Thủ tướng đề nghị các nhà hoạch định chính sách phải nghiên cứu kỹ, vì lợi ích quốc gia dân tộc, của người dân, không thể chạy theo lợi ích nhóm đối với Quy hoạch điện 8 - Ảnh minh họa: NGỌC HIỂN
Kiến nghị sớm phê duyệt Quy hoạch điện 8
Tại Hội nghị Chính phủ với các doanh nghiệp sáng 11-8, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã kiến nghị Thủ tướng sớm phê chuẩn Quy hoạch điện 8. Theo ông Diên, sau Quy hoạch điện 8 còn có kế hoạch, sau đó còn giúp cho các địa phương bổ sung quy hoạch vùng, tỉnh.
Đồng thời, phê duyệt giá cho những dự án chuyển tiếp bằng cách chấm dứt hiệu lực các quyết định 13, 37, 39 (về phát triển điện mặt trời, điện gió - PV) để giao cho ngành điện đàm phán với các doanh nghiệp chuyển tiếp, xác định giá thị trường. Ngoài ra ông Diên cũng đề nghị phê chuẩn phương án đề xuất thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp.
Trao đổi ngay sau các kiến nghị của Bộ Công thương về Quy hoạch điện 8, Phó thủ tướng Lê Văn Thành cho biết quy hoạch này thực hiện từ tháng 8-2019, trình Chính phủ từ tháng 3-2021 và Thủ tướng chỉ đạo "làm hết sức thận trọng, rà soát kỹ".
Phó thủ tướng cho hay bản thân ông đã chủ trì gần 30 cuộc bàn về quy hoạch này, khi trình lên không đạt về cơ cấu nguồn điện giữa các vùng miền dẫn đến chi phí vận tải quá lớn, do đó phải sắp xếp lại cho phù hợp, hạn chế tổn thất.
Về cơ cấu nguồn điện, Phó thủ tướng cho hay điện mặt trời từ tháng 3 năm ngoái đến nay đã giảm xuống, đang tính chấp nhận khoảng 16.000 MW, trong khi thế giới chỉ chiếm khoảng 3%, dự thảo quy hoạch trước lên tới hàng chục phần trăm. Theo ông Thành, khi điện mặt trời vào lưới sẽ ảnh hưởng đến thủy điện, nhiệt điện phải giảm khiến các nhà máy thiệt hại lớn, như năm ngoái riêng nhà máy của Tập đoàn Dầu khí giảm công suất đến 50%, tổn thất khi mua không dùng được khoảng 14.000 tỉ đồng.
Phó thủ tướng cho biết đến nay còn việc duy nhất là rà soát việc đưa vào quy hoạch những dự án điện mặt trời đã triển khai rồi. Hiện Phó thủ tướng đã yêu cầu Bộ Công thương xác định 3 vấn đề lớn, trong đó xác định thật kỹ 2.428 MW điện mặt trời để báo cáo Thường trực Chính phủ, bởi nếu cho vào tiếp điện mặt trời sẽ tiếp tục ảnh hưởng các nhà máy nhiệt, thủy điện, phát sinh lưới điện...
"Một quy hoạch cực kỳ quan trọng với nền kinh tế, chúng ta mất một năm rưỡi. Phải nói là quá trình nhận thức để triển khai quy hoạch này rất kém", Phó thủ tướng nói và chỉ đạo Bộ Công thương trình trong tuần này để cuối tuần thường trực họp.
Thủ tướng: Điện tái tạo càng nhiều càng tốt, song phải xác định giá
Sau khi bộ trưởng và Phó thủ tướng trao đổi, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng có 5 khâu quan trọng liên quan đến điện, đó là nguồn, truyền tải, phân phối, sử dụng và cái cuối cùng rất quan trọng là "giá điện làm sao phải cạnh tranh".
"Nguồn nào cũng được, nhất là năng lượng sạch, điện gió và mặt trời càng nhiều càng tốt, nhưng vấn đề cuối cùng giá thế nào. Giá điện không thể nào gấp đôi giá các nguồn điện khác, mà chúng ta lại sử dụng nguồn điện này", Thủ tướng nói.
Thủ tướng đặt vấn đề làm sao để có giá ổn định, cạnh tranh để người dân, doanh nghiệp hưởng sự cạnh tranh này một cách hiệu quả nhất. "Tôi đề nghị làm rõ chỗ này, chưa rõ thì chưa duyệt. Tất nhiên phải làm nhanh, có hiệu quả", Thủ tướng nhấn mạnh.
Liên quan đến giá điện mặt trời, Thủ tướng cho hay nếu Nhà nước mua theo quy hoạch, đúng quy định nhà nước thì không sao, nhưng "anh không đúng quy định mà bắt phải mua, sai chồng sai, anh đã lấn chiếm rồi mà bắt tôi đền bù sao được".
Thủ tướng đề nghị các nhà hoạch định chính sách phải nghiên cứu kỹ, vì lợi ích quốc gia dân tộc, của người dân, không thể chạy theo lợi ích nhóm, lợi ích của một số người bởi tất cả sẽ tính vào giá điện.
"Chúng ta làm tất cả vì lợi ích quốc gia dân tộc, tất cả vì lợi ích của nhân dân, hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước, đạt được mục tiêu đó thì làm được. Còn nếu không đạt mục tiêu đấy thì nóng ruột mấy cũng phải kiên trì, tất nhiên không kiên trì đến mức trì trệ", Thủ tướng nói.
Thủ tướng tâm sự bản thân ông cũng sốt ruột đối với quy hoạch này, hằng tuần đều nhắc nhở, song phải nghiên cứu kỹ, đánh giá khách quan, đặt mục tiêu của quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết.