Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng và Thủy văn quốc gia, hôm nay (5/8), khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có dông với lượng mưa phổ biến 20-50mm, có nơi trên 100mm. Riêng khu vực Đông Bắc Bắc Bộ có mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 40-70mm, có nơi trên 120mm. Khu vực từ Nghệ An, Hà Tĩnh có mưa rào và dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to với lượng mưa từ 10-30mm, có nơi trên 50mm.
Trung tâm Khí tượng và Thủy văn quốc gia cảnh báo trong 6 giờ tới có 52 huyện, thị xã, thành phố ở khu vực miền núi phía Bắc có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét.
Tình trạng này có thể gây tác động rất xấu đến môi trường, uy hiếp tính mạng của người dân; gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, làm ảnh hưởng tới quá trình di chuyển của các phương tiện; phá hủy các công trình dân sinh, kinh tế gây thiệt hại cho các hoạt động sản xuất, hoạt động kinh tế - xã hội.
Mưa lớn kéo dài có nguy cơ gây lũ quét, sạt lở đất ở các tỉnh miền núi phía Bắc
Để đảm bảo an toàn cho người dân, Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai yêu cầu các địa phương theo dõi sát diễn biến mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.
Các địa phương triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất.
Cùng với đó, các địa phương cần tổ chức lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, cắm biển cảnh báo, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn.
Theo Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai, trong những ngày qua, tình hình mưa lũ kéo dài tại các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên đã khiến 1 người chết (huyện Đăk Mil, tỉnh Đắc Nông) do bị nước cuốn trôi khi lội qua suối và 1 người (huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) mất tích vẫn chưa tìm thấy.
Mưa lũ cũng khiến khoảng 100 ngôi nhà bị hư hỏng và gần 300 ngôi nhà bị ngập, trong đó chủ yếu là các tỉnh Tây Nguyên. Đặc biệt, có gần 8.880 ha lúa, hoa màu ở các tỉnh bị ngập úng, thiệt hại, gần 175 ha ao hồ bị tràn, vở. Cùng đó, ở các tỉnh miền núi phía Bắc, mưa lũ gây sạt lở 8.400 m3 đất, đá đường giao thông nông thôn và một số cầu dân sinh, cống thoát nước bị hư hỏng, cuốn trôi.
Các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất đá trong 6 giờ tới
Lai Châu: Mường Tè, Nậm Nhùn, Than Uyên, Phong Thổ, Tam Đường, Tân Uyên
Sơn La: Quỳnh Nhai, Sông Mã, Sốp Cộp, Thuận Châu, Mai Sơn, Mộc Châu, TP Sơn La, Yên Châu, Vân Hồ
Điện Biên: Điện Biên, Điện Biên Đông, Mường Chà, Mường Nhé, Nậm Pồ, TX Mường Lay, Mường Ảnh, TP Điện Biên Phủ, Tủa Chùa, Tuần Giáo
Hòa Bình: Lương Sơn, Đà Bắc, Kim Bôi, Cao Phong, TP Hòa Bình, Kỳ Sơn, Lạc Thủy
Phú Thọ: Tân Sơn, Thanh Sơn, Thanh Thủy, Yên Lập
Lạng Sơn: Hữu Lũng, Chi Lăng
Quảng Ninh: TP Hạ Long, Vân Đồn, Tiên Yên, Hải Hà, Đầm Hà, Bình Liêu
Thanh Hóa: Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Thường Xuân
Nghệ An: Con Cuông, Kỳ Sơn, Quế Phong, Tương Dương