Kỹ năng sống

Cảnh giác bệnh sốt xuất huyết

Kết quả bác sĩ chẩn đoán bé H. bị sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo, nên bác sĩ cho bé nhập viện điều trị tích cực.

Đây là một trong nhiều trường hợp trẻ nhũ nhi dưới 12 tháng tuổi bị sốt xuất huyết nhưng lại có triệu chứng viêm hô hấp trên, khiến cho các bà mẹ mất cảnh giác với bệnh sốt xuất huyết của con mình, cứ tưởng con mình bị viêm mũi họng như mọi khi, tới chừng vô bệnh viện thì đã có biến chứng nặng.

Tại Bệnh viện Cao Hùng, Đài Loan, theo tác giả Nai-Ming Cheng, từ năm 2007-2015 một hệ thống giám sát bệnh sốt xuất huyết cho thấy 35-38% bệnh nhân sốt xuất huyết dương tính trong phòng thí nghiệm bị đau họng, ho và nghẹt mũi, trong đó phân lập được 4 trường hợp có virus sốt xuất huyết trong niêm mạc đường hô hấp trên. Trong một nghiên cứu trên 207 bệnh nhân sốt xuất huyết được báo cáo từ Malaysia, 34% trẻ em và 24% người lớn nhập viện có các triệu chứng của bệnh ho, sổ mũi hoặc đau họng.

Về chuyên môn, virus sốt xuất huyết lây do muỗi vằn truyền khi đốt. Trong thời gian ủ bệnh virus sinh sôi nảy nở trong tế bào miễn dịch, sau đó virus sẽ tràn vào máu. Giai đoạn này là giai đoạn virus máu, tương đương giai đoạn khởi phát với sốt cao liên tục không hạ.

Phần lớn virus sẽ tấn công vào tế bào đích của nó là tế bào nội mô mạch máu gây hiện tượng viêm giãn mạch máu, thất thoát huyết tương và xuất huyết, là cơ chế bệnh sinh chủ yếu của bệnh sốt xuất huyết nặng.

Tuy nhiên một phần virus có thể theo dòng máu để xâm nhập vào tế bào mạch máu ở niêm mạc đường hô hấp gây nên phản ứng viêm tại đây, khiến bệnh nhân bị ho, sổ mũi, nghẹt mũi, nôn ói...

Ngoài ra có thể có một số bệnh nhân đồng nhiễm virus như vừa mắc sốt xuất huyết vừa mắc bệnh cúm.

Trong thời gian hiện nay, bà con mình hãy cảnh giác, tất cả các bé bị sốt thì nên nghĩ ngay đến bệnh sốt xuất huyết trước khi nghĩ đến bệnh khác và nếu sốt quá hai ngày không bớt thì nên đưa bé đến bác sĩ khám ngay để được chẩn đoán sớm, điều trị đúng từ lúc ban đầu.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm