Trên mạng xã hội đang bàn tán sôi nổi về một quyết định nghỉ việc được áp dụng cho các nhân viên từ chối đi du lịch cùng công ty vào ngày 18/06 vừa qua. Và chi tiết trong tờ quyết định đuổi việc này cũng chỉ rõ nguyên do, việc từ chối tham gia hoạt động này của công ty là không có tinh thần tập thể, tinh thần gắn kết đồng đội nên không phù hợp với công ty.
Tiếp nối còn xuất hiện một mẩu giấy từ công ty khác, ghi rõ các quy định, mức phạt cho những ai đi team building nhưng không tham gia hoạt động tập thể thì "thu nóng" 1 triệu/người.
2 bức ảnh về chuyện xử phạt liên quan đến hoạt động team building gây tranh cãi.
Khi hình ảnh được lan truyền, bất chấp sự thật phía sau câu chuyện này là đúng hay do ai đó cố tình "câu view", nhưng vô tình đã trở thành chủ đề "nóng" khiến bộ phận lớn nhân viên văn phòng như "được dịp để trút bầu tâm sự".
Từ đó, mới phát hiện có hai luồng ý kiến xuất hiện khi một bên thì cho rằng "đã là thành viên của công ty thì nên hòa nhập và chấp nhận văn hóa nội bộ", không muốn giao lưu sẽ khó gắn bó được lâu dài. Tuy nhiên số khác lại cho rằng "không phủ nhận vai trò của team building, nhưng đi hay không còn do nhiều yếu tố khác. Không có bất cứ ai được quyền ép!".
Ảnh minh họa.
LÝ DO DÂN VĂN PHÒNG NÉ TEAM BUILDING NHƯ NÉ "TÀ"
"Team building", "company trip" là các chuyến đi du lịch, dã ngoại cùng công ty bao gồm các hoạt động như ăn uống, vui chơi, nghỉ dưỡng tập thể... nhằm xây dựng tính gắn kết giữa các thành viên. Mùa hè này là thời điểm vàng cho các hoạt động ngoại khoá của công ty như vậy. Chính vì thời tiết rất phù hợp để đi nghỉ dưỡng, du lịch biển, tổ chức các sự kiện mang tính vận động... Và ngoài ra đây cũng là cột mốc nửa năm làm việc sau tiệc Tất niên hay Tân niên, nên hầu hết các ban lãnh đạo, quản lý đều chọn thời gian này tổ chức team building cho mọi người xả hơi, thư giãn. Thời điểm này cũng là lý do mà suốt mấy ngày nay có rất nhiều cuộc thảo luận trên mạng xã hội về chủ đề team building.
Chị Thuý Phan đang sống tại TPHCM.
Vừa trải qua chuyến đi cùng công ty, anh Quốc Việt - lập trình viên chia sẻ: "Đối với những người hướng nội như mình thì quả thật team building là một cực hình. Khi tụ tập đông người, mình không biết phải nói gì hay làm gì để hoà nhập với mọi người, cứ miễn cưỡng cười dù không thật sự vui. Hơn nữa lại phải tham gia các trò chơi đội nhóm, trong khi cá nhân mình thích những gì độc lập, một mình hơn. Giờ nghĩ tới chẳng muốn trở lại không khí đó một chút nào."
"Mình nghĩ chuyện muốn tham gia team building hay không còn tùy vào văn hóa công ty nữa. Nếu mình hợp với mọi người trước đó rồi mình sẽ hào hứng tham gia, còn nếu mình vào công ty chỉ để làm việc - nhận lương, thì mình không quan tâm đến chuyến du lịch của công ty là mấy. Cá nhân mình là người thích vận động, nhưng chỉ vui khi chơi các hoạt động mình thích, còn các trò chơi mà ban tổ chức tự chuẩn bị quyết định, thì người được thư giãn không phải là nhân viên bọn mình nữa rồi." - chị Thúy Phan, nhân viên kinh doanh tại TP.HCM.
Bên cạnh đó rất nhiều người tán thành về chuyện ái ngại các hoạt động cường độ cao như: kéo co, đua thuyền trên cát, bóng chuyền... còn bắt reo hò để tăng thêm tinh thần nhưng trái lại ai cũng xem đây là trận "hành xác".
Một lí do khá thực tế khác là dân văn phòng sợ team building vì ngại "đụng chạm". Những tưởng các trò chơi tiếp sức, gần gũi giữa nam và nữ sẽ tạo thêm niềm vui và thu hẹp khoảng cách ngại ngùng giữa đồng nghiệp nam và đồng nghiệp nữ, nhưng có vẻ người tổ chức chưa thật hiểu tâm lý nên vô tình đem lại ác cảm cho người tham gia.
"TÔI VÔ TÌNH NGHE CÁC SẾP NÓI XẤU ĐỒNG NGHIỆP LẪN CẤP DƯỚI SAU MỘT TRẬN CHÈ CHÉN SAY SƯA"
Đó là một trải nghiệm có 1-0-2 của chị Kim Oanh (TP.HCM) trong chuyến team building với công ty hồi năm ngoái. Đó cũng là lần chị nhận ra "môi trường công ty này không hợp với mình" và quyết định thôi việc khoảng 2 tháng sau đó với một số lý do khác đi kèm.
Nhớ lại trải nghiệm của mình, chị Oanh tâm sự: "Mình khá buồn vì hóa ra đây không phải là dịp kết nối mọi người mà ngược lại là dịp để âm thầm "chia bè phái", chia rẽ nội bộ thì đúng hơn. Lần đó sau khi kết thúc bữa tiệc linh đình, phần lớn mọi người đã về phòng ngủ và vì mình lạ chỗ nên phải ra ngoài ban công hóng gió thì vô tình nghe được phòng bên cạnh của các anh chị trưởng phòng vẫn rôm rả chuyện cô A, anh B làm những điều mà mọi người cảm thấy "ngứa mắt"... Nói một hồi câu chuyện dần đi xa hơn, thay vì chỉ là kể và nói ra những điều họ muốn nói thì sau đó các anh chị sếp khác bắt đầu "châm thêm dầu vào lửa" rồi bàn nhau cách về để "xử lý" nhau. Đấy là team building ư?"
Cùng đó, nhiều công ty cũng có các quy định khá lạ lẫm. Chẳng hạn như ai không tham gia team building sẽ bị phạt tiền, trừ lương. Hoặc nếu không có các quy định bắt ép phải tham gia như trên, thì có trường hợp những chuyến đi này nhân viên phải tự lo chi phí, hoặc ngày đi team building cùng công ty sẽ buộc dùng thay ngày phép, ai không có ngày phép xem như vắng không lương.
Nhiều công ty tổ chức team building suy cho cùng chỉ muốn xây dựng văn hoá nội bộ, mong mọi người khắng khít với nhau hơn. Nhưng chín người mười ý, nếu ban tổ chức không lắng nghe thấu đáo và tôn trọng mọi người thì rất dễ xảy ra tình trạng bắt ép, khiến đội ngũ nhân viên cảm thấy bức xúc, có khi không gắn kết được mà còn làm họ chán nản hơn.
"ĐI LÀM HƠN 10 NĂM, TRẢI QUA 4 CÔNG TY KHÁC NHAU NHƯNG CHƯA BAO GIỜ ĐĂNG KÝ ĐI TEAM BUILDING 1 LẦN NÀO"
Ảnh minh họa.
Đây là trường hợp "lạ" và gần như vô cùng hiếm gặp của chị Linh, hiện làm việc ở một công ty thời trang quốc tế có trụ sở tại Sài Gòn. Chị kể: "Tư duy này của mình bị ảnh hưởng phần nào do làm việc ở công ty đầu tiên năm mình 20 tuổi. Thời điểm đó công ty này đã khá lớn và có tiếng, nhưng vì bản chất mình là người hướng nội, vô cùng khó hòa nhập với người lạ chứ đừng nói đó là cả tập thể vài trăm người. Nên vào những lần team building đầu tiên, mình luôn cố dùng mọi lý do để không phải tham dự. Mình sẵn sàng tinh thần là bị sếp trừ lương, mất lòng mọi người vì với mình, đi làm làm đi làm, ngày thường mình vẫn cố gắng hòa nhập, trò chuyện với các anh chị em. Nhưng đi chơi xa với người lạ thì với mình nó thật sự quá sức và là thử thách lớn khó vượt qua về mặt tâm lý.
Từ đó, khi sang các công ty khác mỗi lần tổ chức team building, mình bắt đầu học cách chia sẻ thẳng với cấp trên của mình về "tâm bệnh" đó. Và chắc đó cũng là một may mắn khi đến nay vẫn chưa có nơi nào hay người sếp nào cảm thấy khó chịu với mình vì điều này. Dĩ nhiên, với những người ngoài thì chắc chắn có không ít lần bàn tán, nhưng mình xem như không nghe, cũng không cần để tâm quá nhiều về họ".
NỖI KHỔ CỦA CÁC SẾP VÀ NHỮNG NGƯỜI TỔ CHỨC TEAM BUILDING
Chị Nguyệt Quang - CEO Công ty dịch vụ trợ lý và giải pháp nhân sự Em Ơi
Trước xu hướng chọn lựa và tham gia các hoạt động ngoại khoá, team building của công ty, thì chị Nguyệt Quang - CEO, một người đã có kinh nghiệm tổ chức rất nhiều team building lớn nhỏ lí giải: "Các hoạt động như team building, du lịch công ty… thực chất là một dịp để nhân viên xả hơi sau những ngày căng thẳng với công việc, với đồng nghiệp, với cấp trên. Xuất phát điểm là một sự cảm ơn của sếp dành cho nhân viên. Hồi trước người lao động không có điều kiện kinh tế nhiều và khó cân bằng chuyện đi làm và xin nghỉ, nên công ty tổ chức ra để mọi người có cơ hội đi du lịch, nghỉ ngơi, sẵn tiện kết hợp một số hoạt động thể thao để hướng đến xây dựng tình đồng đội đoàn kết. Hiện nay thì dân văn phòng có thể tự chủ cho việc nghỉ ngơi, chuyến du lịch của mình được nên họ tự khắc chọn lựa hơn, ưu tiên hưởng thụ cá nhân hơn."
Đứng trên cương vị của một nhà lãnh đạo và người tổ chức, chị cho rằng: "Nếu người tổ chức nhận được những xin phép không tham gia team building vì lý do không chính đáng thì phải xem lại người quản lý có thực sự làm tốt và hiệu quả các hoạt động nội bộ để nhân viên cảm thấy gắn bó hay không Nếu nhân viên đã không muốn đi, thì tất cả các biện pháp phạt về kinh tế, buộc đến công ty làm việc, đuổi việc… đều không giải quyết được vấn đề gắn bó của nhân viên, chỉ làm mất đi thêm nhân sự."
Vấn đề văn hoá team building tại các công ty ở Việt Nam không phải chỉ xuất hiện mới đây. Rất nhiều người chia sẻ về mặt tiêu cực của team building đáng để mình trốn tránh. Nhưng cũng có nhiều người quản lý bất lực nói rằng: "Công ty tổ chức team building thì các bạn phàn nàn điều này, chê điều kia để từ chối tham gia. Còn nếu công ty không tổ chức thì lại nghe than thở và có khi trách cứ chế độ phúc lợi keo kiệt. Thật không biết làm sao cho vừa."