Phòng tránh rủi ro
Chị Đỗ Thu Nga (sinh năm 1994, Cầu Giấy, Hà Nội) hiện là nhân viên tại một công ty dịch vụ tài chính cho biết, trong giai đoạn kinh tế khó khăn như hiện nay, việc nhiều công ty cắt giảm chi phí để tái cấu trúc các hoạt động là điều dễ hiểu. Trong đó, việc cắt giảm nhân sự và giảm quỹ lương diễn ra khá phổ biến.
Chị Nga cho hay, thu nhập trước đây là 30 triệu/tháng, nhưng do tình hình kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nên hiện công ty chỉ trả được 15 triệu đồng/tháng, bằng một nửa so với trước đây.
“Vậy nên những hoạt động chi tiêu, mua sắm, sinh hoạt cá nhân phải đặc biệt chú trọng, cân nhắc kỹ lưỡng các chi phí tránh để phát sinh thêm, kiểm soát chặt chẽ tài chính cá nhân nhằm tránh các rủi ro khôn lường có thể xảy ra”, Nga phân tích.
Nga cho rằng, để tránh rủi ro tài chính, trước hết cần phải xây dựng thêm các nguồn thu nhập khác nhau. Đồng thời không ngừng phát triển bản thân, giảm tối đa nguy cơ thất nghiệp hay thiếu việc làm.
Cần phải lập kế hoạch tài chính rõ ràng để phòng tránh các biến cố xảy ra với bản thân
“Đặc biệt cần lên kế hoạch chi tiêu phù hợp nhất. Xây dựng quỹ phòng rủi ro và đóng đầy đủ các bảo hiểm cần thiết. Bởi vì, bảo hiểm sẽ là cứu cánh lớn lớn nhất khi rủi ro ập tới”, Nga nói.
Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Trường, chủ một xưởng cơ khí tại huyện Hoài Đức, TP.Hà Nội cho rằng, thị trường liên tục biến động, không ổn định như năm nay. Vậy nên, buộc phải xây dựng một kế hoạch hoạt động chi tiêu cá nhân thật chi tiết để vượt qua giai đoạn biến động này.
Theo anh này, việc chi tiêu các nhân cần phải hoạch định rõ ràng, chi phí sinh hoạt cho cả gia đình khoảng 50%, số tiền còn lại sẽ được dành cho quỹ dự phòng những trường hợp xảy ra ngoài ý muốn.
“Rủi ro xảy ra khi chúng ta chi tiêu vượt quá mức kiếm được. Có thể số tiền kiếm ra không đủ đáp ứng nhu cầu cần thiết. Như vậy, sẽ rơi vào trường hợp khẩn cấp, buộc chúng ta phải tiêu tiền”, anh Trường phân tích.
Theo anh Trường, cách đơn giản để tránh rủi ro là cố gắng giảm chi tiêu cá nhân như: mua sắm, tụ tập bạn bèn. Bên cạnh đó, tìm cách kiếm thêm thu nhập để bổ trợ cho việc chi tiêu hàng tháng. Thiết lập một quỹ khẩn cấp là cần thiết trong bất kỳ trường hợp rủi ro nào xảy ra.
“Đặc biệt, quản lí ngân sách không chỉ đơn giản là thanh toán các hóa đơn đúng hạn mà là việc xác định số tiền cần phải chi tiêu và phải chi tiêu cho những khoản mục nào? Vì thế, phải có kế hoạch chi tiêu phù hợp với mục tiêu tiết kiệm của mình”, anh Trường nói thêm.
Dành 50% thu nhập để tiết kiệm
Giới chuyên gia cho rằng, để bắt đầu việc này, hãy dành ra không quá một nửa thu nhập của chúng ta cho những nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống. Có thể 50% là một tỷ lệ cao nhưng một khi xem xét những danh mục thuộc các chi phí cần thiết thì sẽ thấy con số đó có ý nghĩa. Trong đó, cần phải xây dựng một cách rõ ràng, chi phí thiết yếu là các khoản mà chắc chắn phải bỏ ra bất kể sống ở đâu, làm gì hay có kế hoạch gì trong tương lai. Thông thường, những chi phí này sẽ khá giống nhau ở hầu hết mọi người, bao gồm tiền ăn, tiền ở, chi phí đi lại và các hóa đơn tiện ích như điện, nước, cước viễn thông...
Theo các chuyên gia, phải cố gắng để tổng chi phí thiết yếu không vượt quá 50% thu nhập. Nhưng nếu con số đó lớn hơn 50%, hãy thử giảm tiền các hóa đơn xuống như sử dụng phương tiện công cộng thay vì phương tiện cá nhân,… Nếu không thể làm được điều đó nữa thì bắt buộc chúng ta phải giảm 5% ở các danh mục tiếp theo, nhưng vẫn phải có mục tiêu tài chính rõ ràng.
Ngoài ra, nên dành 20% lương để phục vụ mục tiêu tài chính bao gồm tiết kiệm, trả nợ và quỹ dự phòng. Danh mục này chỉ nên được bổ sung khi danh mục chi phí thiết yếu đã được xét đến và trước khi nghĩ đến bất cứ điều gì thuộc danh mục chi tiêu cá nhân.
Vậy nên, nếu đạt được mục tiêu 50% hoặc ít hơn thu nhập dành cho chi phí thiết yếu và 20% hoặc lớn hơn dành cho mục tiêu tài chính, thì sẽ có thể trả nợ nhanh hơn hoặc nếu không cũng sẽ ít phải lo lắng hơn khi bước vào giai đoạn có tuổi đời lớn hơn. Mục tiêu là phải tiết kiệm sớm, đây không phải là chuyện tích góp hằng ngày mà là mục tiêu tài chính lớn của cá nhân.
Trong đó, những chi phí để phục vụ cuộc sống cá nhân bao gồm tiền điện thoại, thực phẩm giải trí, du lịch, mua sắm,…Cũng giống như danh mục chi phí thiết yếu, 30% là tỷ lệ tối đa các cá nhân nên dành cho cuộc sống. Chi phí thuộc danh mục này càng ít, thì tương lai tài chính càng được đảm bảo khi chúng ta nghỉ hưu.
Vì vậy, thiết lập các thói quen tốt cũng sẽ giúp chúng ra có một cuộc sống hạnh phúc. Cũng không cần phải có một nguồn thu nhập cao mới có thể áp dụng phương pháp này, ai cũng có thể áp dụng chúng tương ứng với mức lương của họ nhận được hàng tháng.