiếng Anh Kinh tế ngoài Hà Nội. Hay gần đây nhất, con lại muốn tìm hiểu về tâm lý con người. Trước nhu cầu chính đáng, tôi tạo điều kiện để Quốc Anh tiếp cận với thông tin chính thống, qua đó nâng cao tầm hiểu biết.
Hai vợ chồng chị Huỳnh Kim Thanh.
- Đa số phụ huynh thường chỉ bảo con ngay từ đầu về những khó khăn bởi họ xót con. Vậy vì sao chị lại chọn cách cho con trải nghiệm?
Tôi lấy một ví dụ đơn giản như này, chúng ta thường nói với con rằng: "Con đừng nghịch nồi cơm, có thể con bị bỏng đó!", "Con nghịch nồi điện có thể sẽ bị bỏng, lúc đó con rất đau đấy!". Nhưng những đứa trẻ có nghe không? Tất nhiên là không, vì tò mò nên chúng phải sờ vào cho bằng được, mặc kệ lời cảnh báo.
Vậy thì thay bằng việc nhắc nhở, doạ nạt thì cứ để cho con tự trải nghiệm. Khi va vấp, con sẽ nhận ra mọi thứ cha mẹ nói là không hề sai. Con sẽ thấy cuộc sống không chỉ là màu hồng mà luôn đầy chông gai, thách thức. Đây cũng là cách giúp con trưởng thành, vững vàng bước tiếp về phía trước. Bao bọc chưa bao giờ là cách dạy con thông minh.
Cậu bé Phạm Huỳnh Quốc Anh được mẹ cho trải nghiệm từ rất sớm.
- Vậy chị mong muốn con trai mình sẽ trở thành người như thế nào?
Tôi không mong con giàu có, giỏi giang, trở thành thiên tài này kia. Tôi chỉ mong Quốc Anh là một người tử tế, sống chan hoà, biết yêu thương, giúp đỡ mọi người. Tôi cũng mong Quốc Anh mạnh mẽ, có bản lĩnh để vượt qua những thách thức ở phía trước.
Hiện Quốc Anh đang có những công việc làm thêm nho nhỏ như: Dạy kèm các bạn, lồng tiếng quảng cáo,... Mỗi tháng, con trích ra một khoản tiền từ nguồn thu nhập để ủng hộ Làng Trẻ em SOS tại tỉnh Bến Tre. Từ những việc làm thiết thực, con sẽ học được cách yêu thương, san sẻ khó khăn với người khác.
Ảnh: NVCC