Chứng khoán

Cạm bẫy trên sàn Forex

Hội nhóm hàng trăm người

Anh Trần Mạnh Tân (Long Biên, Hà Nội) chia sẻ, vào một hôm, tài khoản Zalo của anh được thêm vào một nhóm chát có tên: 2.1 Chiến lược đầu tư với 699 thành viên. Trong nhóm này, một số thành viên chủ chốt dụ người chơi mua các cổ phiếu nước ngoài, mà thông tin mới nhất là giới thiệu cùng nhau giữ mã ROCHE để nhận cổ tức hơn 10 USD/cổ phiếu/năm.

Khi vào nhóm lập tức có tin nhắn chúc mừng một thành viên đã kích hoạt tài khoản 40.000 USD để mua mã này. Sau khi vào nhóm chung, sẽ có người mời kết bạn riêng và mở tài khoản để đặt lệnh và chuyển tiền, rút tiền ra sao.

Còn anh T.T.Đ. (phố Bà Triệu, Hà Nội) cho biết, anh là người chủ động chơi forex. Nhưng khi tham gia vào rồi anh mới biết nếu muốn rút được tiền về tài khoản ngân hàng của mình, thì phải nộp thêm tiền vào tài khoản cho một người khác.

“Chơi vài triệu còn được, sau đó tôi bị ép là phải nộp thêm vào tài khoản hơn 20 triệu đồng. Tôi biết ngay là đã bị lừa nên quyết định dừng lại nhanh”- anh Đ. chia sẻ.

Song không phải ai cũng như anh Tân, hay anh Đ., ông Nguyễn T. (Cà Mau) kể lại chuyện, qua Facebook, năm ngoái, ông bị một số đối tượng lừa tham gia sàn StockX với lợi nhuận 200 - 600%. Đầu tiên, một nữ môi giới tên Hân tiếp cận ông qua mạng xã hội, mời chào mở thử tài khoản sẽ được tặng ngay 3 triệu đồng. Nửa tin nửa ngờ, ông tải ứng dụng về và nạp thử 5 triệu đồng, ngay lập tức sàn tặng 3 triệu đồng và ông rút về thành công cả lãi là 8 triệu đồng.

Thấy lãi cao, rút tiền về thành công nhanh chóng, ông T. đã nạp tổng cộng 6 lần vào tài khoản với tổng số tiền đầu tư 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, đầu năm nay, khi số tiền lời lên đến 4 tỷ đồng, ông thực hiện yêu cầu rút tiền, thì sàn không cho và yêu cầu đóng 20% thuế (800 triệu đồng).

“Lúc đó, tôi đã nghi ngờ lừa đảo nên không đồng ý, song nhân viên sàn dọa sẽ đóng băng tài khoản nếu không thực hiện lệnh rút. Với hy vọng gỡ gạc, tôi vay mượn 800 triệu đồng nạp vào tài khoản, nhưng sàn vẫn loanh quanh không cho rút và chặn số điện thoại, đóng tài khoản của tôi. Lúc này, tôi mới biết bị lừa” - ông T. nói.

Một trường hợp khác, chị Ngọc Hương kể, qua hội nhóm chị kết bạn với một người có Zalo tên Hiệp. Hiệp giới thiệu chị Hương tham gia sàn VTMarkets, muốn mở tài khoản cần có địa chỉ gmail, số điện thoại chính chủ, và căn cước công dân. Chỉ cần nạp tiền VNĐ, tài khoản sẽ tự động quy đổi ra USD giao dịch mã quốc tế. Sau hơn 1 tháng liên lạc qua điện thoại cũng như qua Zalo rất loằng ngoằng, chị được hứa tư vấn "1-1" trong suốt quá trình đặt lệnh và chỉ có sinh lợi mà thôi.

Lần đầu tiên chị Hương đã nạp theo yêu cầu tối thiểu 200 USD vào tài khoản của một công ty thanh toán trung gian. Mấy hôm đầu chị đã được chỉ cách để mua cổ phiếu của các hãng nổi tiếng thế giới, rồi mua dầu, mua vàng. Sau 2 tuần đầu tài khoản có lãi, nhưng bước đến tuần 3 thì tài khoản âm. Sau đó chị được môi giới mời gọi, gửi các bản tin hàng ngày, chị nộp thêm tiền nhưng càng chơi càng lỗ. Chị quyết định im lặng và không dám kể với người nhà là đã mất bao nhiêu tiền vào forex.

Nhiều người bị lừa nhưng không dám lên tiếng

Ủy ban Chứng khoán nhà nước đã từng có cảnh báo nhà đầu tư về các sàn giao dịch chứng khoán quốc tế. Cơ quan này “chỉ mặt” một số sàn mạo danh chứng khoán quốc tế như BE Exchange, DK-Trade, FTXtrade.com, LCM, Multibankfx… đang mời chào nhà đầu tư Việt.

Theo luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI, thời buổi công nghệ người dân giao dịch qua mạng nhiều thì các tình huống lừa đảo ngày càng tinh vi. Số trường hợp báo chí phản ánh bị mất tiền, bị lừa chuyển tiền, chỉ là số ít vì trong thực tế còn hàng nghìn trường hợp khác mất tiền nhưng không dám chia sẻ, báo công an.

Ông Đức phân tích, các vụ lừa đảo tiền triệu, chục triệu đồng đến những vụ lừa đảo mất tiền tỷ khi chơi tiền ảo, đánh forex thực ra đều do lỗi hệ thống. Đối tượng lừa đảo sử dụng công nghệ cao để lừa đảo để rồi khi cơ quan phát hiện ra đường dây lừa đảo, chặt nhánh này, nó lại mọc ở nhánh khác.

“Cơ quan quản lý cũng muốn làm đến cùng nhưng điều tra vụ việc lừa đảo trên mạng gặp nhiều khó khăn vì đối tượng thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn nhằm che giấu hành vi phạm tội ” - luật sư Đức nói.

Theo đánh giá, các sàn chứng khoán mà môi giới quảng cáo là của nước ngoài thực ra là lừa đảo. Nhà đầu tư giao dịch trên sàn này thực chất là chơi với chủ sàn, chứ không phải giao dịch cổ phiếu trên sàn quốc tế như họ lầm tưởng. Vì thế, toàn bộ tiền thua hay thắng của nhà đầu tư đều do chủ sàn tự điều khiển. Sau khi chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư, các đối tượng đánh sập sàn giao dịch để tránh sự truy vết của cơ quan công an.

Các chiêu thức lừa đảo liên tục được cảnh báo. Hàng loạt sàn forex, chứng khoán quốc tế… quy mô hàng nghìn tỷ đồng đã bị lực lượng công an triệt phá. Dấu hiệu lừa đảo của các sàn này cũng rất rõ, sàn quốc tế nhưng trang web chủ yếu là thông tin tiếng Việt, số tài khoản nhận tiền cũng là của người Việt, địa chỉ công ty chủ yếu ở các quốc đảo vốn được mệnh danh là thiên đường trốn thuế... Tuy vậy, do nhẹ dạ cả tin nên nhiều nhà đầu tư vẫn sập bẫy.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm