“TÔI ĐÃ BÁN XE CỦA MÌNH CHO BẠN GÁI VÌ GIÁ XĂNG QUÁ CAO”, Justice Alexander, một người sáng tạo nội dung tại Los Angeles cho biết trong một clip quay TikTok. Trong video, anh đang ngồi trên lưng một con ngựa và tuyên bố đây sẽ là phương tiện di chuyển mới của mình.
Cho đến nay, clip này đã đạt gần 10 triệu lượt xem trên TikTok. Alexander, dù đính chính lại đây chỉ là một trò đùa, và thực tế là gia đình anh vẫn đi xe xăng, song vẫn rất nhiều người like và share đoạn video gây cười này. Cũng bởi nó nói lên “nỗi lòng” hiện tại của người dân Mỹ: lo vì xăng tăng giá.
Theo New York Times, ngoài việc bày tỏ nỗi thất vọng ê chề, ngày càng nhiều người Mỹ đang phải thắt lưng buộc bụng, cân nhắc đổi giờ làm việc hoặc chấp nhận đến các trạm xăng ở xa, cốt để mua xăng với giá rẻ nhất có thể.
Ava Patterson, 25 tuổi, hiện đang làm bồi bàn tại nhà hàng hải sản ở East Peoria. Mỗi khi thấy bình xăng sắp cạn, cô sẽ mở điện thoại và truy cập ứng dụng có tên GasBuddy để kiểm tra giá xăng tại các trạm gần nhất. Tiếp đó, Ava tính số tiền phải trả nếu đổ đầy bình ở từng trạm và chọn nơi giá rẻ nhất. Việc cuối cùng cần làm là báo lại mức giá đó lên ứng dụng để kiếm điểm thưởng; nếu đủ điểm sẽ được đổi xăng miễn phí. Với cách làm như vậy, Ava có thể tiết kiệm được 2,3 USD mỗi lần đổ xăng.
Ngày càng nhiều người Mỹ đang thắt lưng buộc bụng, cân nhắc đổi giờ làm việc để mua xăng với giá rẻ nhất có thể
Hiện tại, chiếc xe của Ava tiêu tốn 80 USD mới đổ đầy bình. Mức giá vẫn khá cao nên cô cũng hạn chế việc lái xe bằng cách không đến xem các buổi thi đấu thể thao vào cuối tuần.
“Tôi bắt đầu nhận nhiều ca hơn trong ngày, cùng một công lái xe đi làm mà. Lương phục vụ thường không cố định nên tôi sẽ rất cân nhắc mỗi khi ra khỏi nhà”, cô nói.
Theo một cuộc khảo sát được Hiệp hội Xe hơi Mỹ thực hiện đầu năm nay, 75% người Mỹ ở độ tuổi trưởng thành cho biết sẽ thay đổi lối sống và thói quen do xăng tăng giá chóng mặt.
Một số chọn cách hạn chế lái xe, số khác lại sẵn sàng tới các trạm đổ xa hơn để giá xăng mua được rẻ. Câu chuyện của Tawaine Hall (36 tuổi), một kỹ sư mạng tại Fort Worth là một ví dụ.
Hàng ngày, người đàn ông này sẽ lái xe 45 phút từ nhà đến trạm đổ xăng ở xa, cốt để tiết kiệm khoảng 1 USD. Hall còn mua thêm thẻ quà tặng của Walmart để được mua xăng giá rẻ tại các trạm thuộc chuỗi siêu thị này.
Jordan Rowe (27 tuổi) cũng đành lái xe 25 phút tới các trạm xăng chấp nhận thanh toán qua ứng dụng tích lũy điểm. Anh muốn mình được hưởng ưu đãi trong những lần đổ kế tiếp.
Người Mỹ cũng đang tính đến phương án đi chung xe cho tiết kiệm
Theo New York Times, người Mỹ cũng đang tính đến phương án đi chung xe cho tiết kiệm. Nhu cầu tăng cao khiến các các công ty điều phối xe ăn nên làm ra.
Jennifer Gebhard, Giám đốc điều hành Cơ quan Giao thông Vận tải Khu vực Trung tâm Indiana, cho biết trong thời gian xảy ra đại dịch, nhóm của cô vận hành một đội gồm 10 xe tải. Hiện tại, con số đã lên 30 xe, trong bối cảnh ngày càng nhiều doanh nghiệp địa phương muốn thuê xe đưa đón nhân viên và chia chi phí theo đầu người.
Trước đây, Alexa Lopez (30 tuổi, Florida) sẽ tới các cửa hàng tạp hóa bất cứ lúc nào cô thích. Giờ đây, do lạm phát, người mẹ 1 con này chỉ dám mua sắm 2 tuần/lần. Đồ ăn nhẹ, chẳng hạn như khoai tây chiên, cũng phải hạn chế.
Elizabeth Hjelvik (26 tuổi), sinh viên thuộc Đại học Colorado, cũng bắt đầu đạp xe đến trường để tiết kiệm chi phí. Các chuyến về nhà thăm bố mẹ đẻ ở bang khác trở nên xa xỉ hơn bao giờ hết, trong bối cảnh ngân sách chi tiêu hàng tháng tăng cao bất ổn.
Theo: New York Times