Tài chính

Các nước vùng Vịnh khó có thể giàu lên một lần nữa nhờ sự bùng nổ của giá dầu


Giá năng lượng tăng vọt do xung đột tại Ukraine đã giúp các nước vùng Vịnh thoát khỏi tình trạng suy giảm kinh tế kéo dài gần một thập kỷ qua khiến các nước này phải giảm chi tiêu và bị thâm hụt ngân sách. Xung đột đã khiến giá dầu thô có thời điểm lên mức cao kỷ lục 8 năm.

Các nước vùng Vịnh đã trải qua các đợt bùng nổ giá dầu vào thập niên 1970, 1980 và đầu những năm 2000. Tuy nhiên, quan điểm về tiêu thụ năng lượng đang thay đổi, đồng nghĩa các chu kỳ tăng giá khó có thể bền vững. Giới phân tích cho rằng các nước vùng Vịnh nên chuẩn bị cho điều này.

Bà Karen Young, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Columbia về chính sách năng lượng toàn cầu, cho rằng đây chắc chắn là điểm bắt đầu cho sự kết thúc của việc giàu lên nhờ dầu mỏ.

Phương Tây đang chuyển đổi sang năng lượng tái tạo. Điều này ngày càng cấp bách hơn do chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine gây gián đoạn các tuyến cung cấp dầu mỏ và khí đốt chủ chốt cho châu Âu. Đợt bùng nổ giá dầu năm nay rất khác. Đó không chỉ là một cuộc khủng hoảng dầu mỏ mà là sự chuyển dịch lớn về cơ cấu để có thể đáp ứng nhu cầu năng lượng toàn cầu.

Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, các nước xuất khẩu dầu mỏ tại Trung Đông được dự báo thu về 1.300 tỷ USD từ dầu mỏ và khí đốt trong hơn 4 năm nhờ đợt bùng nổ hiện tại. Dù vậy, các chuyên gia cảnh báo các nước này không nên lãng phí số tiền này. Các nước vùng Vịnh cần bảo vệ mình khỏi biến động giá dầu bằng cách dùng số tiền này đa dạng hóa nền kinh tế, tránh phụ thuộc vào dầu mỏ.

Trong các đợt bùng nổ của giá dầu trước đây, các nước vùng Vịnh đã lãng phí ngân sách và đầu tư kém hiệu quả, khi xây dựng hàng loạt, mua thêm vũ khí, phát tiền cho người dân. Các đợt bùng nổ này vì thế lại kéo theo kinh tế lao dốc khi giá dầu giảm, do các nước vẫn phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Hồi tháng 5, một báo cáo của Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh tiền của của các nước vùng Vịnh hậu đại dịch và xung đột tại Ukraine phải được đầu tư vào "chuyển dịch môi trường và kinh tế của khối này".

Việc tập trung vào chuyển đổi năng lượng là điều cấp thiết do nhiều khu vực trên thế giới đã thực hiện quá trình này. Các nước vùng Vịnh dường như cũng đang đa dạng hóa nền kinh tế. Từ sau đợt bùng nổ giá dầu gần nhất vào năm 2014, 4 trong số 6 quốc gia vùng Vịnh đã áp dụng thuế giá trị gia tăng. Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) thậm chí còn bắt đầu đánh thuế thu nhập doanh nghiệp. Dù vậy, chưa nước nào đánh thuế thu nhập cá nhân.

Saudi Arabia đã đầu tư vào các lĩnh vực phi dầu mỏ như du lịch. Tuy nhiên, các chuyên gia nghi ngờ khả năng lĩnh vực này bù đắp được nguồn thu từ dầu mỏ. Hiện tại, vương quốc này thu được gần 1 tỷ USD mỗi ngày nhờ bán dầu.

Các quốc gia vùng Vịnh cũng phủ nhận nguy cơ nhiên liệu hóa thạch không còn là nguồn năng lượng chính khi các nước tiêu thụ chuyển sang năng lượng tái tạo. Họ cho rằng dầu sẽ vẫn cần với kinh tế toàn cầu. Nhu cầu dầu tăng lên sau khi các nước nới lỏng các hạn chế là minh chứng cho điều này. Cơ quan Năng lượng Quốc tế tuần trước dự báo giá dầu tăng mạnh vào năm tới, nhờ kinh tế Trung Quốc và du lịch toàn cầu phục hồi.

UAE, nước xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới, đã cảnh báo quay lưng với nhiên liệu hóa thạch quá nhanh có thể gây ra khủng hoảng kinh tế. Ông Sultan Al Jaber, cố vấn đặc biệt về biến đổi khí hậu tại UAE, hồi tháng 8 cho rằng nếu thay đổi chính sách quá nhanh mà không có phương án thay thế sẽ làm yếu an ninh năng lượng, gây bất ổn kinh tế và khiến các nước giảm nguồn tiền cho chuyển dịch năng lượng. Bà Young thì khẳng định kể cả khi các nền kinh tế quay lưng với dầu thô, các sản phẩm từ dầu như các sản phẩm hóa dầu và vật liệu cho sản xuất nhựa vẫn có nhu cầu cao.

Dù vậy, các chuyên gia cho rằng các nước vùng Vịnh cũng nhận ra rằng kể cả nhu cầu dầu vẫn còn, việc giá cả tăng mạnh có thể không diễn ra thường xuyên với mức độ lớn như hiện nay.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm