Kỹ năng sống

Cách cha mẹ rèn ý chí cho con qua tấm gương thể thao

Bước vào mùa hè, một trong những nỗi lo của nhiều cha mẹ khi con trẻ rời sách vở là sự lười biếng, ngủ nướng, chơi game... Tìm kiếm các lớp học hoặc hoạt động rèn luyện sức khỏe là cách được nhiều phụ huynh chọn nhằm giúp con sử dụng thời gian hè hiệu quả, cũng như cải thiện năng lực bản thân. "Vợ chồng tôi đang tìm các lớp thể thao cho con theo học dịp hè này nhằm giúp con tập luyện, tránh tình trạng chơi suốt mùa hè", anh Thanh Tùng, phụ huynh của hai học sinh tiểu học ở quận 7, TP HCM cho biết.

Các sân chơi thể thao ngoài trời được nhiều phụ huynh khuyến khích con tham gia trải nghiệm trong mùa hè. Ảnh: Nestlé Milo.

Các sân chơi thể thao ngoài trời được nhiều phụ huynh khuyến khích con tham gia trải nghiệm trong mùa hè. Ảnh: Nestlé Milo

Ông bố hai con lý giải, ngoài tốt cho sức khỏe, các môn thể thao còn luôn đặt ra các mục tiêu để người chơi phấn đấu. Bọn trẻ sẽ phải vượt qua những thách thức nhất định khi tập luyện. Thể thao do đó có thể giúp trẻ nhỏ khám phá giới hạn bản thân, vượt qua chính mình và rèn ý chí bền bỉ.

Kỳ SEA Games vừa qua, anh Tùng cũng tranh thủ nói chuyện với con về các tấm gương thành công của các vận động viên nhằm khơi gợi niềm đam mê luyện tập thể thao nơi các con. Khi đội U23 Việt Nam thắng Thái Lan 1-0 và giành huy chương vàng bóng đá nam SEA Games, anh đưa các con "đi bão", cả nhà hào hứng bàn luận về các cầu thủ, nhất là đội trưởng Đỗ Hùng Dũng. "Bọn trẻ rất ấn tượng khi biết Hùng Dũng đã vượt qua nhiều khó khăn để có được thành công như ngày hôm nay, trong đó chỉ mất 8 tháng để phục hồi chấn thương và cùng đồng đội bảo vệ tấm huy chương vàng bóng đá nam SEA Game", anh Tùng chia sẻ.

Đỗ Hùng Dũng ăn mừng sau khi ghi bàn thắng trong một trận đấu vòng bảng, anh đã vượt qua nhiều khó khăn để thành công tại SEA Games 31. Ảnh: Lâm Thỏa

Đỗ Hùng Dũng ăn mừng sau khi ghi bàn thắng trong một trận đấu vòng bảng, anh đã vượt qua nhiều khó khăn để thành công tại SEA Games 31. Ảnh: Lâm Thỏa

Bên cạnh Đỗ Hùng Dũng, kiếm thủ Vũ Thành An cũng là nhân vật truyền cảm hứng về tinh thần không bỏ cuộc. 15 tuổi mới bắt đầu theo đuổi bộ môn đấu kiếm chém, càng tìm hiểu về đấu kiếm, anh càng thấy đam mê và hăng say tập luyện. Ban đầu, An chỉ chạy bằng các bạn nữ, chỉ bật được 3 bậc cầu thang trong khi các bạn nam khác bật được 5 bậc, An tự tập thêm sau mỗi buổi tập chính. Sáng, khi mọi người vẫn ngủ thì An dậy chạy. Các buổi tối, anh cũng tiếp tục tập luyện. Nhờ nỗ lực, Vũ Thành An từng giành 4 huy chương vàng SEA Games, là vận động viên đấu kiếm đầu tiên của Việt Nam giành huy chương cấp châu lục cùng một suất tham dự Olympic.

"Những câu chuyện vươn lên trong mọi hoàn cảnh để giành thành tích cao của Dũng, An giúp con tôi thêm động lực để thay đổi bản thân", anh Tùng nói thêm.

Thành An (phải) trong trận thắng kiếm thủ Thái Lan Srinualdnad để giành huy chương vàng SEA Games 29, truyền cảm hứng cho giới trẻ về tinh thần bền bỉ. Ảnh: Phạm Đương.

Thành An (phải) trong trận thắng kiếm thủ Thái Lan Srinualdnad để giành huy chương vàng SEA Games 29, truyền cảm hứng cho giới trẻ về tinh thần bền bỉ. Ảnh: Phạm Đương.

Với MC Diệp Chi, giúp cô con gái 11 tuổi từ chỗ sợ nước đến bơi thành thạo và đạt chứng chỉ lặn quốc tế cũng là cách cô rèn ý chí cho con. "Tôi nói với con rằng nếu như con biết bơi thì con có thể sinh tồn được trong rất nhiều hoàn cảnh. Con có thể tự cứu con khi không có bố mẹ ở bên cạnh", nữ MC nói. Để con vui vẻ khi tập luyện, Diệp Chi cổ vũ con hằng ngày, tập luyện cùng với con, mỗi ngày một nấc, bắt đầu từ 1m, 2m đến 10m.

"Việc rèn ý chí này sẽ giúp con hình thành sự chủ động trong cuộc sống và theo con suốt cả cuộc đời dài phía trước", nữ MC chia sẻ.

MC Diệp Chi cùng con gái Sumo từng bước xây dựng ý chí vượt qua nỗi sợ nước để làm chủ kỹ năng bơi và lặn. Ảnh: NVCC.

MC Diệp Chi cùng con gái Sumo từng bước xây dựng ý chí vượt qua nỗi sợ nước để làm chủ kỹ năng bơi và lặn. Ảnh: NVCC.

Theo nhiều chuyên gia, thể thao rất quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ, không chỉ tác động tới thể lực mà tới cả tinh thần của các em. Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Thành Nam (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết những người thành công nhất trong các lĩnh vực lớn đều đã gặp thất bại trên cuộc đời nhưng quan trọng là họ có ý chí vượt qua thất bại. Ngoài chỉ số thông minh IQ, để dự đoán khả năng thành công của một người, ngày nay còn nhiều chỉ số khác như PQ (chỉ số đam mê) và AQ (chỉ số vượt khó).

"Nhóm người luôn thích những điều dễ dàng thì công việc của họ chỉ là bình thường. Những người nào đã có những thành công nhất định trong cuộc sống thì chỉ số vượt khó - ý chí của họ rất cao", ông Nam nhận định. Chuyên gia giáo dục cảm thấy tiếc khi ngày nay, nhiều cha mẹ đang tước đi quyền vượt khó của con, không cho con có nhiều cơ hội để rèn ý chí. Dù thực tế, nhiều cha mẹ cũng đã nhận ra trong xã hội cạnh tranh ngày càng khốc liệt, để có được chỗ đứng và thành công thì ý chí bền bỉ và tinh thần không bỏ cuộc khi theo đuổi đam mê là không thể thiếu.

Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Thành Nam cho rằng, hành trình chinh phục những đỉnh cao trong sự nghiệp thể thao của Đỗ Hùng Dũng và Vũ Thành An không thể thiếu đi vai trò của ý chí. Không chỉ là ý chí để trở nên xuất sắc hơn về kỹ năng chuyên môn, mà còn là ý chí vượt qua những giai đoạn khó khăn vì chấn thương hay những khoảnh khắc muốn bỏ cuộc và dừng lại. Với thể thao, họ có một mảnh đất màu mỡ để rèn ý chí và được đền đáp bằng những tấm huy chương danh giá. Chính bản thân Hùng Dũng, Thành An, trong vai trò là người cha, cũng xem ý chí là một trong những đức tính quan trọng cần xây dựng và rèn giũa trong quá trình trưởng thành của con mình.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm