Dinh dưỡng

Các triệu chứng bệnh tương tự giữa sởi và cúm

Tóm tắt:
  • Sởi và cúm có triệu chứng giống nhau, dễ dẫn đến nhầm lẫn và điều trị sai.
  • Người trưởng thành mắc sởi thường gặp biến chứng nặng và có nguy cơ tử vong.
  • Sởi có thể nhận diện qua đốm Koplik và phát ban sau 3-5 ngày.
  • Bác sĩ khuyến cáo khám bệnh sớm và tiêm vaccine để phòng ngừa cả hai bệnh.
  • Vệ sinh cá nhân và môi trường sống có thể giúp giảm nguy cơ lây nhiễm.

Bác sĩ Bùi Công Sự, Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết như trên trong bối cảnh nhiều người trưởng thành mắc sởi nhập viện gặp biến chứng nghiêm trọng, đã có ca tử vong. Như Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương tiếp nhận nhiều bệnh nhân sởi 35-46 tuổi nặng. Họ cần điều trị tích cực bằng thở máy, chạy ECMO do suy hô hấp, viêm phổi, tiêu chảy nặng.

Bác sĩ Sự cho biết sởi dễ nhầm lẫn với cúm ở giai đoạn đầu, nên bệnh nhân không chú ý, dẫn đến bệnh diễn tiến nhanh và trở nặng. Hai bệnh đều bắt đầu với sốt cao, thường trên 38 độ C. Người bệnh thường thấy mệt mỏi, đau cơ, uể oải - phản ứng thường gặp của cơ thể khi virus xâm nhập. Ngoài ra, cúm và sởi còn gây ho khan, đau họng.

Người trưởng thành mắc sởi thường trở nặng do không điều trị kịp lúc, mắc bệnh nền, không tiêm vaccine. Ảnh: Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương

Người trưởng thành mắc sởi thường trở nặng do không điều trị kịp lúc, mắc bệnh nền, không tiêm vaccine. Ảnh: Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương

Tuy nhiên, hai bệnh có thể phân biệt, ví dụ sởi thường gây chảy nước mắt, nước mũi, viêm kết mạc. Hai đến 3 ngày đầu tiên xuất hiện triệu chứng, trong miệng người bệnh sởi xuất hiện đốm Koplik trắng, bao quanh bởi vòng tròn đỏ. Sau 3-5 ngày kể từ khi có triệu chứng đầu tiên, người bệnh sẽ xuất hiện phát ban, giai đoạn này cần theo dõi sát và nhập viện điều trị các biến chứng.

Phát ban thường mọc từ trên mặt, chân tóc sau đó lan rộng ra khắp cơ thể. Bệnh sởi có thể khỏi sau khoảng 7-10 ngày nếu người bệnh có sức đề kháng tốt và được chăm sóc đúng cách. Tuy nhiên, nhiều người thường bỏ lỡ giai đoạn vàng chữa trị do chưa hiểu về bệnh hoặc chữa nhầm sang cúm.

Còn cúm không gây phát ban, diễn biến khoảng 5-7 ngày sau đó hồi phục.

Bác sĩ Sự cho biết cả cúm và sởi đều có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như viêm tai giữa, viêm xoang, viêm phổi, viêm não, suy đa tạng. Trong đó, sởi còn thường gây ra tiêu chảy cấp, viêm loét giác mạc dẫn đến mù lòa. Phụ nữ mắc cúm và sởi tăng nguy cơ biến chứng thai kỳ, trẻ sinh non, nhẹ cân.

Nguy cơ biến chứng sởi ở người lớn tương đương với trẻ em. Nhóm người lớn có bệnh nền hoặc suy giảm miễn dịch như đái đường, phổi tắc nghẽn mạn tính, tim mạch, huyết áp... điều trị lâu và khó khăn hơn, dễ bội nhiễm thêm các bệnh khác.

Do đó, bác sĩ Sự khuyến cáo người dân khám bệnh tại cơ sở y tế khi có dấu hiệu ho, viêm họng, sốt phát ban. Việc này sẽ giúp chẩn đoán bệnh chính xác và điều trị bệnh kịp thời. Trường hợp được chỉ định chăm sóc tại nhà, người dân cần tuân thủ đúng hướng dẫn của nhân viên y tế, không tự mua thuốc điều trị hoặc tự thay đổi phương pháp dẫn tới bệnh trở nặng.

Người lớn tiêm vaccine sởi - quai bị - rubella tại Trung tâm tiêm chủng VNVC. Ảnh: An Hoa

Người lớn tiêm vaccine sởi - quai bị - rubella tại Trung tâm tiêm chủng VNVC. Ảnh: An Hoa

Người dân nên chủ động phòng cả hai bệnh để tránh nguy cơ biến chứng. Đối với sởi, hiện Việt Nam có nhiều loại vaccine dành cho trẻ em và người lớn gồm: mũi sởi đơn MVVAC (Việt Nam); loại phối hợp phòng sởi và rubella (MRVAC), loại phòng sởi - quai bị - rubella Priorix (Bỉ) và MMR II (Mỹ).

Người lớn chưa tiêm hoặc không nhớ lịch sử chủng ngừa cần tiêm đủ ít nhất hai mũi vaccine, phác đồ cách nhau một tháng. Phụ nữ cần tiêm vaccine sởi trước khi có kế hoạch mang thai ba tháng, bảo vệ thai kỳ, truyền kháng thể thụ động cho con trong những tháng đầu đời.

Đối với cúm, hiện có 4 loại vaccine phòng các chủng virus phổ biến gồm: cúm A/H1N1, A/H3N2 và dòng cúm B. Trong đó, loại của Hà Lan, Pháp và Hàn Quốc dành cho trẻ từ 6 tháng tuổi và người lớn còn loại của Việt Nam dành cho người từ 18 đến 60 tuổi. Vaccine cần nhắc lại hàng năm để đạt miễn dịch tối đa.

Để tăng khả năng phòng bệnh, người dân không nên tiếp xúc với những người nghi mắc bệnh sởi và cúm; đeo khẩu trang nơi đông người và thường xuyên rửa tay bằng xà phòng. Khu vực sinh hoạt, học tập nên được duy trì vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng và đủ ánh sáng, thường xuyên khử trùng đồ dùng để đảm bảo an toàn.

Các tin khác

Vincom Retail công bố chiến lược phát triển toàn diện

Công ty Cổ phần Vincom Retail (Mã CK: VRE) tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025. Đánh giá Việt Nam đang bước vào “kỷ nguyên vươn mình” với nhiều cơ hội lịch sử, Vincom Retail đặt mục tiêu phát triển toàn diện, bứt phá mạnh mẽ, khẳng định vị thế dẫn đầu trên thị trường bất động sản bán lẻ.

Đề xuất 5 nhóm giải pháp bảo hiểm cho hợp tác xã nông nghiệp

Tại Hội thảo “Bàn giải pháp bảo hiểm cho HTX sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Quảng Ninh” do Liên minh HTX tỉnh Quảng Ninh tổ chức mới đây, bà Cao Xuân Thu Vân, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam phát biểu lời khai mạc của mình bằng việc dẫn lời Bác Hồ năm 1946: “Nhóm lại thì thành giàu, chia ra thì thành khó” để nhấn mạnh rằng bảo hiểm chính là biểu hiện cụ thể của tinh thần “nhóm lại” trong sản xuất nông nghiệp – nơi mỗi người cùng chia sẻ rủi ro để ổn định và phát triển lâu dài.

Yên Nhật tăng vọt lên mức 140 yên đổi 1 USD: Tín hiệu gì từ thị trường tài chính quốc tế?

Đồng yên Nhật bất ngờ tăng giá mạnh so với đô la Mỹ, vượt ngưỡng 140 yên/USD lần đầu tiên sau 7 tháng. Động thái này khiến giới đầu tư dồn sự chú ý vào cuộc gặp sắp tới giữa Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản và Bộ trưởng Tài chính Mỹ, khi lo ngại về chính sách tiền tệ và thương mại ngày càng tăng cao.