Bố già bất động sản Phùng Luân, nhà sáng lập Tập đoàn bất động sản Vantone là huyền thoại trong giới kinh doanh Trung Quốc. Ở tuổi 32, ông rời bỏ vị trí công chức ổn định, cùng 5 người bạn khởi nghiệp với 30.000 NDT (~70 triệu đồng).
Hành trình lăn lộn hơn 30 năm trên thương trường, từng bị chủ nợ đến tận nhà đòi tiền, trong nhà thậm chí còn không có giường cho đến khi sở hữu khối tài sản khổng lồ 2 tỷ NDT (gần 7.000 tỷ đồng) của ông là nguồn cảm hứng lớn của giới trẻ đất nước tỷ dân.
Phùng Luân. Ảnh: Toutiao
Phùng Luân từng trả lời phỏng vấn rằng ông không phải người tin vào thuyết định mệnh. Trong cuốn sách “Sự cứng rắn là kỹ năng” của ông cũng đề cập đến những yếu tố quyết định đến thành công trong tương lai của một người không phải định mệnh, mà là 2 điều này. Nếu bạn có thể hiểu thấu đáo, bạn sẽ cách thành công không xa.
1. Thời gian làm nên con người vĩ đại
Trong nhịp sống hối hả, ai cũng bị bủa vây bởi muôn vàn cám dỗ, nhìn người khác đạt được thành công lại ước mình có thể tìm ra con đường tắt dẫn đến thành công. Nhưng sự thật là chẳng có lối tắt nào trên thế giới này cả. Ngược lại, những người ổn định và thực hiện từng bước một là những người có thể đạt được nhiều thành tựu nhất.
Phùng Luân từng nói: "Thời gian dài thường có thể thay đổi giá trị của sự vật hoặc con người. Có những việc tưởng chừng như không đáng kể, lặp lại một hai lần cũng chỉ là hành động bình thường. Tuy nhiên, lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ tạo nên điều kỳ diệu không ngờ".
Trong cuốn sách, Phùng Luân đã đưa ra một ví dụ về Vương Thị, một người yêu thích leo núi và chèo thuyền nhưng không được ai tin tưởng vào khả năng. Vương Thị không quan tâm đến sự nghi ngờ của mọi người, chỉ tập trung đặt ra mục tiêu và thực hiện chúng.
Kết quả là ông đã dành 10 năm để leo lên những đỉnh núi cao nhất ở các châu lục, đi bộ đến giới hạn của cực bắc và cực nam và trở thành Phó chủ tịch 1 hiệp hội leo núi. Sau đó, Vương Thị tiếp tục học chèo thuyền 10 năm, hầu như ngày nào cũng tập luyện. Ông cũng trở thành chủ tịch Hiệp hội chèo thuyền châu Á, quảng bá chèo thuyền trên toàn quốc. Vương Thị chỉ tập trung vào một thứ, dành toàn bộ thời gian cho nó đạt được những thành tựu mà người bình thường không thể vượt qua.
Ai cũng mong thành công, may mắn và tránh được nhiều đường vòng. Tuy nhiên, đừng quên rằng tất cả những thành công đều cần có sự tích lũy thời gian và trải nghiệm.
Huyền thoại bơi lội Michael Phelps bắt đầu học bơi từ năm 7 tuổi. Huấn luyện viên Bowman của anh yêu cầu Phelps tập luyện 7 ngày một tuần và bơi ít nhất 5 giờ mỗi ngày. Năm 2001, cậu bé 15 tuổi Phelps đã phá kỷ lục thế giới bơi bướm 200m và giành chức vô địch thế giới đầu tiên trong sự nghiệp tại Giải vô địch thế giới cùng năm.
Kình ngư Michael Phelps. Ảnh: NPR
Tuy nhiên, sau trận đấu, thứ chào đón anh không phải là một màn ăn mừng mà là một buổi huấn luyện khó hơn. Kiểu huấn luyện lặp đi lặp lại này là bình thường với Phelps. Trong sự nghiệp của VĐV này, anh chỉ có 5 ngày không tập dưới nước. "Nếu bạn nghỉ ngơi một ngày, sức lực của bạn sẽ giảm trong hai ngày", Phelps nói.
Thời gian là công bằng với tất cả mọi người. Trong cùng một khoảng thời gian, mọi người đều làm như nhau. Có thể không có gì khác biệt trong một khoảng thời gian ngắn. Nhưng nếu người khác bỏ cuộc và bạn tiếp tục làm điều đó, thì bạn sẽ trở thành một kẻ mạnh. .
"Khi bạn muốn làm một việc gì đó, nếu bạn muốn nó trở nên vĩ đại, bạn không cần phải cố ý chọn những thứ kinh thiên động địa. Điều đầu tiên bạn nên cân nhắc là bạn sẽ dành bao nhiêu thời gian. Nếu bạn chỉ muốn trong một năm, bạn hoàn toàn không thể làm điều gì đó đặc biệt. Nhưng nếu bạn dám đặt cược vào một điều trong 20 năm, 50 năm thậm chí cả đời, thì bạn nhất định sẽ trở thành người dẫn đầu trong lĩnh vực này".
2. Tâm xa tiền, túi sẽ gần tiền
Trong thời đại hiện nay, bất kể bạn làm gì, hiệu quả hầu như đều là tiêu chuẩn. Vậy nên chúng ta luôn chăm chú vào kết quả và thường có xu hướng xem nhẹ quá trình, trong khi đây mới là điểm mấu chốt nhất.
Vào những năm 1990, khi Phùng Luân và 5 người bạn vừa thành lập Vantone, ông đã đưa anh em của mình đến một nhà hàng địa phương mới để ăn tối. Trong bữa ăn, Phùng Luân thấy rằng có một chàng trai trẻ trong nhà hàng làm việc rất chăm chỉ và chào đón khách rất nồng nhiệt. Quản lý cho biết người này từng là người vô gia cư, được ông đưa về nhà hàng để làm việc.
Phùng Luân rất tò mò về chàng trai này nên đã đến trò chuyện với anh ta. Hóa ra người này đang làm công nhân thì nhà máy đóng cửa. Anh muốn đi du lịch nhưng không có tiền nên vừa đi du ngoạn vừa làm thuê cho người khác. Chỉ cần nhà hàng lo cho anh chuyện ăn ngủ, người này sẽ làm việc chăm chỉ mà không cần tiền công dù công việc có nặng nhọc đến đâu.
Chàng trai này cũng chia sẻ: “Bây giờ tôi quen việc trong các nhà hàng lắm rồi. Nếu có cơ hội, có lẽ tôi sẽ mở một nhà hàng”. Phùng Luân thấy người này rất thú vị nên để lại thông tin liên lạc.
Sau đó, chàng trai trẻ đã mở một nhà hàng như mong đợi, được khách hàng đánh giá dịch vụ tốt nhất trong số các nhà hàng xung quanh. Anh ấy đã có thời gian quan sát, hiểu sâu sắc về nhu cầu và cách phục vụ để hài lòng khách. Tất cả kinh nghiệm khi lang thang làm không công đã trở thành vốn liếng kinh doanh của chàng trai.
Phùng Luân nói: "Cuộc sống thực ra là như vậy. Nếu quan tâm tính toán chi ly mọi thứ, từng lợi ích trong việc bạn làm, bạn sẽ không thể làm nên việc lớn. Có những người không quan tâm đến lợi ích trước mắt, họ làm vì sở thích hoặc có mục đích dài hạn, họ sẽ dễ gặt hái thành công hơn”.
Theo “bố già” bất động sản, đừng chỉ quan tâm đến những cái được và mất trước mắt mà hãy nhìn về lâu dài. Dù bây giờ bạn có chịu thiệt một chút nhưng nếu kiên trì, những điều khó khăn bạn đang trải qua sẽ trở thành vốn liếng trong tương lai.