Công nghệ

Cách Apple lôi kéo người dùng Đông Nam Á

Yuni Pulungan, 28 tuổi, Giám đốc dự án một tổ chức phi lợi nhuận ở Jakarta (Indonesia), trước đây luôn coi iPhone là thiết bị xa xỉ và không có ý định mua. Khi chiếc điện thoại Android cô dùng từ 2019 hết dung lượng bộ nhớ, máy ảnh xuống cấp, Pulungan tìm kiếm một điện thoại mới. Cô muốn một thiết có có thể dùng ổn định trong nhiều năm mà không phải lo về những lỗi vặt. Sau nhiều lần cân nhắc, hồi tháng 4, Pulungan mới quyết định từ bỏ Android và chuyển sang iPhone 13.

"Máy bền, camera không bị rung nhòe khi quay video, âm thanh cũng tốt. Chỉ một thứ không tốt là giá quá cao. Tôi phải bỏ ra 798 USD để mua iPhone - cao hơn hai tháng lương trung bình của người dân thành thị ở Indonesia", Pulungan nói.

Theo Rest of World, những người như Pulungan đang ngày một nhiều. Công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint cho biết trong ba tháng đầu năm, doanh số iPhone ở Đông Nam Á tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, ở Việt Nam và Indonesia, nhu cầu iPhone vẫn cao ngay cả khi thị trường smartphone gần như bão hòa.

Những người dùng trẻ chuyển từ Android sang iOS nói họ bị thuyết phục bởi cấu hình, camera tốt và hệ điều hành mượt, dễ dùng. Họ cho biết sẽ tiếp tục mua iPhone miễn là Apple vẫn duy trì chất lượng của thương hiệu.

Trước đây, Apple gặp khó ở Đông Nam Á. Tại Indonesia - quốc gia lớn thứ tư trên thế giới, các công ty Trung Quốc như Oppo, Vivo, Xiaomi, Realme thống trị doanh số smartphone nhờ giá rẻ, phù hợp số đông người dùng. Nhiều mẫu Android cao cấp chỉ khoảng 500 USD.

Các thương hiệu Trung Quốc cũng bản địa hóa thành công việc tiếp thị, tạo thiện chí với cộng đồng địa phương thông qua các hoạt động xã hội như kiến tạo việc làm, cứu trợ thiên tai. Về mặt này, Apple gần như không để lại dấu ấn tại Đông Nam Á. Đổi lại, nhà sản xuất iPhone tạo thiện cảm nhờ chất lượng sản phẩm. Sự hiện diện của Apple đang ngày càng tăng, ngay cả trong bối cảnh kinh tế bấp bênh do đại dịch và suy thoái.

Glen Cordoza, nhà phân tích tại Counterpoint, cho rằng mức độ phổ biến của Apple ở Đông Nam Á được thúc đẩy nhờ iPhone 13 và iPhone 14. "Phần lớn người dùng ở các nền kinh tế mới mua smartphone đầu tiên với giá rẻ. Nhưng khi thu nhập được cải thiện, họ chuyển sang iPhone như một cách để khẳng định vị thế của mình. Đây là xu hướng chung ở nhiều quốc gia đang phát triển", Cordoza nhận định.

Khách hàng mua iPhone 14 Pro Max trong ngày đầu mở bán chính thức tại Việt Nam hồi tháng 10/2022. Ảnh: Khương Nha

Khách hàng mua iPhone 14 Pro Max trong ngày đầu mở bán tại Việt Nam hồi tháng 10/2022. Ảnh: Khương Nha

Theo một nhân viên bán hàng của Apple tại Jakarta, phần lớn khách hàng mua iPhone là lao động thành thị. Họ tìm kiếm một thiết bị có tính thực dụng cao, bảo mật và dễ kết nối với phần còn lại trong hệ sinh thái rộng lớn của Apple. Trong khi đó, đại diện Apple ở Đông Nam Á không bình luận.

Ở Indonesia, tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh trong khi tầng lớp siêu giàu cũng mở rộng. Chủ một cửa hàng bán lại iPhone ở Jakarta cho biết sau khi iPhone 14 ra mắt, nhiều phụ huynh đã tìm mua máy cho con - những đứa trẻ còn đang học phổ thông. Họ muốn con mình có những trải nghiệm thoải mái hơn khi chơi game, lên mạng xã hội.

Le Xuan Chiew, nhà phân tích tại công ty nghiên cứu Canalys, nhận định dân số trẻ ở Đông Nam Á là điều Apple hướng đến. "Trước đây, Apple luôn coi trọng tầng lớn trung lưu, người dùng trưởng thành. Nhưng giờ, họ tập trung nhiều hơn vào GenZ - nhóm khách hàng có nhu cầu mua sắm cao và sẵn sàng chi mạnh tay cho thiết bị đời mới", Chiew nói.

Hiện Apple chỉ có ba cửa hàng vật lý ở Đông Nam Á là tại Singapore, Thái Lan và Malaysia. Nhưng công ty đang mở rộng sự hiện diện theo nhiều cách khác nhau. Hồi tháng 5, Apple khai trương cửa hàng trực tuyến đầu tiên tại Việt Nam. Vào tháng 3, công ty bán lẻ Indonesia Erajaya được Apple cấp phép mở một cửa hàng dưới dạng đối tác cấp cao ở Jakarta, mang đến những trải nghiệm tương tự Apple Store chính thức.

Báo cáo của Counterpoint cho thấy kinh tế Đông Nam Á đang trong giai đoạn có nhiều biến động. Tuy nhiên, Apple đã chạm được vào thị hiếu của nhóm tiềm năng. Họ cũng đánh bại thương hiệu Android bằng chương trình bán hàng linh hoạt với đối tác địa phương, cho phép thanh toán trả góp, thu cũ đổi mới.

Bất chấp giá vật liệu và chip trên iPhone 14 tăng, hãng vẫn giữ giá thiết bị bằng iPhone 13. "Apple đang tìm cách làm cho giá iPhone trở nên phải chăng hơn để thu hút nhóm khách hàng Đông Nam Á", Chiew nói.

(theo Rest of World)

Cùng chuyên mục

Đọc thêm