Yêu cầu triệu tập đại hội đồng cổ đông bất thường được đưa ra hôm 9/1 từ ông Lê Viết Hải, cổ đông lớn đang nắm 17,14% vốn của Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC), là động thái mới nhất trong cuộc "tranh chấp quyền lực" đang xảy ra tại công ty này. Cụ thể, ông Hải đề nghị bãi nhiệm và bầu bổ sung một số thành viên HĐQT, thay đổi điều lệ công ty, đính chính và làm sáng tỏ các thông tin tài chính.
Nguồn cơn cuộc tranh chấp chức Chủ tịch HBC
Ngày 14/12/2022, Hội đồng quản trị Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình công bố nghị quyết số 50 và số 51 với năm nội dung chính là chấp thuận đơn từ nhiệm chức Chủ tịch HĐQT, từ nhiệm tư cách Thành viên HĐQT của ông Hải; bổ nhiệm chức vụ Tổng giám đốc cho ông Lê Viết Hiếu (con trai ông Hải); thành lập Hội đồng sáng lập và bổ nhiệm ông Nguyễn Công Phú, thành viên HĐQT độc lập, vào ghế Chủ tịch HĐQT.
Lúc đó, ông Hải cho biết từ nhiệm vị trí chủ tịch nhằm đảm bảo tính pháp lý cho con trai đảm nhận chức tổng giám đốc, đồng thời lập ra Hội đồng sáng lập và giữ chức chủ tịch. Hội đồng này sẽ tham mưu, tư vấn và phản biện cho HĐQT cũng như ban điều hành trước những quyết định lớn như sửa đổi điều lệ, bắt đầu một loại hình kinh doanh mới, các hợp đồng mua bán – sáp nhập, các dự án đầu tư trên 100 tỷ đồng... Hai hội đồng sẽ làm việc trên nguyên tắc đồng thuận.
"Với cách làm như vậy, tôi vẫn kiểm soát công ty chứ không mất quyền hoàn toàn", ông Hải nói, đồng thời khẳng định những quyết định trên được 8/8 thành viên HĐQT đồng thuận.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Công Phú, người dự kiến trở thành chủ tịch HBC từ ngày 1/1/2023 - khẳng định thông điệp ngược lại khi cho rằng Hội đồng sáng lập có chức năng như một hội phi lợi nhuận và không có quyền phủ quyết các quyết định của HĐQT.
Trong cuộc gặp báo chí giữa tuần trước, ông Phú cho biết thêm về nguyên nhân khiến ông Hải rời vị trí chủ tịch là do một số thành viên HĐQT đã "phát hiện những sai phạm tài chính" nên tạo sức ép.
"Nếu như em không từ nhiệm, tụi anh sẽ họp Hội đồng quản trị và bãi nhiệm với những bằng chứng này", ông Phú kể lại nội dung trao đổi với ông Hải và khẳng định bản thân ông là người độc lập, tự do nên không bao giờ chấp nhận là "một con rối của ai". Ông nói thêm, kể cả có trở thành chủ tịch công ty, ông cũng không mua cổ phiếu để giữ sự độc lập.
Vì sao ông Hải hoãn quyết định từ nhiệm chủ tịch?
Ngày 26/12/2022, ông Lê Viết Hải thông qua người phụ trách quản trị công ty triệu tập cuộc họp HĐQT bất thường vào ngày 29/12/2022 để thảo luận về việc hoãn thi hành một số nội dung của nghị quyết số 50 và số 51.
Giải trình với HoSE cuối tuần trước về việc này, ông Hải cho biết sau khi hai nghị quyết trên ban hành, công tác quản trị, điều hành doanh nghiệp phát sinh một số bất cập liên quan đến cơ chế hoạt động và vận hành của Hội đồng sáng lập. Do đó, hoãn thi hành các nghị quyết 50 và 51 là để "củng cố cơ sở pháp lý, thiết lập vững chắc mô hình quản trị mới" và "đảm bảo tính liên tục trong việc điều hành công ty vào thời điểm Tết Nguyên đán. Bởi thay đổi người đại diện pháp luật sẽ tạo điểm nghẽn trong thanh toán và quyết toán".
Tuy nhiên, cuộc họp đầu tiên này không thể diễn ra do phân nửa thành viên thông báo vắng mặt (5/8 thành viên HĐQT tham dự mới đủ điều kiện). Đến 27/12/2022, ông Hải lại thông báo triệu tập một cuộc họp trực tuyến vào ngày 31/12/2022 với nội dung tương tự. Bốn thành viên HĐQT gồm ông Phú, ông Dương Văn Hùng, ông Lê Quốc Duy và ông Albert Antoine phản hồi không tham dự nên cuộc họp tiếp tục không đủ điều kiện tiến hành.
Ngay sau đó, ông Hải triệu tập cuộc họp trực tuyến tiếp theo qua Viber vào lúc 13h30 cùng ngày và kéo dài đến 23h40 – theo biên bản mà Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình gửi Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE). Biên bản cũng thể hiện cuộc họp có 5/8 thành viên tham dự, trong đó ông Phú "có ý kiến qua Viber – Group Hội đồng quản trị". Các nội dung thảo luận nhận được ba phiếu tán thành, một phiếu không ý kiến và một phiếu không tán thành (từ ông Phú). Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đăng tải nghị quyết số 53 về việc hoãn thi hành nghị quyết số 50 và số 51 trên website công ty ít phút trước khi bước sang năm mới 2023.
Quyết định lập tức vấp phải phản ứng từ ông Phú và những thành viên HĐQT không tham dự cuộc họp. Ông Phú khẳng định đã từ chối tham gia cuộc họp (tin nhắn qua Viber của ông "không tán thành", tức là không tham gia cuộc họp trực tuyến chứ không phải là ý kiến về nghị quyết 53) vì nó được triệu tập không đúng với điều lệ, dẫn đến việc thông qua bất kỳ quyết định hay nghị quyết nào đều không hợp lệ.
Hành động này, theo ông Phú, là "bất thình lình" nhằm ngăn cản việc ông chính thức trở thành Chủ tịch HBC và gọi đó là động thái nhằm níu kéo một cách tuyệt vọng vị trí chủ tịch của ông Hải. Ông Phú cùng các thành viên khác đã lập vi bằng những tin nhắn, nội dung trao đổi giữa hai bên liên quan cuộc họp.
"Việc ông Hải tự ban hành nghị quyết số 53 là không có căn cứ và không có cơ sở pháp lý để thực hiện", ông Phú (thông qua người được ủy quyền là ông Dương Văn Hùng) viết trong đơn trình báo gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) chưa đầy một ngày sau khi nghị quyết được công bố.
Nội dung đơn trình báo khẳng định việc HĐQT bổ nhiệm ông Phú làm người đứng đầu Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình nhằm mục tiêu duy nhất là khắc phục tình trạng khó khăn và thực hiện những cải cách tất yếu để đảm bảo cho sự phát triển của công ty trong tương lai. Theo ông Phú, công ty khi đó đối diện với muôn vàn khó khăn mà nguyên nhân chính do sự điều hành yếu kém của ông Hải trong nhiều năm và xuất hiện những khoản chi không hợp lệ cho công ty con.
Tuy nhiên, ông Hải lại cho rằng điều ông Phú làm đi ngược lại với những tuyên bố. "Động cơ thật sự của các thành viên này không gì khác hơn là giành quyền kiểm soát để dễ bề thao túng với mục đích trục lợi cá nhân. Không loại trừ động cơ của các hành vi này còn tạo điều kiện cho các thế lực bên ngoài thâu tóm công ty", ông Hải viết trong thư gửi cổ đông và thư gửi nhân viên.
Ai đang là Chủ tịch HĐQT HBC?
Sau cuộc họp ngày 31/12/2022 và nghị quyết 53 được công bố, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình vẫn chưa tổ chức cuộc họp HĐQT nào khác. Thông qua thư gửi cổ đông mới đây, ông Hải khẳng định "chỉ những thông tin được phát ngôn chính thức bởi Chủ tịch HĐQT Lê Viết Hải – người đại diện pháp luật của công ty – mới có giá trị và phản ánh đúng sự thật về tình hình của công ty. Mọi thông tin, nội dung, văn bản không được ban hành chính thức từ tập đoàn và đại diện pháp luật là ông Lê Viết Hải đều không có giá trị".
Phía ông Phú cũng cho biết đã gửi đơn đến SSC và HoSE đề nghị xác nhận tính hợp pháp của nghị quyết này. Theo ông Phú, việc ông được bầu làm chủ tịch từ 1/1/2023 có 8/8 thành viên HĐQT đồng thuận và đã ban hành nghị quyết. Còn với nghị quyết hoãn việc ông làm chủ tịch là "không đúng quy định" vì chỉ có 4/8 thành viên dự họp.
Theo đó, từ ngày 1/1/2023, cả ông Hải lẫn ông Phú đều cho rằng mình là chủ tịch hợp pháp của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình.
Nhìn nhận về diễn biến này, ông Lương Huy Hà, Giám đốc Công ty Luật LawKey nói với VnExpress rằng, trường hợp nghị quyết số 53 được ban hành không hợp lệ thì nó vẫn có giá trị thi hành (bởi nó đang có hiệu lực) cho đến khi HĐQT ban hành một nghị quyết thay thế hoặc có cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu ít nhất 1% tổng số cổ phần yêu cầu (hoặc khởi kiện) Tòa án đình chỉ thực hiện hoặc hủy bỏ nghị quyết này và được Tòa án chấp thuận. Do đó, theo ông Hà, hiện ông Lê Viết Hải sẽ vẫn là Chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình.
Sáng 10/1, ông Hải và ông Phú đã có cuộc làm việc riêng với nhau, tuy nhiên hai bên chưa tiết lộ nội dung và những diễn tiến mới.